• Zalo

Ngoại trưởng Mỹ thăm Pháp với sứ mệnh hàn gắn

Thời sự quốc tếThứ Ba, 05/10/2021 20:13:30 +07:00Google News
(VTC News) -

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tối 4/10 tới thủ đô Paris, Pháp, bắt đầu sứ mệnh hàn gắn mối quan hệ với một trong những đồng minh truyền thống châu Âu.

Tuy nhiên, lần trở lại “ngôi nhà thứ 2” này của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ được dự báo không hề dễ dàng. Niềm tin giữa hai bên đã suy giảm nghiêm trọng sau khi Mỹ khiến Pháp vuột mất hợp đồng mua bán tàu ngầm trị giá hàng tỷ USD.

Ngoại trưởng Mỹ thăm Pháp với sứ mệnh hàn gắn - 1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. (Ảnh: AP)

An ninh tại Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương, Quốc phòng châu Âu và cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực Sahel là 3 chủ đề thảo luận chính trong lần trở lại Pháp này của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Tuy nhiên, cuộc gặp hôm nay giữa ông Blinken và người đồng cấp Pháp Jean Yves Le Drian lại được dự báo sẽ thiếu đi sự nồng ấm thường thấy giữa hai chính phủ đồng minh.

Sau quyết định rút quân khỏi Afghanistan để lại nhiều hệ lụy, quyết định bất ngờ của Mỹ thành lập liên minh với Anh và Australia (AUKUS) hồi giữa tháng 9 đã làm Pháp vuột mất hợp đồng tàu ngầm trị giá hàng tỷ USD. Không chỉ thế, hiện có một mối hoài nghi ngày càng tăng tại Pháp và Liên  minh châu Âu về khả năng bị đồng minh gạt ra khỏi những kế hoạch then chốt trong tương lai. Paris đã rất tức giận khi gọi đây là “nhát dao đâm sau lưng” và lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ 2 nước triệu hồi đại sứ của mình tại Washington về nước. 

Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian cho rằng, niềm tin giữa hai nước đã bị vi phạm một cách thô bạo: “Đó không chỉ là sự vi phạm hợp đồng một cách thô bạo và không có lý do, mà còn là sự vi phạm lòng tin giữa các đối tác. Bởi vì nền tảng của mối quan hệ đồng minh và đối tác là minh bạch và có thể dự đoán được".

Có phần bất ngờ trước phản ứng dữ dội của Pháp, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã liên tục có động thái xoa dịu đồng minh. Tuy nhiên sự giận dữ của Pháp vẫn còn âm ỉ. Minh chứng là việc sẽ không có cuộc gặp chính thức nào được lên kế hoạch giữa Tổng thống Macron và ông Blinken. Điều này hoàn toàn trái ngược với sự sẵn sàng của Tổng thống Pháp dành cho người tiền nhiệm của ông Blinken hồi tháng 11/2020 khi ông này ghé qua Pháp để nói lời từ biệt trước khi kết thúc nhiệm kỳ.

Với quãng thời gian hơn 10 năm sống tại Pháp, ông Blinken hi vọng có thể tận dụng mối quan hệ thân thiết như người nhà với Paris và sự nhạy bén của một nhà ngoại giao kỳ cựu để xoa dịu Pháp, cũng như chứng minh sự bền chặt của mối quan hệ đồng minh. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ mới đây cũng phải thừa nhận, việc sửa chữa các mối quan hệ sẽ mất thời gian và cần nhiều công sức:

“Chúng tôi nhận thấy điều này sẽ mất thời gian và công sức và sẽ được thể hiện không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động. Chúng tôi có thể làm nhiều hơn và làm tốt hơn. Mỹ rất hoan nghênh sự tham gia của Pháp và châu Âu, cũng như vai trò lãnh đạo ở Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương", ông Blinken nói.

Dẫu vậy việc Pháp đồng ý cử đại sứ trở lại Washington, cũng như việc chính quyền Tổng thống Joe Biden tìm mọi cách xoa dịu căng thẳng cũng đã một lần nữa cho thấy sự gắn bó không dễ tách rời của mối quan hệ Mỹ và Pháp. Và với sự hiểu biết sâu sắc về nước Pháp, ông Blinken được đánh giá là người hòa giải vô gía giữa Nhà Trắng và Điện Elysee, tạo bước đệm cho cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước tại châu Âu vào cuối tháng 10 này.

Thu Hoài (VOV1 )
Bình luận
vtcnews.vn