• Zalo

Người Australia lo Trung Quốc mua hết nguồn nước?

Thời sự quốc tếThứ Hai, 13/07/2020 14:34:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều người Australia bày tỏ lo ngại khi Trung Quốc là chủ sở hữu nước ngoài lớn nhất với nguồn nước của quốc gia này.

Trong báo cáo về đăng ký quyền sở hữu nước ngoài đối với nguồn nước của Australia chỉ rõ, Trung Quốc là chủ sở hữu nước ngoài lớn nhất với nguồn nước của quốc gia này. 

Bên cạnh đó tính tới tháng 6/2019, các nhà đầu tư Trung Quốc sở hữu 765 tỷ lít nước có sẵn bán trên thị trường Australia. Mỹ xếp sau với 713 tỷ, tương đương với 1,85%. Theo thống kê, sở hữu nước ngoài chiếm 10,5% nguồn nước của Australia, tăng từ 10,4% vào tháng 6/2018. 

2019 là năm nóng và khô nhất của Australia. Vấn đề về nước do đó hết sức được quan tâm. Các thống kê mới đây làm dấy lên làn sóng hoài nghi trong dư luận nước này. Hàng chục tờ báo Australia viết về câu chuyện trên, khơi mào cho các thuyết âm mưu liên quan tới Trung Quốc và an ninh của Australia. 

Người Australia lo Trung Quốc mua hết nguồn nước? - 1

Nhiều người Australia lo ngại khi Trung Quốc là chủ sở hữu nước ngoài lớn nhất với nguồn nước của quốc gia này. (Ảnh: Shutterstock)

Tuy nhiên, Giáo sư Quentin Grafton, Giám đốc Trung tâm Kinh tế, Môi trường và Chính sách của Đại học Quốc gia Australia cho biết kinh doanh nước mang lại lợi ích đáng kể và quyền sở hữu của nước ngoài đối với nguồn nước của Australia không nhất thiết là một vấn đề. Ông này cũng khẳng định lo ngại về quyền sở hữu nước của Trung Quốc là không đáng kể. 

Vị chuyên gia này cho rằng cần lưu tâm tới các vấn đề khác quan trọng hơn, như khai thác quá mức nguồn nước và thiếu minh bạch về quyền sở hữu nước, thay vì tập trung vào quyền sở hữu nước của Trung Quốc. 

"Quan trọng hơn là biết ai sở hữu nước, chúng ta cần biết chính xác lượng nước đó là bao nhiêu và ở đâu và nó đang được sử dụng cho mục đích gì. Điều này sẽ cho phép chúng ta quản lý nước một cách hiệu quả. Đó là một vấn đề của Australia không liên quan gì đến Trung Quốc", ông nhấn mạnh. 

Các nghi kỵ về quyền sở hữu nước của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Australia và Trung Quốc trở nên căng thẳng nhiều tháng qua. 

Hồi giữa tháng 4, Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của dịch COVID-19. Tới tháng 5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bỏ phiếu ủng hộ đánh giá độc lập về đại dịch sau khi Australia và Liên minh châu Âu dẫn đầu vận động hành lang cho đề xuất này.

Bên cạnh đó, Canberra cũng lên tiếng về việc Trung Quốc xây dựng luật an ninh cho Hong Kong, quan ngại động thái này của Bắc Kinh sẽ làm suy yếu các quyền tự do ở đặc khu này.

Các động thái này của Australia khiến Trung Quốc nổi giận. Bắc Kinh sau đó áp thuế nhập khẩu lúa mạch và chặn nhập khẩu thịt bò từ một số công ty của Australia. Điều này dấy lên nhiều lo ngại từ chính phủ Australia về việc Trung Quốc gia tăng sức ép kinh tế với nước này.

Hôm 9/6, Bộ Giáo dục Trung Quốc cảnh báo sinh viên nước này "cần đánh giá cẩn thận về những rủi ro, đồng thời thận trọng về việc lựa chọn đến Australia, hoặc quay trở lại Australia để học tập". Bắc Kinh cho rằng, có nhiều vụ phân biệt chủng tộc nhắm vào người gốc Á tại Australia trong thời kỳ có dịch COVID-19.

Cảnh báo của Bộ Giáo dục Trung Quốc được đưa ra vài ngày sau khi Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc khuyên công dân không nên tới Australia do phân biệt chủng tộc và bạo lực bùng phát trong dịch COVID-19.

Bất chấp các động thái của Bắc Kinh, Thủ tướng Australia Scott Morrison hôm 11/6 nhấn mạnh Australia sẽ không cúi đầu hoặc thỏa hiệp trong bất cứ trường hợp nào.

Song Hy(Nguồn: SCMP)
Bình luận
vtcnews.vn