Theo Thông tư số 233 /2012/TT-BTC của Bộ Tài chính, 9 trạm thu phí BOT và trạm chuyển giao tiếp tục thu phí từ 1/1/2013 với mức từ 10.000 đồng đến 80.000 đồng/lượt, tương đương với mức nộp 3,6 triệu đồng đến 28,8 triệu đồng/năm.
Mức thu thấp nhất 10 nghìn đồng/lượt áp dụng với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng. Mức thu theo tháng cố định là 300 nghìn đồng/tháng, tương đương với 3,6 triệu đồng/năm; thu theo quý 800 nghìn đồng/quý, tương đương 3,2 triệu đồng/năm.
Mức thu cao nhất 80 nghìn đồng/lượt áp dụng với xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng Container 40 fit. Mức thu theo tháng ấn định là 2,4 triệu đồng/tháng, tương đương với 28,8 triệu đồng/năm; thu theo quý 6,5 triệu đồng/quý, tương đương 26 triệu đồng/năm.Ô tô đi qua các trạm thu phí BOT vẫn phải nộp phí theo lượt với mức nộp cao nhất tới 28,8 triệu đồng/năm.
Các trạm thu phí BOT và chuyển giao vẫn hoạt động gồm trạm thu phí số 2, trạm thu phí Nam Cầu Giẽ, trạm thu phí Hoàng Mai và trạm thu phí Bàn Thạch trên quốc lộ 1; trạm thu phí hỗ trợ hoàn vốn BOT gồm: 02 trạm thu phí trên quốc lộ 5, trạm thu phí Tiên Cựu quốc lộ 10, trạm thu phí Phả Lại quốc lộ 18 và trạm thu phí Ninh An quốc lộ 1.
Thông tư cũng quy định: tải trọng của từng loại phương tiện áp dụng mệnh giá trên là tải trọng theo thiết kế (trọng tải hàng hoá), căn cứ vào Giấy chứng nhận đăng ký xe do cơ quan có thẩm quyền cấp. Đối với việc áp dụng mức thu phí đối với xe chở hàng bằng Container (bao gồm cả đầu kéo moóc chuyên dùng): Áp dụng mức thu theo tải trọng thiết kế của xe, không phân biệt có chở hàng hay không chở hàng, kể cả trường hợp chở hàng bằng Container có tải trọng ít hơn tải trọng thiết kế vẫn áp dụng mức thu theo tải trọng thiết kế.
Như vậy, dù đã nộp phí đường bộ, người sử dụng ô tô vẫn phải chịu thêm tiền phí đường bộ khi đi qua các trạm thu phí trên.
Khánh Hòa
Bình luận