Thời bao cấp ở Hà Nội có một người chăn bò mê bóng đá theo cách riêng.
Ông Sáu “bò” là ai?
Thời bao cấp, ai hàng ngày đi qua Ngã Tư Sở, đường Nguyễn Trãi, khu vực bao quanh sân bay Bạch Mai (Hà Nội) sẽ bắt gặp đàn bò nhởn nhơ trên đường. Có thời kỳ, những con bò no nê chậm chạp trở về sân vận động nhà máy công cụ số 1 (đối diện khu Royal City ngày nay) ngủ qua đêm.
Thường bò ở quê nhát tiếng động, nghe còi ô tô là lồng lên nhưng những con bò này lại dạn với tiếng bim bim, cứ thản nhiên “đường ta ta cứ đi”. Có lúc ô tô, tàu điện phải dừng lại cho chúng qua đường. Đàn bò đó là của ông Nguyễn Văn Sáu, dân quanh vùng gọi ông là Sáu “bò”.
Ông Sáu sinh ra và lớn lên ở làng Thịnh Quang (nay là phường Thịnh Quang, quận Đống Đa). Cho đến đầu những năm 1960, Thịnh Quang còn rất nhiều ruộng và dân ở đây cày cấy dù làng chỉ cách Hồ Gươm mấy cây số. Khi ấy, Nguyễn Văn Sáu đích thị là anh nông dân.
Khi nhà nước lấy đất xây khu tập thể, nhà máy và cơ quan thì Thịnh Quang hết đất ruộng, Nguyễn Văn Sáu thành công nhân may. Nhưng lương không đủ nuôi vợ con nên Sáu quay ra tậu bò, sắm xe làm anh xe bò.
Tuy nhiên, Nguyễn Văn Sáu không vào hợp tác xã mà tự làm tự ăn, ai thuê gì chở nấy và cũng như số ít khác, ông sống ngoài cơ chế. Thời kỳ đó ở miền Bắc chỉ có hai thành phần kinh tế là quốc doanh và tập thể, người đạp xích lô, ông thợ cắt tóc cũng phải vào hợp tác xã thì việc ông Sáu tự doanh cũng là chuyện hiếm. Rồi ông đi mua bê của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở các làng ngoại ô và nuôi thành đàn.
Cuối những năm 1980, các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động cầm chừng rã đám vì cơ chế cũ không còn phù hợp, Hà Nội bị “nông thôn hóa” là cơ hội cho ông đẩy mạnh chăn bò. Có lúc đàn bò của ông lên đến gần trăm con, thoải mái gặm cỏ ở Mễ Trì, Trung Kính.
Bò nhiều lại chỉ vài người chăn nhưng chưa bao giờ bị mất trộm, một phần vì bò không có dây thừng xỏ mũi song ông cảnh giác chọn một con dữ nhất đàn huấn luyện cho nó cứ thấy người lạ lại gần là húc nên trộm không dám. Năm 1972, người vợ đầu của ông mất vì bom Mỹ, các con ông được nhà nước cho hưởng chế độ gạo cung cấp. Gạo nào bị mốc ông cho bò ăn, đong gạo chợ đen cho các con ăn.
Khi bò lớn, ông bán cho lái bò, cho những người thịt bò lậu. Thời kỳ bao cấp, bò được coi là sức kéo cho nông nghiệp, chỉ nhà nước mới có quyền thịt mà vẫn có cánh thịt bò lậu, chợ đen. Bên cạnh cơ chế bao cấp, yếu tố thị trường dù không được thừa nhận vẫn là mạch ngầm trong xã hội.
Thưởng nóng cho cầu thủ ở sân Hàng Đẫy
Sau năm 1954, vào chiều chủ nhật, trên sân Hàng Đẫy thường diễn ra các trận đấu của các đội hạng A. Từ Thịnh Quang lên sân Hàng Đẫy chỉ hơn 2 cây số lại có tàu điện rất tiện nhưng không có tiền nên Nguyễn Văn Sáu chỉ có cách ra quán nước nghe người đi xem trận đấu về “bình luận”, nhiều lần mải mê nghe chuyện quên cả đi cày, bị cha mắng.
Một lần mê quá, ông xúc trộm thóc mang bán lấy tiền, nhảy tàu điện lên Hàng Đẫy nhưng thời đó vé bóng đá phân phối về các cơ quan, xí nghiệp, chỉ dành một ít bán ra ngoài lại bị phe “ôm” hết bán lại giá rất cao nên số tiền bán thóc không đủ, ông đành quay về.
Sau lần đó ông ngẫm nghĩ, bóng đá chuyên nghiệp thi thoảng mới đá một trận trong khi nhiều người có nhu cầu muốn xem hàng ngày sau giờ làm việc nên nảy sinh ý tưởng thành lập đội bóng không chuyên.
Và mong muốn đã trở thành hiện thực khi ông Ba Tuyên, người bán cà phê ở Ngã Tư Sở cũng suy nghĩ như vậy. Rồi hai người hợp sức thành lập đội bóng lấy tên là Nhà Kèn. Nghe có vẻ đám ma nhưng thực ra cái tên Nhà Kèn có ý nghĩa khi đội đã vào sân thì phải đá như tiếng kèn xung trận.
Ông Sáu có tài thuyết phục nên Nhà Kèn thu hút anh em có năng khiếu và ham thích đá bóng quanh khu vực Ngã Tư Sở, công nhân có, cán bộ nhà nước có, lại cả sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội. Mọi người tham gia đội không phải vì bộ quần áo in số mà ông tài trợ, hay vì thùng nước, rổ hoa quả mà vì tình yêu bóng đá chân đất và sự hào sảng của ông.
Ban đầu, Nhà Kèn đá với đội xã Triều Khúc, Phương Liệt, Khương Thượng, sau anh em đạp xe lên đá với đội sân Long Biên, đội ở sân 10/10 phố Quan Thánh… Vì thành viên trong đội luôn thay đổi và cũng muốn thanh niên trong quận Đống Đa tham gia, cái tên Nhà Kèn được đổi thành đội Thanh niên Đống Đa.
Cùng với các đội bóng nghiệp dư ở Hà Nội, Thanh niên Đống Đa đã góp phần tạo ra không khí bóng đá chân đất vô cùng sôi động ở Hà Nội một thời.
Ông Sáu “bò” cũng coi bóng đá như trò chơi, thỉnh thoảng ông đạp xe Peugeot đến các sân, thách đá penalty có quà, thua thắng không quan trọng vì ông lấy vui làm chính. Thường cứ đá 5 quả đi, 5 quả lại, có khi ông không bắt bằng tay mà dùng đầu đẩy bóng khiến người xem khoái trí.
Không chỉ vậy, ông thân quen với rất nhiều cầu thủ các đội bóng hạng A và họ cũng rất quý ông vì kiểu yêu bóng đá của ông. Thập niên 1980, ông đề nghị ban tổ chức sân Hàng Đẫy cho phép ông được thưởng tiền cho cầu thủ bất kể đội nào đá quả đầu tiên vào lưới. Ban tổ chức đã đồng ý, thông báo trên loa. Có thể nói Sáu “bò” là người đầu tiên ở miền Bắc có sáng kiến thưởng nóng cho cầu thủ.
Ông Sáu “bò” đã mất nhưng các bạn ông kể rằng, từ nhỏ ông mơ ước được trở thành cầu thủ, tuy nhiên vì chiều cao khiêm tốn nên ông yêu bóng đá theo kiểu của riêng mình, không yêu thụ động mà yêu theo kiểu khuyến khích nhiều người tham gia vào môn thể thao này để rèn luyện sức khỏe và thúc đẩy bóng đá nghiệp dư phát triển. Một ông chăn bò trong thành phố mà suy nghĩ như vậy quả là hiếm.
Bình luận