• Zalo

Đòn đáp trả của Pháp sau khi mất thương vụ tàu ngầm tỷ đô vào tay Mỹ

Quân sựThứ Tư, 29/09/2021 10:14:24 +07:00Google News
(VTC News) -

Thỏa thuận quốc phòng Pháp ký với Hy Lạp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ Mỹ được đánh giá là chiến thắng cần thiết cho Tổng thống Macron lúc này.

Tháng 10/2019, truyền thông Hy Lạp đưa tin Mỹ đề nghị Athens cân nhắc mua 4 khinh hạm đa năng MMSC của nước này thay thế cho thỏa thuận 2 tàu khu trục nhỏ mà Pháp đề xuất. 

Theo tạp chí quốc phòng Doureios Ippos, Washington đã gửi thư cho Hy Lạp, cung cấp thông tin về giá cả và tính khả dụng trên các tàu MMSC. Lá thư này được gửi đi sau khi ý định thư về việc mua sắm 2 khinh hạm của Pháp được Athens và Paris ký kết. 

Tới tháng 11/2020, báo giới Hy Lạp tiếp tục loan tin nước này dự kiến sẽ ký thỏa thuận mua 4 tàu của Mỹ và hủy bỏ thỏa thuận mua các tàu chiến của Pháp. 

Mọi thứ tưởng như đã ngã ngũ cho tới hôm qua (28/9) khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố Athens sẽ mua 3 tàu hộ vệ của Paris. 

Qua mặt Mỹ

Bản ghi nhớ về thương vụ này được ký chưa đầy hai tuần sau khi Australia hủy hợp đồng mua tàu ngầm tấn công diesel-điện từ tập đoàn Naval Group của Pháp và chuyển sang phát triển tàu ngầm năng lượng hạt nhân với sự hỗ trợ từ Mỹ và Anh.

Đòn đáp trả của Pháp sau khi mất thương vụ tàu ngầm tỷ đô vào tay Mỹ - 1

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại lễ công bố thỏa thuận. (Ảnh: Getty Images)

Sau cuộc gặp với Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis tại Điện Elysee, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết thỏa thuận là một phần quan hệ đối tác chiến lược sâu sắc giữa hai nước nhằm bảo vệ lợi ích chung của họ ở Địa Trung Hải. 

Ông chủ Điện Elysee mô tả quyết định của Hy Lạp đã chứng minh sự tin tưởng của Athens vào ngành quốc phòng Pháp trước sự cạnh tranh đáng kể từ tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ.

Về phần mình, Thủ tướng Mitsotakis khẳng định: "Hôm nay là một ngày lịch sử đối với Hy Lạp và Pháp. Cùng với Tổng thống Macron, chúng tôi đã quyết định nâng cấp quan hệ tác quốc phòng song phương". 

Tờ La Tribune của Pháp cho biết Naval Group - bên cung cấp tàu cho Hy Lạp đã vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt đến từ các tập đoàn quốc phòng lớn như như ThyssenKrupp của Đức, Damen của Hà Lan, Fincantieri của Italia và đặc biệt là Lockheed Martin của Mỹ.

Tờ Politico của Mỹ tiết lộ, hải quân Hy Lạp đã nhận hồ sơ dự thầu từ 6 quốc gia, trong đó đề xuất của Pháp có giá cao nhất. Paris gần đây đệ trình một đề nghị cải tiến dù vẫn giữ nguyên mức giá. 

Theo Aljazeera, đây là chiến thắng hết sức cần thiết cho ông Macron sau khi thương vụ tàu ngầm trị giá 66 tỷ USD ký kết với Australia đổ bể. 

“Đó không phải là một vụ mua bán vũ khí đơn giản. Đó là một thỏa thuận chiến lược làm thay đổi tình hình ở phía đông Địa Trung Hải”, giáo sư quan hệ quốc tế Dimitris Kairidis cho hay.

Đây không phải lần đầu Hy Lạp chi một số tiền "khủng" để mua vũ khí Pháp. Hồi đầu năm, nước này thông báo mua 18 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp, trở thành nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) sở hữu mẫu tiêm kích này. 

“Pháp đang lấp đầy khoảng trống an ninh trong khu vực. Có một thỏa thuận phòng thủ chung, vì vậy nếu chúng tôi gặp rắc rối, chúng tôi có năng lượng hạt nhân và thành viên thường trực của Hội đồng An ninh bên cạnh", ông Kairidis nói. 

Cú hích cho Pháp

Theo các quan chức Hy Lạp, thỏa thuận mới dự kiến sẽ bao gồm các cam kết từ Hy Lạp về việc mua các tàu chiến trị giá ít nhất 3,51 tỷ USD của Pháp, cũng như một điều khoản về hỗ trợ phòng thủ lẫn nhau.

Thỏa thuận này được xây dựng dựa trên thỏa thuận mua máy bay chiến đấu của Pháp trước đó và có tùy chọn cho Hy Lạp mua thêm tàu ​​chiến trong tương lai -  2 điều khoản có thể đẩy tổng giá trị của hợp đồng lên trên 5,84 tỷ USD. 

Theo Politico, thỏa thuận ký kết hôm 28/9 sẽ mang lại cho ngành công nghiệp quốc phòng của Pháp một cú hích cần thiết và thúc đẩy mong muốn của Tổng thống Macron trong việc dẫn đầu các nỗ lực quân sự của châu Âu.

Đòn đáp trả của Pháp sau khi mất thương vụ tàu ngầm tỷ đô vào tay Mỹ - 2

Hình ảnh phác thảo hộ vệ hạm lớp Belharra của Pháp. (Đồ họa: Naval Group)

"Người châu Âu phải ngừng ngây thơ. Khi chúng ta chịu áp lực… chúng ta cần phản ứng và chứng tỏ rằng chúng ta có sức mạnh và khả năng tự vệ. Không phải leo thang mọi thứ, mà là bảo vệ chính mình”, ông Macron nói. 

Tổng thống Pháp cũng nhấn mạnh sự tự chủ của châu Âu không phải để thay thế mối quan hệ liên minh với Mỹ mà là lục địa già muốn nhận trách nhiệm giữ vai trò trụ cột trong Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Các quan chức Hy Lạp tin rằng Mỹ sẽ không có quá nhiều ý kiến với thỏa thuận Pháp và Hy Lạp ký kết mới đây. Dù mất nhiều thời gian vào đổ nhiều sức lực trong suốt 2 năm qua, Washington vẫn còn các thương vụ quân sự với Hy Lạp. Athens sẽ sớm ký gia hạn 5 năm với thỏa thuận hợp tác quốc phòng Hy Lạp ký kết với Mỹ. 

"Thỏa thuận mới đây không đối nghịch với quan hệ Mỹ - Hy Lạp bởi Pháp đã sát cánh bên chúng tôi trong thời điểm khó khăn vào mùa hè năm 2020", ông Mitsotakis nói.

Song Hy(Nguồn: Aljazeera, Politico)
Bình luận
vtcnews.vn