Kỳ 1: Linh vật trong chùa
Rùa Hồ Gươm khổng lồ qua đời, gây sốc cho người dân cả nước. Hiện, chỉ còn một con thuộc họ rùa Hồ Gươm, khoảng 70kg, đang lặn ngụp ở hồ Đồng Mô (Ba Vì, Hà Nội).
Nhưng, ít ai biết rằng, trong ngôi chùa có tên Tây Viên Tự (TP. Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc), vẫn còn một cặp rùa khổng lồ, cùng loài với rùa Hồ Gươm.
Trong lần sang Trung Quốc, đi giải mã nhiều câu chuyện về thảo dược, tôi may mắn lạc vào ngôi chùa, nơi có hai linh vật, mà cả nước Trung Quốc coi là bảo vật quốc gia.
Tây Viên Tự là ngôi chùa cổ kính, hoành tráng, tuyệt đẹp của thành phố xinh đẹp Tô Châu. Qua nhiều cổng, với tòa ngang dãy dọc, thì đến một “con sông” nhân tạo kè đá quanh co phía sau chùa. “Dòng sông” dẫn đến một hồ nước tuyệt đẹp trong khuôn viên sau chùa, với thủy đình trầm mặc soi bóng.
Tôi lặng người, khi thấy hai con rùa khổng lồ, đúc bằng đồng nằm bên hồ nước. Con rùa đồng đó chính xác là rùa Hồ Gươm, giống như lột. Ngay cạnh hồ, là hình ảnh chụp con rùa khổng lồ, càng khẳng định nó chính là rùa Hồ Gươm mới qua đời.
Sở dĩ, tôi có sự quan tâm đặc biệt, là bởi có nhiều năm bỏ công sức đi tìm những huyền thoại, những sự thật về loài rùa Hồ Gươm khổng lồ.
Tôi đã lên Hòa Bình, quần nát những đầm phá bám hai bên con sông Đà, tìm những câu chuyện có thật về rùa Hồ Gươm khổng lồ. Tôi đã may mắn gặp được mấy người đàn ông từng “làm thịt” một con rùa nặng cả tạ. May mắn là các cơ quan chức năng đã giải cứu kịp thời và giờ nó thành tiêu bản ở Bảo tàng tỉnh Hòa Bình, cho du khách ngắm, và nó là minh chứng cho sự tồn tại của một loài rùa huyền thoại.
Tôi đã mất nhiều ngày lần mò dọc sông Hồng, đến những đầm phá lớn như Ao Châu, Hiền Lương (Phú Thọ), Minh Quân (Yên Bái), gặp những nhân chứng từng có nhiều năm săn rùa khổng lồ ăn thịt, gặp người từng vác AK bắn chết rùa khổng lồ và vẫn giữ cái mai như báu vật ở trong nhà.
Những câu chuyện về con giải khổng lồ, lưng to như cái chiếu đôi, mà cư dân xưa có vùng gọi là thuồng luồng, ở sông Hồng mạn Phú Thọ và Yên Bái kéo cả trâu mộng chìm xuống nước là có thật. Rồi chuyện con giải kéo chìm, ăn thịt một cô ả đào ở Sơn Động (Bắc Giang), người dân vẫn còn kể, rất hấp dẫn.
Những câu chuyện sinh động đó khẳng định rằng, một thời chưa xa lắm, loài rùa khổng lồ từng tồn tại khắp các sông lớn, đầm lớn ở miền Bắc Việt Nam. Những con rùa mà người ta không định nổi tuổi của nó, là hàng trăm hay cả ngàn, thực sự vô cùng thú vị.
Giờ đây, những con rùa Hồ Gươm, linh vật của thủ đô, đã thành tiêu bản trong đền Ngọc Sơn, thành bộ xương khô ở Bảo tàng Hà Nội, đọng lại bao nhiêu nuối tiếc.
Kể lại thế, để biết rằng, khi tận mắt con rùa khổng lồ, đúng là giống loài rùa Hồ Gươm, ở trong một cái hồ nhỏ, ở Trung Quốc, tôi thực sự ngỡ ngàng, thực sự thú vị.
Cô bạn Mai Anh du học nhiều năm ở Trung Quốc dễ dàng dịch những dòng chữ giới thiệu trên tấm pa-nô ngay bên hồ:
“Linh vật may mắn quý hiếm của thế giới. Rùa 400 tuổi Ban Nguyên.
Hồ Quảng Nhân có con rùa thần, mình tròn tròn, thân dài 2 mét, dáng mai vuông vuông, tăng ni trong chùa chiếu theo dáng vẻ mà đặt tên là Ban Nguyên. Mai rùa như cái bàn ăn, nặng độ hơn 200 cân (tương đương 100 kg Việt Nam), tương truyền được thả xuống hồ từ thời hoàng đế Gia Tĩnh triều Minh, đến nay đã hơn 400 tuổi.
Mỗi độ xuân thu tiết trời ấm áp lại thấy rùa thần thoắt ẩn thoắt hiện trên mặt nước, nằm đón nắng cạnh đám hoa sen. Có lúc thấy rùa ngước đầu nhìn bầu trời, có lúc cúi xuống mặt hồ, tiêu diêu tự tại hệt như đang trêu đùa du khách.
Vào mùa hè nắng nóng, ngày nghỉ đêm thức, có lúc rùa bò lên bờ, người nào có duyên mới gặp được con vật mang biểu tượng như ý cát tường này.
Có người muốn thử xem rùa có chịu được nặng không, đứng lên thân nó, vậy mà nó vẫn thong dong bò đi như chẳng hề có gì.
Sách “Thanh gia lục” viết: “Thân hoa ảnh dưới cầu chín khúc/ Bên Tây Viên nước biếc như gương/ Khách kia dạo bước qua đường/ Thả mồi ngắm kẻ chẳng vương chuyện đời”.
Rùa thần, tên khoa học là Rafetus swinhoei, thuộc chủng rùa Dương Tử mai mềm, là một loại đặc biệt thuộc họ ba ba, thuộc những động vật quý hiếm trong 270 triệu năm qua và nằm trong danh sách động vật quý cấp quốc gia. Trên thế giới hiện chỉ còn 03 con, chùa Tây Viên may mắn còn 02 con, là báu vật của chùa, cũng là báu vật ngàn năm có một của Trung Hoa”.
Từ lâu, theo thông tin từ các nhà khoa học, thì rùa Hồ Gươm chính là một loài giải. Nhân dân dọc sông Hồng cũng gọi nó là con giải, thuộc họ ba ba. Mai nó mềm, nó có riềm, thì nó thuộc họ ba ba là đúng rồi. Rùa thuộc loại mai cứng, rất khác ba ba. Chỉ có PGS-TS. Hà Đình Đức, người yêu cụ rùa đến phát cuồng, thì nhất nhất khẳng định “cụ” là rùa, chứ không phải giải, không phải ba ba, và “cụ” là loài riêng, chứ chẳng liên quan gì đến giải Việt Nam, hay giải Thượng Hải.
Sở dĩ nhắc đến chữ “giải Thượng Hải”, là bởi vì, bao năm qua, các nhà khoa học có nhắc đến một con giải khổng lồ được nuôi trong vườn thú ở Thượng Hải, và nó được định danh là “giải Thượng Hải”, chính là cùng loài với rùa Hồ Gươm.
Thế nhưng, với người dân thành phố Tô Châu, và các tăng ni của chùa Tây Viên, thì cả thế giới này chỉ còn 3 con, trong đó 2 con ở hồ Quảng Nhân nhỏ bé trong khuôn viên chùa.
Thật là có chút tự ái, khi họ không biết đến cụ rùa khổng lồ, to gần gấp đôi linh vật của họ ở Hồ Gươm, nơi thủ đô của một quốc gia phía Nam của họ (?!).
Video: Đưa xác rùa Hồ Gươm trong đêm vào đền Ngọc Sơn
Theo một tăng ni trong chùa, thì hai linh vật này có kích cỡ to đúng như hai cái tượng đồng được đúc và đặt bên hồ. Các nghệ nhân đã “thỉnh” hai linh vật lên bờ, rồi đo đo đạc đạc suốt mấy ngày trời, để đúc ra hai cái tượng rùa y như thật.
Vị tăng ni này cũng khẳng định rằng, cả hai con rùa đã có tuổi ít nhất 400 năm, bởi nó được ghi chép hẳn hoi. Con đực to hơn con cái khá nhiều.
Về trọng lượng và kích cỡ, thì cả hai con rùa này đều thua xa rùa Hồ Gươm. Bởi, rùa Hồ Gươm vừa qua đời nặng tới 169kg. Còn con rùa tiêu bản nằm trong đền Ngọc Sơn có thể lên tới 250kg.
Cũng theo vị tăng ni nọ, vào mùa xuân và mùa thu, hai con rùa này thường nổi lên mặt nước để tắm nắng và chơi đùa cùng nhau. Trong khi đó, mùa hè nắng nóng chúng thường ẩn sâu dưới mặt nước và chỉ ngoi lên vào ban đêm. Có đêm, hứng chí chúng bò lên các bậc thang ở bờ hồ.
Người dân trong vùng tin rằng, nếu đến hồ Quảng Nhân trong Tây Viên Tự mà nhìn thấy rùa sẽ được phù hộ, gặp may mắn trong làm ăn và sức khỏe dồi dào.
Mặc dù, thời gian ở Tây Viên Tự, không được diện kiến “rùa thần”, nhưng thấy cách người Trung Quốc tôn kính, coi trọng nó như báu vật, mà ngẫm thấy buồn, bởi loài vật từng tồn tại cả trăm triệu năm này, chẳng chóng thì chầy, sẽ biến mất khỏi trái đất.
Còn tiếp...
Bình luận