Biểu tình phản đối phong tỏa ở Đức
Hôm 25/4, khoảng 1.000 người Đức biểu tình phản đối các biện pháp phong tỏa ở Berlin, bất chấp lệnh cấm tụ tập nhằm ngăn chặn lây lan dịch COVID-19.
Nhiều người trong đoàn biểu tình khẳn định: "Chúng tôi muốn cuộc sống bình thường trở lại", đồng thời giơ cao các khẩu hiệu như: "Bảo vệ quyền Hiến pháp", "Tự do không phải là tất cả, nhưng không có tự do thì không có gì".
Cảnh sát Đức cho biết trên Twitter rằng, họ đã bắt hơn 100 người. Nhiều người biểu tình cố gắng giữ khoảng cách, chỉ ngồi dưới đất và đeo khẩu trang, song nhiều người trong số đó tụ tập, co cụm lại.
Đức hiện vẫn áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đối với hoạt động công cộng, nhằm làm chậm lại quá trình lây lan dịch COVID-19 và áp lệnh phong tỏa từ ngày 17/3.
"Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát và theo các quy định hạn chế, chúng tôi có nhiệm vụ ngăn các cuộc tụ tập", người phát ngôn cảnh sát Thilo Cablitz nói và cho biết khoảng 180 quân nhân được triển khai kiểm soát tình hình.
Đầu tháng 4, Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức ra phán quyết, cho phép mọi người có quyền tổ chức các cuộc biểu tình nếu họ tuân thủ các quy tắc giãn cách xã hội.
Quy định được đưa ra sau khi các nhà hoạt động dân chủ cho rằng, lệnh phong tỏa đã vi phạm quyền tự do hội họp.
Video: Cảnh sát Đức khống chế, bắt giữ người biểu tình
Quy định giãn cách xã hội tại Đức được áp dụng tới ngày 3/5. Tuy nhiên, Chính phủ Đức cho phép các cửa hàng nhỏ, cùng các đại lý xe và nhà sách mở cửa trở lại hồi đầu tuần qua.
Đức hiện là ổ dịch lớn thứ 5 thế giới, sau Mỹ, Tây Ban Nha, Italy và Pháp.
Theo dữ liệu thống kê từ Worldometers, tính đên hôm 26/4, Đức ghi nhận 156.513 ca nhiễm virus corona chủng mới, trong đó có 5.877 người thiệt mạng.
Anh tranh cãi về nới lỏng biện pháp hạn chế
Thủ tướng Anh Boris Johnson đang phải đối mặt với tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” trong việc quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế xã hội.
Các nhà khoa học hàng đầu tại Anh cảnh báo, số các trường hợp nhiễm virus corona chủng mới vẫn nhiều và không cho phép nước này sớm nới lỏng các biện pháp hạn chế.
Giáo sư John Edmunds, thành viên của nhóm chuyên gia của chính phủ ứng phó với dịch COVID-19 cho biết, nếu nới lỏng các biện pháp phong tỏa thì cần tăng cường áp dụng hệ thống kiểm tra và liên lạc mới.
Trong khi Giáo sư Keith Neal tại Đại học Nottingham cho rằng, số bệnh nhân được đưa đến bệnh viện vì mắc COVID-19 hiện vẫn còn quá cao. Con số ca mắc đạt đỉnh vào ngày 5/4 với 5.903 trường hợp. Do đó chưa thể nới lỏng biện pháp phong tỏa.
Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel cho biết, con số này khủng khiếp đối với nước Anh và là một khoảnh khắc bi thảm và đau thương. Theo Bộ trưởng Nội vụ Anh, điều này cho thấy trước mắt người dân Anh cần tiếp tục ở nhà.
Hiện Anh ghi nhận 148.377 ca nhiễm virus corona chủng mới, trong đó có 20.319 trường hợp thiệt mạng.
Bình luận