• Zalo

Người biểu tình bao vây tòa nhà quốc hội, Indonesia hoãn thay đổi luật bầu cử

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 23/08/2024 16:19:53 +07:00Google News
(VTC News) -

Việc phê chuẩn luật bầu cử sửa đổi của Indonesia bị hoãn hôm 22/8 khi hàng nghìn người biểu tình chiếm giữ các con đường trước tòa nhà quốc hội.

Quốc hội Indonesia hôm 22/8 họp phiên khẩn cấp để lật ngược một quyết định do Tòa án Hiến pháp đưa ra về các thủ tục bầu cử, đồng thời sửa đổi một quyết định khác. Nhưng cơ quan lập pháp đã hủy bỏ việc phê chuẩn những thay đổi do không đủ số lượng đại biểu để biểu quyết - trong bối cảnh các cuộc biểu tình bên ngoài.

Phó Chủ tịch Quốc hội Indonesia Sufmi Dasco Ahmad phát biểu với các phóng viên tại Jakarta rằng "Đã có tuyên bố về việc không thể thực hiện sửa đổi luật bầu cử khu vực trong hôm nay".

Người biểu tình bao vây tòa nhà quốc hội, Indonesia hoãn thay đổi luật bầu cử.

Người biểu tình bao vây tòa nhà quốc hội, Indonesia hoãn thay đổi luật bầu cử. 

Cảnh sát Indonesia bắn hơi cay và vòi rồng để giải tán hàng nghìn người biểu tình đang cố gắng xông vào tòa nhà quốc hội, sau khi họ phá bỏ một phần hàng rào và ném đá vào cảnh sát. Những người biểu tình cũng chiếm giữ các con đường trước tòa nhà. Một số người cầm biểu ngữ và biển báo, trong khi những người khác đốt lửa và đốt lốp xe.

Trước đó, Tòa án Hiến pháp Indonesia bác bỏ một khiếu nại về giới hạn độ tuổi, ngăn cản những người dưới 30 tuổi ứng cử vào chức thống đốc khu vực. Điều này sẽ ngăn cản con trai út của Tổng thống Widodo, Kaesang Pangarep, 29 tuổi, tham gia ứng cử ở Trung Java.

Tòa án cũng tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các đảng phái chính trị đề cử ứng viên bằng cách cắt giảm yêu cầu họ phải nắm giữ 20% cơ quan lập pháp địa phương.

Đến hôm 21/8, Quốc hội Indonesia thông qua một động thái khẩn cấp nhằm thay đổi độ tuổi tối thiểu để làm thống đốc lên 30 vào thời điểm nhậm chức, nới lỏng hơn nữa các yêu cầu đề cử, và đã có kế hoạch phê chuẩn thay đổi này trong phiên họp toàn thể vào 22/8.

Các động thái này đã gây ra sự lên án rộng rãi trên phương tiện truyền thông xã hội và làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng hiến pháp. Cơ quan lập pháp đã buộc phải hủy bỏ việc thông qua luật sau khi không đạt được số phiếu cần thiết.

Tổng thống Widodo, thường được biết đến với biệt danh Jokowi, bắt đầu nhiệm kỳ năm năm thứ hai và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng của mình vào tháng 10/2019 và không đủ điều kiện để tái tranh cử. Ông sẽ rời nhiệm sở vào tháng 10.

Con trai cả của ông Widodo, Gibran Rakabuming Raka, là phó tổng thống mới sau khi tòa án tạo ra ngoại lệ về giới hạn độ tuổi cho chức vụ này đối với các cựu lãnh đạo khu vực. Quyết định được đưa ra khi anh rể của Widodo, ông Anwar Usman, đang giữ chức chánh án. Usman bị chỉ trích vì tham gia vào một vụ án liên quan đến một người họ hàng gần và sau đó đã bị sa thải.

Các nhà hoạt động, sinh viên, công nhân và những người nổi tiếng và nhạc sĩ Indonesia đã tham gia cuộc biểu tình, lên tiếng bày tỏ lo ngại về nền dân chủ ở Indonesia.

Các cuộc biểu tình cũng được báo cáo ở các thành phố lớn khác, bao gồm Bandung, Yogyakarta, Surabaya và Makassar.

Tại Yogyakarta, ít nhất 1.000 người biểu tình đã tập trung trước tòa nhà quốc hội Yogyakarta, cung điện nhà nước và trung tâm nghi lễ của thành phố. Những yêu cầu của họ bao gồm bỏ phiếu bác bỏ dự luật bầu cử khu vực, tôn trọng phán quyết của Tòa án Hiến pháp, cũng như các yêu cầu khác. 

Phương Anh (Nguồn: AP )
Bình luận
vtcnews.vn