Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí American Journal of Epidemiology cho biết, nếu phụ nữ ngồi lâu một chỗ trong vòng 10 giờ/ngày sẽ giảm tuổi thọ tới 8 tuổi. Để có được kết quả này, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trên 1.500 phụ nữ ở độ tuổi từ 64 tới 95.
Những người tham gia khảo sát phải hoàn thành một bảng câu hỏi và đeo một thiết bị gia tốc bên hông phải trong bảy ngày liên tục, từ khi thức giấc tới khi đi ngủ để theo dõi chuyển động của họ.
Kết quả, các nhà khoa học nhận thấy rằng những người hoạt động ít hơn 40 phút/ngày và ngồi 10 tiếng trở lên mỗi ngày có đoạn telomere (mũ bảo vệ ở hai đầu nhiễm sắc thể) ngắn hơn, khiến cơ thể già đi 8 tuổi.
Các đoạn telomere giống như những đầu nhựa của dây giày, có nhiệm vụ giữ cho đầu dây không bị bung ra. Còn telomere có nhiệm vụ bảo vệ nhiễm sắc thể không bị suy yếu.
Telomere sẽ trở nên ngắn theo tuổi tác. Ngoài ra, lối sống và các yếu tố sức khỏe khác như béo phì, hút thuốc cũng có thể khiến telomere rút ngắn nhanh hơn.
Theo tiến sĩ Aladdin Shadyab tại Đại học California ở San Diego: "Nghiên cứu của chúng tôi đã phát hiện ra rằng ở những người có lối sống ít vận động, các tế bào sẽ già đi nhanh hơn".
Không chỉ khiến quá trình lão hóa xảy ra nhanh hơn, các đoạn telomere ngắn đi còn liên quan tới các vấn đề tim mạch, bệnh tiểu đường và ung thư.
Nhiều nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng ngồi lâu một chỗ sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư ở nữ giới. Những người ngồi từ 6 tiếng trở lên mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 10% so với những người ngồi ít hơn 3 tiếng/ngày.
Ngoài ra, nếu không vận động trong thời gian dài, cơ thể có nguy cơ mắc nhiều bệnh như béo phì, bệnh tim, tiểu đường, ung thư ruột kết, các vấn đề về cơ bắp, huyết khối tĩnh mạch sâu, giòn xương, trầm cảm và thậm chí là mất trí nhớ.
Do đó, chúng ta cần ngồi ít đi, vận động nhiều hơn để duy trì sự trẻ trung và giúp cơ thể khỏe mạnh.
Bình luận