• Zalo

‘Ngồi trên trời làm luật’: Thứ trưởng trần tình gì?

Thời sựThứ Tư, 06/02/2013 06:44:00 +07:00Google News

(VTC News) – Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bình luận về kiểu “ngồi trên trời làm luật” ở Việt Nam.

(VTC News) – Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bình luận về kiểu “ngồi trên trời làm luật” ở Việt Nam


Theo Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, từ lâu Nhà nước đã có quy định các bước triển khai trong quá trình xây dựng luật. Thông thường, khi xây dựng một văn bản luật cần có thời gian thử nghiệm hoặc lấy ý kiến rộng rãi nhân dân.


Tuy nhiên, có thể nói thời gian vừa qua, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng một phần do bức xúc về tình hình trật tự xã hội hay bức xúc về một lĩnh vực, ngành nào đó nên đã ban hành các văn bản mang tính hành chính tương đối nhiều.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ảnh: Minh Quân) 
Thêm vào đó, thời gian để lấy ý kiến của người dân cũng chưa được nhiều. Một phần cũng do đội ngũ xây dựng pháp luật. Thực sự những người làm pháp luật phải là những người rất hiểu biết về luật, nhưng đồng thời cũng phải có kiến thức thực tiễn. Họ phải là những người đã từng hoạt động hoặc đã từng tiếp xúc với các cơ sở địa phương thì luật đó khi ban hành mới dễ đi vào thực tiễn hơn.

Thế nhưng hiện nay, không chỉ riêng bộ ngành nào, lực lượng làm pháp luật giờ lý thuyết nhiều hơn thực tiễn. Chúng ta đang lý tưởng hóa quá mọi vấn đề. Đôi khi ta học nước ngoài và cứ nghĩ đó là một phương án tốt, nhưng điều kiện áp dụng ở mỗi một nước là khác nhau.

Tại Việt Nam, trình độ, mức độ tuân thủ pháp luật của người dân không được như nước ngoài nên nếu áp dụng một luật rất tốt ở nước ngoài về Việt Nam chưa chắc đã là tốt.

Vấn đề ở đây là phải thực tiễn hóa, phải đưa ra lộ trình nhất định cho những quy định pháp luật để người dân có thể thực thi được thì luật mới đi vào cuộc sống.

Tôi cho rằng các cơ quan Nhà nước phải rút kinh nghiệm thông qua những phản hồi của xã hội, người dân cho những thông tư không thực tiễn đó để có những bước xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp hơn với thực tiễn.

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) cũng đã có một số thông tư gây ra dư luận trái chiều. Chẳng hạn thông tư 33, 34 hay là thông tư 'chó mèo chính chủ'.

Nếu nói đó là những quy định chưa đúng thì không phải. Đối với vấn đề an toàn thực phẩm, mình cần đặt ra một tiêu chí nào đó để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân. Hạn chế những rủi ro cho họ ở một mức độ nào đó là điều hoàn toàn phù hợp.

Ví dụ, với quy định về quản lý chó mèo, nước ngoài người ta cũng quản lý như thế. Người ta cũng phải đăng kí, có VISA cho từng con, có người kiểm soát vì chó, mèo gắn liền với bệnh dại.

 

Hiện nay, không chỉ riêng bộ ngành nào, lực lượng làm pháp luật của mình bây giờ lý thuyết nhiều hơn thực tiễn. Chúng ta đang lý tưởng hóa quá mọi vấn đề. Đôi khi ta học nước ngoài và cứ nghĩ đó là một phương án tốt, nhưng điều kiện áp dụng ở mỗi một nước là khác nhau.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu
 
Tại Việt Nam trong mấy năm gần đây, đặc biệt ở các tỉnh miền Bắc, bệnh dại đang tăng lên, các vụ chết do dại nhiều hơn. Thế nên các cơ quan quản lý Nhà nước mới đưa ra các quy định để có thể biết được chó nhà ai, đã tiêm phòng hay chưa, chủ nhân của con chó đó như thế nào…nhằm tiện hơn trong việc giám sát, quản lý.


Nhưng đúng như báo chí đã phản ánh, từ rất lâu rồi, người dân nuôi chó, mèo chẳng phải đăng kí với ai, chưa kể chó hoang, mèo hoang cũng rất nhiều. Vấn đề con chó đó thuộc nhà nào, hay kiểm soát nó được hay không, phải đi đăng kí như thế nào cũng rất phức tạp.

Do vậy, chúng tôi phải nghiên cứu kĩ hơn xem bây giờ nếu quản lý thì chúng ta sẽ đặt hướng quản lý bước đầu như thế nào. Khi người dân có ý thức cao hơn, họ thấy được việc quản lý đó không quá phiền hà thì luật mới áp dụng được.

Đây mới chỉ là một cách quản lý trong rất nhiều cách quản lý thôi. Còn rất nhiều luật phải làm, quy định phải áp dụng chứ không chỉ có quy định này. Có thể sẽ có cả những quy định mang tính vừa bắt buộc, vừa tự nguyện.

Với thông tư 33 - 'thịt và phụ phẩm chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ sau khi giết mổ', mục tiêu đặt ra cũng là để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, cái đó thì nước ngoài cũng đã áp dụng và họ thực hiện rất tốt.

Ví dụ thịt đưa vào siêu thị đều có xuất xứ, thời gian giết mổ, chỉ được bán đến một thời điểm nào đó, nếu không bán hết thì sẽ tiêu hủy. Nhưng tại Việt Nam vẫn chưa làm thế được bởi chúng ta vẫn chưa quản lý được giết mổ, vẫn chưa xác định được nguồn gốc, xuất xứ của các lô hàng đó.

Thêm vào đó, việc mua bán ở Việt Nam còn rất khó kiểm soát. Họ bán thịt ở khắp nơi, từ đầu đường, lề phố tới các ngóc ngách thôn xóm. Do vậy, có đưa ra quy định thì cũng không thể áp dụng được. Chính vì thế, sau khi có phản hồi, chúng tôi đã sửa thông tư này.

Mỗi năm, Bộ NNPTNT ban hành hơn 100 thông tư, các quy định hướng dẫn. Riêng năm 2013, Bộ sẽ phải tham gia xây dựng hơn 5 luật, tới đây  sẽ trình Quốc hội xem xét.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Thị Xuân Thu

Bình luận
vtcnews.vn