• Zalo

Ngoại trưởng Malaysia: Biển Đông không thể là nhân tố gây chia rẽ, phải là tác nhân kết nối đoàn kết trong ASEAN

Thế giớiThứ Tư, 24/07/2019 16:36:00 +07:00Google News

Ngoại trưởng Saifuddin Abdullah cho rằng Biển Đông không nên trở thành nhân tố gây chia rẽ trong ASEAN mà phải là yếu tố kết nối đoàn kết trong khối.

Trong bài phát biểu trước Nghị viện Malaysia, ông Saifuddin nhắc lại tuyên bố hồi tháng 5 của Thủ tướng Mahathir Mohamad rằng Kuala Lumpur ủng hộ việc các tàu biển, kể cả chiến hạm, di chuyển qua Biển Đông nhưng phản đối việc triển khai lực lượng đóng quân tại đó.

Ngoại trưởng Malaysia khẳng định tuyên bố này cùng thái độ cứng rắn của ông Mohamad gửi đi tín hiệu rằng chính phủ mới của Malaysia sẽ áp dụng lập trường cứng rắn hơn trong việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông.

malaysia

Ngoại trưởng Saifuddin Abdullah. (Ảnh: The Star)

Theo ông, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông được ASEAN và Trung Quốc ký ngày 4/11/2002 đưa ra các quy định khá lỏng lẻo về các hành vi trong vùng biển tranh chấp. Nó không ngăn được Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa khu vực và leo thang căng thẳng. 

"Trung Quốc gửi các tàu bảo vệ bờ biển lớn chẳng khác nào tàu chiến tới các vùng lãnh thổ giàu năng lượng và khiến các quốc gia láng giềng phải nóng mắt", người đứng đầu Bộ Ngoại giao Malaysia cho hay, nhấn mạnh Trung Quốc và các quốc gia khác nên tự kiềm chế và hành động dựa trên luật pháp quốc tế.

Chính phủ Malaysia trước đây hiếm khi thẳng thừng chỉ trích bất cứ hành vi gây hấn nào của tàu thuộc lực lượng tuần duyên Trung Quốc ở vùng biển Malaysia. Sự thay đổi tông giọng của Ngoại trưởng nước này mới đây và Thủ tướng trước đó cho thấy quyết tâm của Malaysia trong nỗ lực ngăn cản các hành động ngày càng ngang ngược của Trung Quốc. 

Theo ông Saifuddin, vấn đề Biển Đông không nên trở thành nhân tố gây chia rẽ trong ASEAN mà phải là thành tố kết nối sợi dây đoàn kết giữa các quốc gia trong khối. 

"Nếu ASEAN vẫn giữ chắc vị thế trung tâm, sẽ không có chuyện 1 hay 2 quốc gia thành viên đơn lẻ đàm phán song phương với Trung Quốc liên quan tới Biển Đông. Kịch bản sẽ chỉ có thể là cả 10 quốc gia thành viên cùng đàm phán với Trung Quốc", ông Abdullah nói trong bài phát biểu tại ĐH Paramadina cuối tuần trước. 

Đồng quan điểm với Ngoại trưởng Malaysia, chuyên gia Swee Lean Collin Koh tới từ Học viện Chiến lược và Quốc phòng Singapore cho rằng các nước ASEAN phải sẻ chia quan điểm thống nhất về các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.

"Giới tinh hoa chính trị ASEAN cần cảnh báo Bắc Kinh rằng bất cứ sự ép buộc nào tương tự như vụ việc ở Bãi Tư Chính đều đi ngược các quy tắc quốc tế được thiết lập, làm xói mòn các lợi ích mà ASEAN và Trung Quốc đạt được trong 2 năm qua, trong đó có COC", ông viết trong bài xã luận đăng trên Maritime Issues. 

Cuối tuần này, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ có mặt tại Bangkok để tham gia Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN với nội dung trọng tâm là thảo luận về các vấn đề cấp bách trong khu vực, bao gồm tranh cấp trên Biển Đông. 

Trong tuần tới, Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên ASEAN sẽ nhóm họp tại Singapore để tìm cách đẩy nhanh các cuộc đàm phán cho Bộ quy tắc ứng xử (COC). Ông Abdullah cho biết quá trình đàm phán vẫn đang diễn ra tốt đẹp nhưng cần được xúc tiến nhanh chóng.

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn