• Zalo

Người cắt đầu 2 con hổ và cái chết của “vua săn hổ"

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 07/12/2011 06:46:00 +07:00Google News

(VTC News) - Hổ cái rất hung dữ, hổ đực lại rất to. Hai con hổ này đã bắt mất 10 người, gây hoang mang tột độ cho người Vân Kiều ở Cu Dơn.

(VTC News) - Hổ cái rất hung dữ, hổ đực lại rất to. Hai con hổ này đã bắt mất 10 người, gây hoang mang tột độ cho người Vân Kiều ở Cu Dơn.

Số phận của loài hổ ở Việt Nam thật đáng thương. 

Kỳ 2: Vua săn hổ và cái chết thảm


Trước khi đăng phóng sự này, tác giả đã khẳng định rằng, mục đích bài viết không phải ca ngợi những ông “vua diệt hổ”, mà là phản ánh một thực trạng rất đau lòng đã xảy ra mấy chục năm trước ở vùng biên giới Quảng Trị - nơi mà người ta tàn sát hổ, coi hổ như kẻ thù.

Cũng không thể trách những đồng bào của vùng dân tộc thiểu số này được, bởi vì, mấy chục năm trước, người ta vẫn coi hổ là thú dữ, là kẻ thù của con người. Xa hơn nữa, chính quyền, triều đình phong kiến còn tặng thưởng cho những người săn hổ, chứ đâu có biết hổ là loài quý hiếm, rơi vào nguy cơ tuyệt chủng như bây giờ.

Bài phóng sự này, cũng chỉ nêu lên một câu chuyện, để chúng ta biết về một cuộc tàn sát đẫm máu với một loài động vật, để mà tìm cách bảo tồn những con hổ hiếm hoi còn lại mà thôi, chứ tuyệt nhiên không ca ngợi những người giết hổ.

Bức ảnh gây sốc của nhà báo Hoàng Anh Sướng, về cảnh làm thịt hổ nấu cao. 

Giết hổ như Võ Tòng

Những năm cuối thập kỷ 70 và đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước, bản Cu Dơn (Hướng Lộc, Hướng Hóa, Quảng Trị) xuất hiện một hổ đực, một hổ cái, là đôi bạn tình. Khi đó, đang là mùa giao phối nên chúng đi cùng nhau, đêm nào cũng mò vào bản Cu Dơn bắt vật nuôi, thậm chí bắt người.

Hổ cái rất hung dữ, hổ đực lại rất to. Hai con hổ này đã bắt mất 10 người, gây hoang mang tột độ cho người Vân Kiều ở Cu Dơn. Cứ nhập nhoạng tối không ai dám thò chân xuống cầu thang. Có người còn nhìn thấy con hổ cái quắp con lợn 60kg vọt qua hàng rào cao 3 mét nhẹ nhàng như gió thoảng.

Dân bản Cu Dơn căm phẫn hai con hổ lắm. Họ bắt dê, bắt lợn làm con mồi, song hai con hổ này dường như đã thành tinh nên không sập bẫy.

Thợ săn chuẩn bị vào rừng. Ảnh: Phạm Ngọc Dương. 

Sau nhiều đêm canh đầu bản, “vua diệt hổ” Pá Trùng nhìn thấy cặp hổ lẻn vào bản quắp con bê. Ông lặng lẽ đi theo nó suốt đêm đến tận rừng Tà Ngói xa xôi.

Hai con hổ này trú ngụ ở một cái hang hàm ếch. Hôm đó, ông mang theo một cây lao dài 2 mét, đầu bịt đồng, có ngạnh cực sắc. Ông nằm phục đến gần trưa thì hổ đực mới rời hổ cái ra suối uống nước.

Đang trong thời kỳ giao phối nên chúng quấn quýt nhau suốt ngày đêm. Cứ vài phút con đực lại “nhẩy” con cái một lần. Nếu đánh nhau với cả hai con một lúc thì nhận cái chết là chắc.

Cơ hội trả thù cho người dân bản Cu Dơn đã đến, ông Pá Trùng mon men đến gần miệng hang. Cơn gió thoảng qua, thấy mùi lạ, con hổ cái ngổm dậy trèo lên tảng đá ở miệng hang quan sát. Từ dưới hốc tảng đá, ông Pá Trùng thọc ngược ngọn lao bằng sức mạnh ghê gớm, xuyên thấu ức con hổ. Hổ cái hung ác chết thẳng cẳng.
Chủ tịch xã Hồ Văn Mứt, con trai của "vua săn hổ" Pá Trùng. 

Vài phút sau, con hổ đực lững thững trở về, thấy hổ cái nằm trên vũng máu, nó gầm lên dữ dội.

Lão Pá Trùng đã đứng sau lưng nó. Con hổ gằm ghè phì phò, mắt chăm chăm tìm sơ hở của đối thủ.

Nếu ông Pá Trùng giương ngọn lao lên trời nó sẽ bỏ chạy. Hổ thường tấn công theo kiểu lao lên không trung rồi phóng xuống chụp mồi, nên nó rất sợ có vật nhọn giương lên trời. Thợ săn có kinh nghiệm thường cắm chiếc cọc bên mình và có thể ngủ ngon, không sợ hổ tấn công.

Hiểu tính con hổ nên ông Pá Trùng lừa nó bằng cách chúc ngọn lao xuống đất. Con hổ nghĩ sẽ xơi tái được ông nên đã bị ông lừa.

Nhìn cái cách nó thủ thế là ông biết lúc nào nó vồ và vồ như thế nào. Nếu nó đập đuôi về phía trái, nó sẽ nhảy sang phía phải, còn đập đuôi phía phải, nó sẽ lao sang bên trái.

Nhưng con hổ này lại cuốn đuôi vòng tròn dưới bụng, nên ông biết nó sẽ bổ thẳng từ trên xuống. Đúng như dự đoán, nó đập đuôi một cái rồi vọt lên không trung, nhe nanh, giơ vuốt chụp thẳng xuống đầu ông.

Ông Pá Trùng thủ thế vững như bàn thạch, bật ngọn lao trúng nách con hổ. Sức nặng của con hổ làm thanh lao gãy đôi, ông ngã chỏng chơ. Cả một khối thịt hôi rình đổ ập xuống. Nửa thanh lao đã thấu tim chúa sơn lâm.

Ông Pá Trùng cắt đầu hai con hổ treo lủng lẳng trên cổ mình mang về bản Cu Dơn tế hồn những người bị nó ăn thịt. Dân bản kéo nhau vào rừng khiêng xác hai con hổ về chia đều đánh chén cho hả giận.

Theo Chủ tịch xã Hồ Văn Mứt, con ruột ông Pá Trùng, từ bấy cho đến lúc chết không thấy bố anh bắt hổ nữa, dù nhiều nơi mời ông đi diệt hổ. Ông cũng không nói lý do tại sao, nhưng chắc chắn không phải vì ông sợ bọn hổ.

“Vua diệt hổ” chết thảm dưới chân voi
Ông Hồ Pả Nục không coi Pa To là "vua săn hổ" vì anh này tàn sát hổ để kiếm sống, chứ không phải để bảo vệ cuộc sống đồng bào. 

Một người cũng nổi tiếng khắp những cánh rừng Hướng Hóa về tài nghệ diệt hổ là Pa To. Dù Pa To còn trẻ, song sức vóc hơn người, lại có máu liều lĩnh không kém gì ông Pá Trùng. Những câu chuyện về Pa To đượm màu sắc huyền bí.

Khoảng năm 1985, Pa To đi nương về, trăng đã lên mép rừng, thấy vợ ngồi cửa nhà khóc. Vợ kể nhìn thấy ông hổ to tướng ngoạm họng con bò nhà mình tha đi mà không làm sao được.

Nghe vợ kể, Pa To co giò đuổi theo. Con hổ vẫn đang lúc lắc kéo xác con bò ở bìa rừng. Pa To xông vào cầm chân bò lôi, con hổ ngoạm đầu giằng lại. Cuộc giằng co kéo dài mười mấy phút, cuối cùng cổ con bò bị đứt, hổ tha phần đầu chạy tót vào rừng, Pa To vác phần thân về ăn.

Pa To nổi tiếng với tài nghệ tóm được một con hổ to nhất trong lịch sử, nặng hơn 4 tạ bằng bẫy dây thép. Không ai hiểu vì sao Pa To lại liều lĩnh đến vậy, không bao giờ sợ hổ. Người ta đồn rằng, Pa To thường giương mắt nhìn thẳng vào mắt hổ, nên hổ không dám tấn công.

Lẽ ra Pa To đã được những thợ diệt hổ lão luyện như ông Hồ Pả Nục coi là “vua săn hổ”, nhưng về sau, anh ta săn hổ là để kiếm tiền nên ông cũng như người dân trong bản không nể trọng nữa.

Người Vân Kiều coi rừng rất thiêng, là mẹ của trời đất, là của chung mọi người, do vậy mọi thứ kiếm được trong rừng phải chia đều, cùng hưởng. Coi rừng là của mình, tất bị “mẹ rừng” trừng phạt.

Ở Việt Nam, số lượng hổ ở trong chuồng nhiều hơn ở rừng. 

Biết Pa To giỏi săn hổ, một tay buôn hổ đã cấp cho Pa To khẩu CKC để anh ta bắn hổ bán cho tay buôn đó. Pa To ngày đêm sục sạo trong rừng, bắn hạ không biết bao nhiêu hổ, báo, bò rừng, lợn rừng, thậm chí cả bò tót cũng chết dưới họng súng của Pa To.

Một ngày năm 1991, Pa To cùng với Pa Ta Pâng và Pa Nam vào rừng lồ ô săn hổ.

Đi đến bên suối Sê Pôn, thấy một con voi đang uống nước. Cả ba tiến lại gần phía con voi tính cách hạ sát nó. Đột nhiên, từ trong rừng có thêm 7 con nữa lững thững đi ra.

Pa Ta Pâng và Pa Nam sợ quá bỏ chạy lên đỉnh núi. Loài chúa sơn lâm Pa To còn chả sợ nên đàn voi anh ta không coi ra gì.

Một thợ săn bị gấu móc mất mắt phải (trong ảnh là mắt giả), mũi và xương quai hàm ở Quỳnh Nhai, Sơn La. Ảnh: Phạm Ngọc Dương. 

Pa To lạnh lùng giương súng bắn liên tiếp 10 viên đạn vào con voi đầu đàn to lừng lững bằng cả ngôi nhà.

Bắn hết băng đạn, người nó bê bết máu mà nó vẫn không chết. Nó gầm lên dữ dội, lao vào quật Pa To một phát, khiến anh ta văng xa đến mấy chục mét, rơi tõm xuống suối.

Một con dùng vòi quắp xác Pa To kéo lên. Con đầu đàn lại dẫm lên xác khiến Pa To nát bươm.

Trả thù xong, nó dùng vòi vun xác Pa To cho thẳng thớm, rồi quật gẫy cây, bẻ cành lá đắp kín xác Pa To. Khi giống voi quật chết ai đó, nó luôn “mai táng” cho nạn nhân. Các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được điều này.

Đàn vói rống lên một hồi rồi mới bỏ đi. Lúc ấy Pa Ta Pâng và Pa Nam mới dám mang xác Pa To về. Khi đó Pa To 40 tuổi, đã có vợ và một con.

Những kẻ tàn sát rừng dè hương nấu tinh dầu đã góp phần đuổi hổ và các loài thú hoang khỏi rừng Quảng Trị. (Ảnh chụp bằng điện thoại nên mờ). 

Chủ tịch xã Hồ Văn Mứt cho biết, 10 năm trở lại đây, rừng Hướng Hóa bị tàn phá nhiều, đàn voi không còn đất sống nên thường xuyên về bản phá nương, phá tan cả rừng lồ ô do dân bản trồng.

Hổ không còn rừng để sống nên chạy hết sang bên Lào. Nhưng thi thoảng hổ cũng về bản bắt trâu bò của dân.

Ông Nục khẳng định đã mấy lần nhìn thấy đàn hổ lững thững đi ở rừng Tà Ngói. Nhưng giờ nhà nước cấm, quản lý chặt, nên ông cùng những “vua diệt hổ” một thời không tàn sát hổ nữa. Tuy nhiên, đám thợ săn từ nơi khác vẫn vào rừng truy lùng bắn hổ.

Theo anh Mứt, Hướng Hóa đang xuất hiện khá nhiều thú quý như hổ, gấu, mang lớn… đặc biệt đã gặp nhiều dấu chân bò tót, loài thú còn rất ít ở Việt Nam. Lý do là bên Lào cũng bị phá rừng tàn khốc, nên các loài thú lại bị xua đuổi sang Việt Nam.

Anh Mứt mong rằng, Hướng Hóa sẽ có một khu Vườn quốc gia để bảo vệ các loài thú quý nghiêm ngặt như Vườn quốc gia Đa Krông ở ngay huyện bên.

Trần Bình Thủy


Bình luận
vtcnews.vn