• Zalo

Ngoại hạng Anh thất bại khi tính học theo VFF

Thể thaoThứ Hai, 15/10/2012 12:00:00 +07:00 Google News

(VTC News)- Giống như VFF, ban tổ chức Premier League cũng đau đầu khi tính nhúng tay vào khu vực khó ăn khó nói này.

(VTC News)- Vấn đề lương thưởng bao giờ cũng là chuyện hết sức 'tế nhị' và 'nhạy cảm'. Vì thế, cũng giống như VFF, ban tổ chức Premier League cũng đau đầu khi tính nhúng tay vào khu vực khó ăn khó nói này.
Đại diện 20 CLB tại Premier League đang ngồi lại với nhau theo đề xuất của chủ tịch Wigan nhằm đi đến thống nhất về mức lương cho các cầu thủ.

Trong đó, ngoài mức lương trần hàng năm, bản quy ước chung còn đưa ra tham vọng xây dựng cả tỉ lệ tăng lương, thưởng hàng năm hay tổng lượng lương thưởng không được phép vượt quá bao nhiêu phần trăm tổng doanh thu....

Rooney từng đòi rời Old Trafford vì lương thấp

Đây cũng kế hoạch hướng tới tương lai nhằm đáp ứng luật công bằng tài chính mà UEFA sắp sửa áp dụng. Theo thống kê mới nhất, chỉ có 7 đội bóng ở giải Ngoại hạng làm ăn không thua lỗ, bao gồm: Arsenal, Fulham, MU, Newcastle, Tottenham, West Brom và Wolves.

Song điều này dĩ nhiên làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến một loạt các đại gia như Man City, Chelsea, những CLB đang trả các khoản lương cực kì lớn cho các ngôi sao của mình. Do đó, chắc chắn ý tưởng này sẽ cần thêm nhiều thời gian để đi vào thực tế.

Đây cũng chẳng phải là vấn đề của riêng Premier League.

Còn nhớ, trong đại hội thường niên nhiệm kì VI vừa được tổ chức tuần trước, VFF đã mạnh dạn đưa vấn đề thu nhập dành cho giới cầu thủ ra để bàn thảo.

 Các cầu thủ Việt Nam trực tiếp đón nhận hậu quả của khủng hoảng kinh tế

Theo VFF, việc đặt ra mức lương trần cho giới quần đùi áo số ngay từ cấp đào tạo trẻ là cần thiết, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn kinh tế hiện nay. Đây cũng là phương án nhằm bình ổn giá trị chuyển nhượng đang quá cao tại V-League hiện nay.

Song rốt cuộc, giải pháp mà Liên đoàn bóng đá Việt Nam đưa ra đã thất bại và quyết định trả lương bao nhiêu lại vẫn phụ thuộc toàn quyền vào... túi các vị chủ tịch CLB.

 
Bầu Đức: "30 triệu đồng hay 40 triệu đồng/cầu thủ/tháng vẫn là mức lương quá cao. Dù đá bóng là loại hình lao động đặc biệt nhưng mức lương như trên khó có thể chấp nhận. Các đội khác thế nào tôi không biết, với Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), lương tháng tối đa chỉ 25 triệu đồng”.

Lê Công Vinh: Năm 2008, tôi nhận lương ở CLB Sông Lam Nghệ An khoảng 11 triệu đồng/tháng, tiền thưởng cho một trận thắng gần 2 triệu đồng.

Về Hà Nội T&T, tôi nhận lương 40 triệu đồng/tháng, thêm khoảng 100 triệu đồng tiền thưởng nếu đội toàn thắng cả bốn trận trong tháng. Về CLB bóng đá Hà Nội hồi đầu mùa, lương tôi cũng tăng hơn nữa.

Việc tăng lương mỗi khi chuyển đến một CLB khác cũng là bình thường. Nhưng khi CLB gặp khó khăn về kinh tế, không thể kham nổi và buộc phải cắt giảm ngân sách hoạt động nếu như không muốn bị giải thể, cầu thủ chúng tôi phải chấp nhận giảm lương nhằm cứu CLB.

Trung vệ Lê Phước Tứ: Tôi không tin CLB Sài Gòn Xuân Thành phải cắt giảm ngân sách hoạt động vì kinh tế khó khăn. Nhưng nếu lỡ có chuyện đó xảy ra, tôi sẽ chấp nhận giảm mức lương đang nhận 60 triệu đồng/tháng để bớt chi phí cho CLB.

Nhưng giảm bao nhiêu thì tôi và CLB cần phải ngồi lại bàn bạc cụ thể.

Tiền vệ Phan Văn Tài Em: Lương hiện tại của tôi tại CLB là 50 triệu đồng/tháng. Nếu tài chính của đội bóng gặp khó khăn, tôi chấp nhận giảm lương nhằm giúp CLB vượt qua khó khăn.

Nhưng việc giảm lương - thưởng không phải là điều chúng tôi lo nhất. Việc giữ đội bóng tồn tại mới là mối quan tâm sống còn của các cầu thủ Navibank Sài Gòn hiện nay, khi chúng tôi không biết được số phận của đội thế nào trong tương lai.

(Theo Infonet)

Tĩnh Tâm

Bình luận
vtcnews.vn