Thuế tiêu thụ đặc biệt ôtô khá cao, từ lâu nhiều DN đã kêu gọi giảm thuế để giảm giá xe, kích cầu tiêu dùng, thì ngược lại có DN lại đề nghị không nên giảm.
Đề xuất lạ
Mới đây, 6 DN sản xuất ô tô có vốn đầu tư trực tiếp ngước ngoài của Nhật Bản gồm Isuzu Việt Nam, Honda Việt Nam, Hino Việt Nam, Suzuki Việt Nam, Toyota Việt Nam, Ngôi sao Việt Nam (Vinastar) cùng 2 DN ô tô 100% vốn trong nước là Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) và Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp ( VEAM) đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị không giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô chở người dưới 10 chỗ, có dung tích xi lanh đến 2.000cm3 để kích cầu tiêu dùng.
Thuế tiêu thụ đặc biệt đang khiến giá xe ô tô cao ngất. |
Thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào ôtô sản xuất trong nước và nhập khẩu nguyên chiếc là khá cao, đã từ lâu, các DN luôn kêu gọi giảm để kích cầu tiêu dùng, thì 8 DN này lại đề nghị không giảm liệu có phải là chuyện ngược đời?
Dự thảo Quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ Công Thương hoàn tất trình Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, về khoản thuế có rất nhiều đề xuất theo hướng giảm mạnh.
Theo đó, đến 2018, theo cam kết gia nhập AFTA, thuế suất thuế nhập khẩu với ô tô nguyên chiếc từ các nước trong khu vực ASEAN sẽ giảm về mức 0%.
Khi đó, giá xe nhập khẩu nguyên chiếc được cho sẽ rẻ hơn xe sản xuất lắp ráp rong nước bởi xe lắp ráp trong nước ngoài nhập linh kiện từ ASEAN có thuế suất 0% thì vẫn phải nhập không ít linh kiện từ khu vực ngoài ASEAN và phải chịu thuế suất 5%.
Để giữ chân và thu hút các DN đầu tư vào phát triển sản xuất ô tô tại Việt Nam, cần phải có các chính sách ưu đãi lớn.
Ngoài ưu đãi như cho vay vốn dài hạn lãi suất thấp, hỗ trợ thuê, đầu tư hạ tầng, giảm thuế thu nhập DN... thì ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt, cũng được Ban soạn thảo đưa vào Dự thảo để khuyến khích cho sản xuất ô tô trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Những DN có ý định đầu tư vào sản xuất ô tô trong nước, tăng nội địa hóa chỉ muốn giảm thuế thuế tiêu thụ đặc biệt với xe trong nước sản xuất, không muốn giảm cho cả xe nguyên chiếc nhập khẩu vì như vậy sẽ khiến sản xuất trong nước gặp khó khăn.
Tại Điều 6.2.1 phần "Chính sách Tài chính" của Dự thảo Quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 lại đưa ra đề xuất “Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (có thời hạn và lộ trình) cho các loại xe dưới 10 chỗ, có dung tích xy lanh đến 2.000cm3 để kích cầu tiêu dùng”.
Những DN trên cho rằng đề xuất này khá chung chung, không rõ ràng và người ta có thể hiểu là giảm thuế cho cả xe nhập khẩu nguyên chiếc.
Nếu xe nhập khẩu nguyên chiếc cũng được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt thì sẽ gây khó khăn cho việc duy trì sự tồn tại của ngành công nghiệp ô tô trong nước đến năm 2018, sẽ khiến tất cả các nhà sản xuất trong nước có thể phải cân nhắc dừng sản xuất và chuyển sang việc nhập khẩu xe nguyên chiếc, các DN này cho biết.
Vì thế, họ đã cùng ký tên chung trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đề nghị “xóa bỏ câu văn” ở Điều 6.2.1 - Chính sách Tài chính ở trang 27: “Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (có thời hạn và lộ trình) cho các loại xe dưới 10 chỗ, có dung tích xy lanh đến 2.000cm3 để kích cầu tiêu dùng”.
Mong ước bảo hộ
Trao đổi về vấn đề này, ông Dương Đình Giám, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp Bộ Công Thương, cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, hầu hết các chính sách đề xuất trong bản Dự thảo cuối cùng đã được các Bộ ngành thống nhất cao và DN đồng thuận. Riêng câu chuyện ưu đãi cho xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) là vấn đề còn tồn tại.
Tranh cãi bảo hộ để phát triển ô tô trong nước. |
Chúng tôi đưa đề xuất này vào Dự thảo để Chính phủ xem xét có nên giảm thuế để kích cầu không. Nếu thấy không cần kích cầu thì thôi. Tuy nhiên theo ông Giám thì vẫn nên kích cầu tiêu dùng ô tô và nên giảm thuế tiêu thụ đặc biệt từ 5-10%, trong thời gian 2 năm.
Nếu đã giảm thuế để kích cầu thì không nên có sự phân biệt đối xử giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất lắp ráp trong nước, ông Giám nói.
Còn thấy không cần thiết kích cầu thì loại đề xuất này ra khỏi Dự thảo và điều đó không ảnh hưởng đến những ưu đãi đối với xe sản xuất lắp ráp trong nước, chẳng hạn như đạt lệ nội địa hóa từ 40% sẽ được giảm 75% giá trị tính thuế tiêu thụ đặc biệt...
Tuy nhiên các DN cho biết, nếu giảm 5-10% thuế tiêu thụ đặc biệt cho cả xe nhập khẩu và xe trong nước, sau đó xe trong nước mới được giảm 75% giá trị tính thuế thì ưu đãi này không đủ lớn để xe trong nước cạnh tranh với xe nhập khẩu, bởi như đã nói, khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0% thì xe nhập khẩu sẽ rẻ hơn xe trong nước.
Theo ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Vinaxuki thì chỉ có những DN có ý định đầu tư sản xuất ô tô và gắn bó lâu dài tại Việt Nam mới có kiến nghị như vậy, còn những DN không có ý định này, muốn nhập xe về bán, thì chỉ mong giảm thuế, để đưa xe nguyên chiếc vào cho thuận lợi, đỡ phải đầu tư sản xuất làm gì cho mệt. .
Dự báo sau năm 2020 sẽ là giai đoạn bùng nổ, phổ cập hoá ô tô với sản lượng năm 2020 sẽ đạt 400 ngàn xe/năm, tới 2030 khoảng 2 triệu xe/năm, đặc biệt là ô tô con 9 chỗ trong chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu.
Đây là thị trường lớn. Nếu sản xuất trong nước không đáp ứng được, thì thị trường này sẽ nhường cho xe nhập khẩu nguyên chiếc và hàng năm sẽ phải chi ra trên 10 tỷ USD để nhập khẩu xe, đáp ứng nhu cầu, cùng với đó là cơ hội phát triển ngành công nghiệp ô tô sẽ không còn.
Theo Vietnamnet
Bình luận