• Zalo

Người chế trực thăng lo tàu ngầm Trường Sa bị thu giữ

Thời sựThứ Ba, 01/04/2014 10:40:00 +07:00Google News

Người chế tạo máy bay trực thăng tại HN đã gửi lời chúc mừng tới tàu ngầm Trường Sa sau thử nghiệm, và cũng gửi những lời cảnh báo chuyện xin phép.

Người chế tạo máy bay trực thăng tại HN đã gửi lời chúc mừng tới tàu ngầm Trường Sa sau thử nghiệm, và cũng gửi những lời cảnh báo chuyện xin phép.

Chia vui và nhắc nhở

Ngày 31/3/2014, anh Nguyễn Văn Thắng (Gia Quất, Long Biên, Hà Nội) người chế tạo chiếc máy bay trực thăng đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo về chiếc tàu ngầm Trường Sa vừa được thử nghiệm di chuyển ngoài hồ.

Anh Nguyễn Văn Thắng bày tỏ: “Tôi vẫn thường xuyên xem báo và được biết các hoạt động của tàu ngầm Trường Sa. Là một người đam mê sáng tạo, và cũng xuất thân từ những người thợ không được đào tạo một cách bài bản, lý thuyết, đầy đủ bằng cấp, tôi gửi lời chúc mừng tới thành công ngày hôm nay của tàu ngầm Trường Sa.”

Anh Thắng cho biết thêm: “Tôi cũng đã từng nhiều lần liên lạc qua điện thoại với anh Hòa, chỉ tiếc chưa có dịp tận mục sở thị chiếc tàu của anh chế tạo. Tôi khâm phục sự hiểu biết và thích thú với tính cách của anh. Theo quan điểm của tôi, anh Hòa là người nói được làm được, và với anh mọi thứ đều rất đơn giản nếu anh thực sự quan tâm.”
  Tàu ngầm Trường Sa thử nghiệm di chuyển trên hồ
Tàu ngầm Trường Sa thử nghiệm di chuyển trên hồ 
Tuy nhiên, sau những lời chúc mừng, anh Thắng cũng chia sẻ nhiều trăn trở của mình về công đoạn thử nghiệm tiếp theo của chiếc tàu ngầm.

“Tại Việt Nam, với máy bay, đã có nhiều loại luật để cấm sự xuất hiện, chế tạo, thử nghiệm nó. Còn tàu ngầm là loại phương tiện chưa có trong danh sách đăng kiểm, chưa có luật nào để áp dụng với loại phương tiện này. Theo tôi, đấy là lợi thế của anh Hòa.

Tuy nhiên, nếu thử nghiệm mà không được sự công nhận, kiểm chứng của một đơn vị chức năng nào đó thì thật thiếu ý nghĩa, không khác gì công sức, trí tuệ, tiền của mình bỏ ra mà không được ghi nhận” – anh Nguyễn Văn Thắng nhận định.


Ngoài ra, anh Thắng cũng chia sẻ thêm, anh nghĩ rằng ông Nguyễn Quốc Hòa muốn thử nghiệm tàu Trường Sa ngoài đường sông, đường biển thì bắt buộc phải có sự cho phép của cơ quan quản lý nào đó. Nếu không, anh Thắng lo lắng tàu Trường Sa sẽ sớm bị lập biên bản, ngăn cấm, thậm chí thu giữ.

Sở dĩ anh Thắng có suy nghĩ này bởi chiếc máy bay trực thăng của anh, dù mới ở dạng thử nghiệm, làm với mục đích sáng tạo, kỷ niệm, không có mục đích kinh doanh nhưng sau ba lần thử nghiệm, dù chưa nhấc được quá mặt đất 1m nhưng đã bị hai lần lập biên bản.
Chiếc máy bay của anh Thắng trong lần thử nghiệm thứ ba thất bại
Chiếc máy bay của anh Thắng trong lần thử nghiệm thứ ba thất bại 
Trong đó, một lần biên bản của Phòng không không quân, một lần của công an quận Long Biên. Nội dung những biên bản này yêu cầu không được tiếp tục chế tạo, thử nghiệm, giữ nguyên hiện trạng.

Ai sẽ là người hướng dẫn thủ tục giấy phép?


Trước đó, trong lần làm việc với công an quận Long Biên về vấn đề lập biên bản máy bay của anh Nguyễn Văn Thắng hôm 5/3/2014, ông Đỗ Văn Tiêu, Phó Trưởng Công an Quận Long Biên đã có những lời trần tình.

Theo ông Tiêu, việc lập biên bản này chỉ nhằm làm rõ mục đích sản xuất của anh Nguyễn Văn Thắng, nếu để làm mô hình, kỷ niệm, sẽ không cấm đoán, còn nếu để kinh doanh, sử dụng, sẽ cần phải có một quy trình kiểm soát, thử nghiệm nghiêm ngặt, phải được cấp phép.Và phía công an quận sẵn sàng giúp đỡ, tư vấn, hỗ trợ cách thức thực hiện những quy định cần có.
Công việc thường ngày của anh Thắng chí là một thợ máy bình thường, chuyên chế tạo xe cho người khuyết tật
Công việc thường ngày của anh Thắng chí là một thợ máy bình thường, chuyên chế tạo xe cho người khuyết tật 
Trao đổi với anh Nguyễn Văn Thắng vào ngày 31/3/2014, anh chia sẻ, hiện trạng của chiếc máy bay vẫn được giữ nguyên. Dù đam mê vẫn còn nhưng anh không thể tiếp tục chế tạo. Anh Thắng chia sẻ:

“Sở dĩ tôi không muốn xin tư vấn, hỗ trợ bởi đã tham khảo nhiều cơ quan liên quan đến hàng không, luật sư… mọi câu trả lời đều chung chung, không có đáp án cụ thể. Còn việc đề đạt để làm dự án, đề tài khoa học, tôi e rằng những người duyệt dự án còn yêu cầu bằng cấp này nọ, trong khi tôi chỉ học hết lớp 9.”

“Trông chờ vào sự cho phép, chắc đến đời con cháu tôi mới có thể tiếp tục chế tạo nó. Hiện tại tôi chỉ tập trung vào sản xuất kinh tế” – anh Thắng cho biết thêm.

» Sáng nay, chạy thử tàu ngầm Trường Sa
» Clip toàn cảnh thử nghiệm tàu Trường Sa với Bộ Quốc phòng
» Tâm nguyện 'cha đẻ' tàu ngầm Trường Sa

Theo Đất Việt
Bình luận
vtcnews.vn