• Zalo

Ngoại trưởng Mỹ thăm Việt Nam mang thông điệp gì?

Thế giớiThứ Hai, 16/12/2013 07:57:00 +07:00Google News

(VTC News) - Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, chuyên gia các vấn đề quốc tế phân tích về chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

(VTC News) - Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, chuyên gia các vấn đề quốc tế phân tích về chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Trả lời phỏng vấn báo điện tử VTC News về chuyến thăm Việt Nam lần này của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường - Bình luận viên chương trình Thế giới toàn cảnh của VTV, nói:

Lần đầu tiên tới Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ có thể đem lại nhiều thay đổi và ẩn chứa nhiều mục đích nhằm hướng tới sự phát triển chung trong quan hệ 2 nước.

tiến sĩ trường
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry là quan chức cao cấp nhất đầu tiên của chính quyền Obama thăm Việt Nam trong nhiệm kỳ II. 

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ và các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ thảo luận những vấn đề hợp tác và nâng cao đối tác toàn diện của quan hệ Mỹ-Việt.

- Ngay trước thềm chuyến thăm, ông Kerry công bố video chào Việt Nam, trong đó có những câu, từ nói bằng tiếng Việt, ông đánh giá thế nào về động thái này?

Từ năm 1991 đến năm 2000, ông John Kerry đã thăm Việt Nam 13 lần với tư cách cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam, Thượng nghị sĩ. 
Ông là một người bạn lâu năm của Việt Nam, cùng với Thượng nghị sĩ John McCain, có đóng góp nổi bật thúc đẩy bỏ cấm vận của Mỹ, bình thường hóa quan hệ hai nước, ủng hộ các tiến trình phát triển quan hệ Mỹ-Việt trên các lĩnh vực từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Chính quyền Obama hoạt động đã gần nửa nhiệm kỳ và so với nhiệm kỳ I, sau gần 2 năm Ngoại trưởng Mỹ mới thăm Việt Nam kể cũng là muộn.
ngoại trưởng mỹ
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng tham chiến ở Việt Nam trong Hải quân Mỹ 

Các nhà ngoại giao thường có nhiều cách thức bày tỏ quan điểm hoặc tình cảm mang tính biểu tượng. Cái đoạn video chào Việt Nam là như vậy. 
Hồi tháng 11 năm nay, Ngoại trưởng John Kerry từng gây ấn tượng lớn đối với các vị khách Na Uy thăm Mỹ và báo giới Mỹ. Ông nói nhiều câu bằng tiếng Na Uy để bày tỏ sự thân tình, khi Ngoại trưởng Na Uy đến thăm Bộ Ngoại giao Mỹ.

- Trong video chỉ nhắc đến vấn đề môi trường, bảo vệ cho con cháu chúng ta, liệu theo ông đây có phải là mục đích lớn nhất của Ngoại tưởng Mỹ trong chuyến đi này?

Môi trường và giáo dục là hai lĩnh vực được Ngoại trưởng Mỹ đề cập công khai trong chuyến thăm lần này. Nhưng không ai nghĩ Ngoại trưởng Mỹ đến thăm Việt Nam chỉ vì hai lĩnh vực ấy, dù đó là những chương trình có ý nghĩa thuộc “sức mạnh mềm” của ngoại giao Mỹ. 
Những nội dung không nói ra bên ngoài có thể là những nội dung quan trọng mà các bên liên quan khác quan tâm.

Tình hình Đông Á – bao gồm Đông Bắc Á và Đông Nam Á - diễn biến nhanh chóng, rất năng động, nhưng khá phức tạp. 
Đông Nam Á và Biển Đông là một trọng tâm của chính sách xoay trục sang châu Á của chính quyền Obama. Thúc đẩy hiểu biết, đối tác toàn diện với Việt Nam là nằm trong lợi ích của hai nước.


Trong gần hai năm qua, châu Âu và Trung Đông chiếm khá nhiều thời gian của Ngoại trưởng John Kerry. Nhưng châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Á, vẫn nằm trong trọng tâm của chiến lược tái cân bằng toàn cầu của Mỹ.

- Nhìn từ góc độ đó, theo ông mục tiêu lớn nhất của toàn bộ chuyến đi là gì?


Điều này được Bà Jen Psaki, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, đề cập trong một tuyên bố: “Trong sự tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương, Đông Nam Á có tầm quan trọng đặc biệt, và chuyến thăm của ngoại trưởng tới Việt Nam và Philippines thể hiện cam kết lâu dài của Mỹ đối với khu vực”.

Mỹ được nhìn nhận như là nhân tố quan trọng trong việc duy trì cân bằng quyền lực của một nước lớn tại Đông Á.

- Một số tờ báo nói chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Kerry sẽ mang 2 mục đích là Thỏa thuận hợp tác xuyên Thái Bình Dương TPP và các hợp tác trên lĩnh vực quân sự, ông đánh giá gì về nhận định này?

Hai vấn đề trên luôn nằm trong chương trình nghị sự quan trọng của quan hệ Mỹ-Việt mấy năm qua.

Không một nền kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương nào muốn đứng ngoài cuộc chơi TPP. Rất hay là Việt Nam đã kết nối vào đoàn tàu TPP đang tăng tốc về phía trước.

ngoại trưởng mỹ
Hình ảnh ông Kerry ở TP. HCM

Việt Nam tham gia TPP đáp ứng 4 mục tiêu chiến lược: Thứ nhất, mở rộng thị trường cho những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Thứ hai, nâng cao khả năng cạnh tranh kinh tế của Việt Nam. 
Thứ ba, Việt Nam sẽ có điều kiện tiếp thu công nghệ nguồn từ các nền kinh tế phát triển của các nước thành viên TPP như Mỹ và Nhật Bản. 
Thứ tư, đa dạng hóa quan hệ kinh tế đối ngoại của Việt Nam trong cuộc cạnh tranh kinh tế giai đoạn mới của thời kỳ hậu khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
 

Đông Nam Á và Biển Đông là một trọng tâm của chính sách xoay trục sang châu Á của chính quyền Obama. Thúc đẩy hiểu biết, đối tác toàn diện với Việt Nam là nằm trong lợi ích của hai nước.
 

Các nước lớn ra sức xây dựng khu vực ảnh hưởng kinh tế, nhằm đảm bảo đầu ra thị trường hàng hóa và nơi cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu.
Đối với các nước nhỏ và vừa, TPP mang lại một liên kết kinh tế mạnh, một đối trọng lớn, một động lực mới.

Ngay như nội bộ Trung Quốc đang tranh luận khá sôi nổi có nên tham gia TPP hay không và vào thời điểm nào; hồi tháng 7 năm nay, Thủ tướng Lý Khắc Cường từng nói Trung Quốc nên tham gia TPP. 
Hàn Quốc đang cân nhắc tham gia quá trình đàm phán TPP. Nhật Bản đã kịp thời tham gia giai đoạn cuối.

Đàm phán TPP đang ở chặng cuối có tính quyết định. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa rồi thăm Tokyo cũng nhằm thúc đẩy sự hợp tác với Nhật Bản liên quan đến TPP.

Tất nhiên, tham gia TPP, bên cạnh các lợi ích sẽ có những thách thức khó khăn lớn mà nền kinh tế nước ta phải vượt qua, trong đó liên quan đến mở cửa thị trường hàng hóa và xuất xứ hàng hóa, vấn đề doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ, môi trường lao động...

- Ngoài Việt Nam, điểm đến tiếp theo ở Đông Nam Á là Philippines, ngoài đến thăm vùng thiệt hại do bão Haiyan vừa gây ra, có phải đây là động thái trấn an đồng minh của Mỹ sau cam kết an ninh mà họ đưa ra trên Biển Đông hay không thưa ông?

Tháng 10 vừa rồi, Ngoại trưởng John Kerry đã lỡ hẹn với Philippines, khi ông được cử thay mặt Tổng thống Barack Obama thăm Manila. Thời điểm này, Mỹ cần khẳng định mạnh mẽ quan tâm thúc đẩy quan hệ chiến lược với Philippines.

Cuộc đàm phán giữa Manila và Washington hồi đầu tháng 11 vừa rồi về việc Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự tại Philippines vẫn chưa còn một số vấn đề cần tháo gỡ, trong đó liên quan đến việc sử dụng căn cứ hải quân tiên tiêu ở Biển Đông tại vịnh Oyster – “hòn ngọc chiến lược” của quan hệ quân sự, an ninh Mỹ-Philippines tại Biển Đông.

Đó chắc là một nội dung trong chương trình nghị sự tại Manila.

Xin cảm ơn ông!

Tùng Đinh (Thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn