Tự sự bằng khả năng có thể và cũng là để xả stress
Ngôi nhà được “trang trí” bằng những chữ lớn nằm ngay trên mặt tiền tuyến giao thông chính, chạy xuyên qua khu vực Thới Bình (phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ). Ông Hồ Hữu Thành (64 tuổi, thường gọi Mười Thành, chủ nhân ngôi nhà) cho biết, ông bắt đầu thực hiện ý tưởng “trang trí” bằng chữ viết từ năm 2011, đến nay hầu như tường nhà đã không còn chỗ trống. “Tôi viết bất cứ khi nào, kể cả ban đêm. Lúc rảnh là thì tôi lấy nước sơn ra để viết”, ông nói.
Theo ông Mười Thành, cuộc sống gia đình và cá nhân ông có quá nhiều trăn trở, vướng mắc mà bản thân ông không thể tháo gỡ được, cũng không biết chia sẻ cùng ai. Quá nhiều những trắc ẩn giữ mãi, dồn nén trong lòng nên đêm về, ông bị mất ngủ suốt một thời gian dài.
Cuối cùng, ông nghĩ đến chuyện viết những tâm tư riêng của mình lên vách nhà như một cách chia sẻ với nhiều người, để khách đến với gia đình ông ít nhiều hiểu được những phiền muộn của riêng ông.
“Giãi bày được suy nghĩ của mình bằng cách làm này, tâm trạng tui từng chút một nhẹ nhàng đi”, ông Thành chia sẻ. Từ đó, gửi gắm tâm trạng lên những bức tường nhà được ông Thành xem là một “phương dược” để chữa các chứng muộn phiền, căng thẳng, mất ngủ…
Là hộ dân sống ở phường Văn hóa Thới Thuận, nên chính quyền địa phương buộc phải đến vận động ông Thành xóa đi những dấu tích làm mất mỹ quan. Nhưng theo ông Thành: “Có những đêm tui cứ trằn trọc không ngủ được, đành phải bò dậy lấy sơn, cọ… ra viết. Viết cho tới khi trút hết được những suy nghĩ trong tâm tại thời điểm đó thì mới hy vọng chợp mắt được”.
Ban đầu ông Thành viết lên vách nhà nội dung xoay quanh những ứng xử bất công của anh chị em ruột với ông, những điều ông cho là ông bị cáo gian khiến anh em ruột thịt hiểu lầm, chia rẽ. Tiếp đến là mối quan hệ trong thân tộc, tương quan xã hội mà ông cho là đã tước một phần quyền thờ cúng tổ tiên của ông, những tranh chấp không hợp với lẽ công bằng hay những hành vi ức hiếp ông…
Theo thời gian, những mảng tường màu trắng phía bên trong, bên ngoài nhà dần dần chật kín. Hết lớp này đến lớp khác, cứ xóa rồi viết lại bằng nhiều màu sơn khác nhau. Hiện tại phía bên trong nhà từ phòng khách, gian thờ, nhà bếp đều chi chít chữ. Vách ngoài từ mặt tiền nhà, các phía hông và sau nhà đều dày đặc những ký tự mà đôi khi chỉ đọc qua thì khó rõ nghĩa.
Thiếu chỗ để viết, ông Thành viết cả lên những bức tường nhà vệ sinh, hồ chứa nước… hoặc tự thiết kế những tấm pano “dã chiến” nhiều kích cỡ, viết chữ lên đó và treo khắp các nơi xung quanh nhà. Do những dòng chữ này phần lớn đều đề cập đến một số cá nhân khác, nên PV TT&ĐS xin phép không dẫn lại nội dung.
Ông Thành cho rằng ông chỉ muốn viết để giảm stress cho mình, giãi bày những u ẩn, chia sẻ với nhiều người đã và đang còn hiểu lầm về ông. Thậm chí, đã có những vu cáo không đúng mà giờ gia đình ông vẫn phải gánh chịu và gần hết cuộc đời ông vẫn cứ phải mang nặng trong lòng. Chứ hoàn toàn không phải ông muốn chơi “nổi” hay phá phách cảnh quan khu vực.
Kinh tế gia đình ông Thành đều dựa vào vườn chuối sau nhà. Mỗi ngày, vợ chồng ông cắt lá chuối bán cho những người làm bánh. Số tiền kiếm được (chỉ từ 50.000 - 60.000đ), ông lại trích một phần để mua nước sơn, cọ để viết chữ. Vợ ông Thành kể, hôm nào bán chuối có tiền nhiều, bà mua cho ông 1 hộp nước sơn khoảng 40.000đ, túng thiếu thì mua hộp nước sơn nhỏ hơn. Ngoài tiền từ vườn chuối, vợ ông Thành còn thu gom nhiều vỏ hộp trong nhà đem bán ve chai lấy tiền mua nước sơn cho chồng.
Chủ nhân căn nhà cần có được đồng cảm
Trong các “tác phẩm” được ông Thành đã viết trên tường, dưới mặt sân… còn có những nội dung hàm chứa cả bức xúc của ông việc chính quyền giải quyết các tranh chấp liên quan tới ông. Theo đánh giá của địa phương này, việc làm của ông Thành trước hết gây mất mỹ quan đô thị.
Chính quyền địa phương đã nhiều lần tiếp xúc với gia đình để vận động, thuyết phục ông Thành xóa đi những mảng tường đã viết chữ, nhưng chưa thấy có chuyển biến. Bởi cứ xóa nội dung này thì thời gian sau ông lại viết lên những nội dung mới.
Ông Thành bộc bạch, dù đã ngoài 60 tuổi, nhưng ông không thấy mệt mỏi khi phải mang thùng sơn, đứng trên thang cầm cọ viết chữ, dẫu đó là những khoảng tường rộng, cao hơn 3m, đôi khi phải mất hàng buổi để hoàn thành 1 mảng nội dung.
Một khi ông đã cầm cọ lên là phải hoàn “công trình” theo dự kiến mới ngừng nghỉ, chứ không bao giờ để dang dở công việc vì bữa cơm hay khi trời tắt nắng. Ông Thành cũng thừa nhận, có thể sản phẩm “tự thuật” của ông không chút nghệ thuật nào, nhưng tạo cảm giác ghét cũng là cách khiến người khác biết, nhớ lâu và suy nghĩ về việc làm của mình.
Trao đổi với nhiều người dân địa phương, hầu hết đều bảo, “đèn nhà ai nấy sáng” nên họ không cho ý kiến gì về ngôi nhà “biết nói”. Các bậc lão niên thì cho rằng, ở đời làm sao tránh khỏi những khúc mắc cá nhân và mỗi người có một cách phản ứng khác nhau.
“Thôi thì ai làm quấy để họ gánh hậu quả về sau. Phản ứng theo cách của ông Mười Thành đôi khi khách quan xã hội sẽ cho là ông có vấn đề, từ đó có những đánh giá không tốt cho ông ấy thôi”, ông Tư D. (người dân địa phương) nhận định. Ông Bùi Quang Dự (Bí thư Đảng ủy phường Thới Thuận) cho biết, chính quyền địa phương đã nắm bắt được việc làm không bình thường của ông Thành ngay từ thời điểm đầu.
“Xuất phát từ những mâu thuẫn, tranh chấp tài sản trong gia đình, họ tộc… nên ông Thành lấy đó làm bức xúc riêng và viết lên tường nhà. Nhưng dường như tình hình sức khỏe của ông Thành có vấn đề thật!”, ông Dự nói. Theo một cán bộ UBND phường Thới Thuận, chính quyền cũng từng áp dụng biện pháp mạnh với ông Thành là ra quyết định xử phạt hành vi vi phạm lĩnh vực văn hóa của cá nhân ông Thành. Nhưng căn nhà giờ vẫn đầy chữ!
Clip: Xe tải mất phanh, lao như tên bắn, san phẳng 3 ngôi nhà
Bình luận