• Zalo

Người chế tạo ô tô chạy bằng nước lã: Những máy móc tự động kỳ diệu

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 04/10/2015 06:34:00 +07:00Google News

Hầu hết các máy móc ông nghiên cứu đều vận hành tự động như một robot, hoạt động khép kín đầu cuối.

(VTC News) - Hầu hết các máy móc ông nghiên cứu đều vận hành tự động như một robot, hoạt động khép kín đầu cuối.


Kỳ 6 (kỳ cuối): Những máy móc kỳ diệu


Sau hai lần dây chuyền sản xuất rác thải tự động thành chất đốt trị giá vài tỉ biến thành tro bởi sự bất cẩn của công nhân, ai cũng tưởng kỹ sư già Vũ Hồng Khánh sẽ nản lòng, tuy nhiên, chiều nào người dân quanh bãi rác Tràng Cát mênh mông cũng thấy ông Khánh và con trai là anh Hòa lang thang nhặt nhạnh và nghiên cứu rác thải.

Một số cựu chiến binh, là xã viên HTX Đông Hải nhìn thấy cảnh đó mà thương xót cho người tài danh gặp nhiều trắc trở nên đã đề nghị bố con ông Khánh về HTX để liên kết làm ăn. HTX sẽ cho mượn đất và góp vốn để ông Khánh nghiên cứu, lắp đặt dây chuyền sản xuất ngay tại HTX Đông Hải.

Tại đây, đã ra đời một dây chuyền biến nhựa, cao su phế thải thành dầu hỗn hợp và dầu diezen dùng để chạy ôtô và một số loại máy móc khác. Chiếc máy này có công suất chế biến mỗi ngày 15 tấn rác thải cao su và rác thải nhựa.

Ông Khánh bên máy chế biến rác thải thành chất đốt
Ông Khánh bên máy chế biến rác thải thành chất đốt 

Với 15 tấn rác thải, qua chế biến sẽ thu được khoảng 7 tấn dầu đốt. Nếu chưng cất tiếp lần nữa sẽ được 3 tấn xăng. Sản phẩm do dây chuyền công nghệ này làm ra có chất lượng tốt mà giá thành lại rẻ, chỉ 5 đến 6 ngàn đồng/lít, phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng nên sản xuất đến đâu bán hết đến đó.

Sự ra đời của chiếc máy chế biến rác thải thành chất đốt, xăng dầu, đã gây chấn động một thời. Rất nhiều nhà khoa học nổi tiếng, lãnh đạo đầu ngành về thăm đã rất ngạc nhiên. Một chiếc máy tương tự, sản xuất ở Đức, giá thành lên đến vài triệu USD, nhưng chiếc máy ông Khánh chế tạo chỉ có giá khoảng 3 tỷ đồng.

Kỹ sư Nguyễn Sơn Thủy, Phòng quản lý công nghệ, sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng cho biết: "Trên thế giới đã có một số nước làm được dây chuyền biến rác thải cao su và nhựa thành chất đốt như Pháp, Đức, Trung Quốc, nhưng ở Việt Nam đây là dây chuyền công nghệ đầu tiên. Cũng phải nói thẳng rằng, nhiều cơ quan đầu ngành và chuyên sâu ở nước ta cũng chưa làm được".

Cũng theo ông Thủy, điều đáng quý nhất là dây chuyền này sản xuất khép kín, đốt cháy hết các loại chất thải trong buồng kín ở nhiệt độ cao, chỉ lọc lấy khí ga ngưng tụ nên không hề gây ô nhiễm. Công nghệ này chỉ gây ô nhiễm khi buồng đốt bị thủng, khí thoát ra ngoài, tuy nhiên trường hợp này rất khó xảy ra và có xảy ra thì xử lý cũng rất dễ.

Chiếc máy cơ khí do ông Khánh chế tạo
Chiếc máy cơ khí do ông Khánh chế tạo 

Sự ra đời của chiếc máy kỳ diệu này, đã mang lại rất nhiều vinh quang cho kỹ sư già Vũ Hồng Khánh. Tuy nhiên, kết cục cuối cùng ông nhận được, vẫn chỉ là sự trớ trêu của số phận.

Khi Đài truyền hình Việt Nam làm bộ phim tài liệu về ông Khánh và chiếc máy chế biến rác thành chất đốt và đoạt huy chương bạc trong một cuộc thi, thì cũng là ngày chính quyền TP. Hải Phòng ra “tối hậu thư” cho bố con ông Khánh, phải phá bỏ hệ thống máy chế biến rác, vì gây ô nhiễm, gây tiếng ồn giữa khu dân cư.

Không có đất, chẳng biết di chuyển chiếc máy đi đâu, vậy là, bố con ông Khánh lại phải dỡ chiếc máy khổng lồ kia thành từng mảnh, đem cất vào kho. Từ bấy đến nay, ông chẳng tha thiết gì với chiếc máy đó nữa.

Sau khi giới thiệu kỹ lưỡng về chiếc máy biến rác thành chất đốt, vị kỹ sư già Vũ Hồng Khánh dẫn tôi vào khu xưởng của HTX Đông Hải để giới thiệu với tôi những chiếc máy mà ông mới sáng chế trong thời gian gần đây.

Trong cái xưởng ấy, con trai ông, anh Vũ Văn Hòa và mười mấy công nhân miệt mài làm việc, dầu mỡ nhem nhuốc trông chả khác gì thợ mỏ.

Máy phát điện di động công suất lớn do ông Khánh chế tạo
Máy phát điện di động công suất lớn do ông Khánh chế tạo 

Ông chỉ chiếc máy trắng phau màu nhôm, như vừa mới ra lò và bảo đó là cái máy phát điện. Ông bảo rằng, mùa hè mất điện nhiều quá, mà máy phát điện bán ngoài thị trường công suất nhỏ, không chạy được hàn, nên ông phải sáng chế ra chiếc máy phát điện di động. Chiếc máy có công suất rất lớn, lại có thể vận chuyển di động bằng ôtô, nên rất thuận tiện.

Trong hoàn cảnh đặc biệt nào đó, cần nguồn điện công suất lớn, thì chỉ việc lái ô tô chở chiếc máy phát điện đến tận nơi, nên rất thuận tiện, hữu ích. Điều đặc biệt, là chiếc máy phát điện đó dùng nhiên liệu từ chiếc máy chế biến rác thải thành dầu diezen.

Đáng chú ý là hệ thống máy chế biến sắn. Ý tưởng sáng chế chiếc máy chế biến sắn này xuất phát từ lòng thương cảm với người nông dân Việt Nam.

Máy chế biến sắn thành tinh bột mịn cao cấp
Máy chế biến sắn thành tinh bột mịn cao cấp 

Nông dân trồng sắn mất bao công sức, khổ cực, mà lãi lời chẳng được bao nhiêu. Nông dân bán một kg sắn tươi có thời điểm giá trên dưới 1.000 đồng. Các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu thô xuất ra nước ngoài. Họ chế biến thành phẩm, rồi lại xuất ngược về Việt Nam với giá đắt gấp 10 lần.

Nếu chiếc máy này thuộc sở hữu của nông dân, họ có thể bán được sắn với giá đắt gấp 10 lần hiện tại, lại không lo công tác bảo quản, không sợ giá lên xuống theo thị trường.

Người nông dân chỉ việc thu hoạch sắn, tống vào chiếc máy. Chiếc máy sẽ nghiền sắn thành bột mịn, tách lấy tinh bột, thải tạp chất và xơ ra ngoài.

Tinh bột li ti bị thổi qua buồng sấy. Máy sấy sẽ làm chín các hạt tinh bột trong tích tắc. Bộ phận đóng bao tinh bột của chiếc máy sẽ thực hiện quy trình cuối cùng.

Như vậy, người nông dân có thể chuyển những bao tinh bột này đến các nhà máy chế biến thức ăn gia súc với giá cao gấp 10 lần bán thô.

Ông Khánh đang nghiên cứu thu nhỏ chiếc máy này lại, chuyển giao công nghệ cho một đơn vị, cơ quan nào đó, để sản xuất hàng loạt, bán rẻ cho nông dân.

Máy ép dầu điều
Máy ép dầu điều 

Trong xưởng sáng chế của ông, tôi đếm được đến cả chục chiếc máy phục vụ cho ngành nông nghiệp, chế biến. Với ông, những chiếc máy cày, cấy, gieo hạt chạy trên đồng ruộng là thứ quá đơn giản, ông không muốn sáng chế.

Hầu hết các máy móc ông nghiên cứu đều vận hành tự động như một robot, hoạt động khép kín đầu cuối. Các máy chế biến nông sản giải phóng sức lao động của con người và cho ra thành phẩm có giá trị cao.

Mặc dù sống ở miền Bắc, nhưng ông lại sáng chế ra máy ép dầu điều tự động. Với chiếc máy này, chỉ việc đổ hạt điều vào máy, thì đầu ra sẽ là tinh dầu và bã thải. Máy hoạt động êm ru, không hề gây ô nhiễm môi trường.

Hình thù những chiếc máy sản xuất hydro từ nước ban đầu...
Hình thù những chiếc máy sản xuất hydro từ nước ban đầu... 
...Và đây là máy chiết xuất hydro từ nước đã được ông Khánh thu gọn, tinh giản, nhưng hiệu suất cao
...Và đây là máy chiết xuất hydro từ nước đã được ông Khánh thu gọn, tinh giản, nhưng hiệu suất cao 

Thậm chí, những chiếc máy rất phức tạp, tưởng như chỉ có ở phương Tây, cũng được kỹ sư Vũ Hồng Khánh thiết kế và chế tạo thành công, như máy nấu sắn thành cồn, máy sản xuất xăng sinh học từ sắn…

Kỳ diệu nhất, và cũng là sáng chế mà kỹ sư già Vũ Hồng Khánh coi như sản phẩm để đời, đó là chiếc máy biến nước thành… siêu nhiên liệu, tức máy tách hydro từ nước.

Việc chế ngự và sử dụng siêu nhiên liệu này đang được ông tiếp tục mày mò, nghiên cứu. Đây sẽ là công trình cuối đời và mang tính đột phá trong sự nghiệp chế tạo của ông. Mong ước của ông, là sẽ để lại cho đời sau một công trình vĩ đại, chẳng hạn như chế tạo ô tô chạy bằng nước lã, sử dụng siêu nhiên liệu hydro cho tên lửa, tàu vũ trụ, bom khinh khí...


Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn