"Chúng tôi phát hiện ra rằng mặc dù bị giam giữ ở Bilibid, các tay trùm ma túy này vẫn tiếp tục điều khiển đường dây hoạt động buôn bán ma túy trên khắp Philippines từ xa", ông Benjamin Magalong, cựu chỉ huy tình báo Cảnh sát Quốc gia Philippines nói trong phiên điều trần Quốc hội hôm 19/9.
Ông Magalong cho biết các cuộc điều tra của cảnh sát cho thấy tất cả các con đường đều đẫn tới nhà tù.
Kể từ khi Tổng thống Philippines phát động cuộc chiến chống ma túy từ năm 2016, nhiều công dân Trung Quốc sa lưới. Số lượng chính xác không được công bố, nhưng Thượng nghị sĩ Panfilo Lacson, cựu giám đốc Cơ quan cảnh sát quốc gia Philippines cho hầu hết các tên trùm ma túy "có máu mặt" tại Bilibid đều là người Trung Quốc.
Cũng trong phiên điều trần, ông Magalong ra làm chứng về vấn nạn tham nhũng trong lực lượng cảnh sát liên quan tới các chiến dịch truy quét tội phạm ma túy. Ông cáo buộc nhiều sỹ quan "tái chế" ma túy đá ở dạng tinh thể, dùng số ma túy thu được trong vụ truy quét này để dàn dựng các vụ truy quét khác và vòi gần 1 triệu USD từ các trùm ma túy nếu các đối tượng muốn được trả tự do.
Theo ông Magalong, hoạt động tái chế bắt đầu từ nhiều năm trước khi cảnh sát cần ma túy để bẫy các đối tượng nhưng lại không đủ tiền để mua.
Dần dần nó phát triển như một "doanh nghiệp" tái chế và bán thuốc.
"Trước đây nếu họ nhận được 10kg methamphetamine hydrochloride, họ sẽ tái chế 1kg. Giờ thì họ tuyên bố thu giữ được ít và che giấu lượng lớn còn lại", ông Magalong tiết lộ.
Magalong cho biết khi còn điều hành các hoạt động của Cơ quan Thực thi Ma túy tại khu vực Metro Manila, ông phát hiện ra rằng cảnh sát không khai báo tất cả các tang chứng thu được trong các vụ đột kích. Một số được giấu tại các điểm khác và họ lại đột kích tại điểm đó.
"Một phần trong các chiến dịch là bắt giữ các tay buôn bán ma túy người Trung Quốc và thu giữ số ma túy bất hợp pháp. Sau đó, họ sẽ thả những tên này ra đổi lấy tiền, và bắt giữ một người Trung Quốc khác thay thế các tay trùm đã được trả tự do", ông này tiết lộ.
Vitaliano Aguirre, cựu Bộ trưởng Tư pháp dưới thời Tổng thống Duterte từ năm 2016-2018 xác nhận các hoạt động buôn bán ma túy được thực hiện bên trong Bilibid trong nhiệm kỳ của mình. Một trong các biện pháp mà giới chức Philippines áp dụng là cài đặt thiết bị gây nhiễu tín hiệu điện thoại di động để ngăn tù nhân sử dụng. Tuy nhiên, các thiết bị này chỉ có tác dụng trong vài tháng.
Những tiết lộ động trời này được đưa ra trong bối cảnh Cục Cải chính Philippines đang vướng vào vụ bê bối thi hành luật lỏng lẻo, phóng thích tù nhân sớm hơn thời hạn vì cải tạo tốt dẫn tới trường hợp một cựu thị trưởng bị bắt vì tội hiếp dâm và giết người được trả tự do.
Trường hợp này được công bố làm vỡ lở việc 1.914 tội phạm đặc biệt nguy hiểm được mãn hạn tù quá sớm.
Tổng thống Duterte mới đây ra tối hậu thư yêu cầu những tù nhân này phải trở về nhà tù trước 12 giờ trưa 20/9. Tuy nhiên, mới chỉ có 579 tù nhân ra đầu thú, 26 đối tượng trong số đó bị kết án vì tội buôn ma túy, 160 trường hợp phạm tội giết người, và 162 người quay lại để thụ án nốt vì tội hiếp dâm.
Các thượng nghị sỹ Philippines hôm 19/9 cho biết quyết định giảm án vì cải tạo tốt có thể đã được các tù nhân ngã giá với các quan chức. Vợ một đối tượng thừa nhận trả 1.000 USD cho các quan chức của Cục Cải chính để đưa chồng mình ra ngoài trước thời hạn.
Bình luận