Hiện, tỉnh Bắc Ninh đang là tâm điểm của đợt dịch COVID-19 lần này, tính đến chiều 10/5, toàn tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 103 ca mắc và nghi mắc. Đây cũng là một trong những địa phương có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp với 450.000 công nhân lao động, gây nguy cơ bùng phát dịch lớn.
Trả lời phóng viên VTC News, ông Vương Quốc Tuấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Ninh cho biết các lực lượng chức năng và người dân đang chung sức, đồng lòng dồn tổng lực với quyết tâm không để dịch COVID-19 lây lan rộng.
- Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc truy vết, khoanh vùng dập dịch được tỉnh Bắc Ninh triển khai thế nào, thưa ông?
Chúng tôi xác định trong thời gian vừa qua cũng như trong thời gian tới phải tập trung quyết liệt, mạnh mẽ nhất trong công tác phòng chống dịch. Đặc biệt là việc phòng, chống dịch ở ổ dịch Thuận Thành, không để lan rộng ra các địa bàn khác.
Chúng tôi tập trung vào nhiều nhiệm vụ. Thứ nhất là tập trung cho công tác tuyên truyền để công tác phòng, chống dịch COVID-19 quyết liệt nhưng không gây hoang mang dao động và ảnh hưởng quá lớn đến đời sống người dân.
Tỉnh Bắc Ninh tập trung cho công tác truy vết. Hiện nay trên cơ sở những kết quả của công tác truy vết trong thời gian vừa qua đã xác định được đối với những ổ dịch ở Mão Điền xuất phát từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân liên quan đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Từ đó để chúng tôi xác định được việc truy vết đã có hướng rất cụ thể để chúng ta tập trung triển khai.
Ngoài việc truy vết thì việc khoanh vùng để dịch không lan rộng ra các địa bàn khác ngoài Mão Điền cũng như địa bàn 4 xã tiếp theo vừa mới phát hiện các bệnh nhân là rất quan trọng.
Chúng tôi xác định là phải khoanh vùng… để từ đó xét nghiệm tối đa cho các đối tượng tiếp xúc gần cũng như người có nguy cơ cao.
Đồng thời thực hiện truy vết đến đâu xét nghiệm đến đó, đưa đi cách ly tập trung đến đó đối với các đối tượng F1, quản lý chặt chẽ đối tượng F2 và F3 để làm sao có giám sát rất chặt chẽ trong cộng đồng cũng việc thực hiện nghiêm túc, quyết liệt ở những nơi cách ly tập trung của cả cấp tỉnh cũng như cấp huyện.
- Hiện huyện Thuận Thành đã thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Vậy tỉnh có chính sách gì để hỗ trợ người dân đảm bảo cuộc sống, yên tâm sản xuất trong thời gian cách ly, thưa ông?
Thứ nhất, trong kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ và quyết định áp dụng phong tỏa theo Chỉ thị 16 trên địa bàn toàn huyện Thuận Thành chúng tôi đã giao nhiệm vụ rất cụ thể cho từng ngành, địa phương, đơn vị.
Trong đó, lãnh đạo tỉnh giao trách nhiệm cho Sở Công Thương cũng như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc hỗ trợ cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết để cho người dân trên địa bàn huyện Thuận Thành cũng như tiêu thụ nông sản, thông qua nhiều hình thức kêu gọi cộng đồng, trách nhiệm của nhân dân trong tỉnh để hỗ trợ tiêu thụ nông sản.
Ngay cả việc hiện nay người nông dân đang tập trung cho việc sản xuất vụ chiêm trong thời điểm rất quan trọng như thế này mà việc thực hiện phong tỏa cách ly đang trong tình trạng như vậy thì UBND các huyện không chỉ riêng huyện Thuận Thành cũng đã được hỗ trợ bằng nhiều hình thức như phun thuốc, trừ sâu bằng máy, hoặc hỗ trợ thêm bằng các hình thức chăm sóc khác nữa để đảm bảo cho người dân vừa sản xuất vừa vẫn phải đảm bảo yên tâm cách ly phong tỏa.
Việc cung cấp nhu yếu phẩm thông qua rất nhiều hình thức để hỗ trợ trực tiếp cho các điểm phong tỏa, để tạo cho ý thức của nhân dân yên tâm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Thứ hai nữa là đối với hệ thống y tế vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch nhưng vẫn đảm bảo cho công tác khám bệnh và điều trị cho nhân dân trong thời điểm hiện nay. Phải cố gắng đảm bảo đến mức tối đa nhất có thể để phục vụ cho người dân.
Thứ ba, đối với việc quản lý thị trường làm sao không để tình trạng tăng giá hoặc lợi dụng việc phong tỏa khan kiếm mặt hàng.
Tôi hy vọng rằng với những giải pháp quyết liệt, tích cực, đồng bộ và qua cao điểm của thời kỳ chu kỳ dịch, điểm rơi của chu kỳ dịch, cuộc sống của người dân Bắc Ninh nói chung cũng như nhân dân Thuận Thành sẽ trở lại hoạt động bình thường.
- Bắc Ninh là tỉnh có nhiều khu công nghiệp và cụm công nghiệp với số lao động rất lớn, vậy việc phòng, chống dịch tại đây được tỉnh thực hiện thế nào nhằm đảm bảo mục tiêu vừa chống dịch, vừa sản xuất an toàn, thưa ông?
Chống dịch trong các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp cũng như các cụm công nghiệp được tỉnh Bắc Ninh đặc biệt quan tâm trong thời điểm này
Ông Vương Quốc Tuấn- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh
Tỉnh Bắc Ninh có 10 khu công nghiệp, 26 cụm công nghiệp, trên 450.000 người lao động, 13.000 chuyên gia đến từ 37 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó lực lượng lao động Bắc Ninh chỉ chiếm tỷ lệ 25%, còn lại là người lao động đến từ 21 tỉnh, thành phố khác cho nên nguy cơ rất cao.
Chính vì vậy việc phòng, chống dịch trong các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp cũng như các cụm công nghiệp được tỉnh đặc biệt quan tâm trong thời điểm này.
Chúng tôi đã yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm những chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch. Tất cả các doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch ứng phó, triển khai phòng, chống dịch từng cấp độ.
Đồng thời thành lập tổ an toàn COVID-19 trong các doanh nghiệp đến từng phân xưởng, đến từng tổ và chúng tôi khuyến cáo các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp rằng trong thời điểm cao điểm phòng, chống dịch giảm tối đa lượng người lao động thông qua việc phân ca, phân tuyến, phân luồng…vừa đảm bảo năng suất lao động vừa đảm bảo theo yêu cầu về sản xuất nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Chúng tôi cũng thành lập các đoàn kiểm tra, đi kiểm tra nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch trên các thang bảng điểm để chấm điểm.
Nếu trong quá trình kiểm tra, đối với các doanh nghiệp không đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch thì phải đình chỉ hoạt động để bổ sung đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch thì mới cho hoạt động trở lại.
Xin cảm ơn ông !
Bình luận