Các bác sĩ Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai thực hiện các biện pháp cấp cứu hồi sức, dùng thuốc hỗ trợ tim mạch liều cao, lọc máu, kiểm soát co giật.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, sau khi làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc chất Fluoroacetate (thuốc diệt chuột bị cấm cách đây hàng chục năm). Thuốc diệt chuột Fluoroacetate có hai dạng, là dung dịch màu hồng trong ống nhựa hay dạng hạt gạo màu hồng độc tính cao.
Khi bệnh nhân ăn hay uống phải sẽ gặp hiện tượng co giật, hôn mê, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, toan chuyển hóa, suy thận, có thể dẫn đến tử vong.
Mặc dù đã bị cấm lưu hành trên thị trường nhiều năm nhưng hiện người dân có thể mua các loại thuốc diệt chuột ở các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật, hay từ các xe bán hàng rong, đến các quầy bán đồ gia dụng, thú y, hay vật dụng làm vườn một cách rất dễ dàng. Việc sử dụng không an toàn, tràn lan, rất dễ gây ra ngộ độc.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân khi mua hóa chất bảo vệ thực vật (thuốc diệt chuột) phải mua ở quầy kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật hoặc cơ sở có đăng ký. Người dân cần mua các sản phẩm đăng ký lưu hành trong nước và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Khi mua phải có đầy đủ thông tin rõ ràng về hóa chất.
Người dân khi sử dụng hóa chất diệt chuột phải xa và cách biệt hẳn so với nơi ở, nơi ăn uống, đặc biệt xa thức ăn, nước uống, xa trẻ em. Gia đình có người bị bệnh tâm thần hoặc lẫn không nên để các hóa chất độc trong khuôn viên nhà ở. Các gia đình không dự trữ các hóa chất độc hại, bao gồm hóa chất diệt chuột tại gia đình.
Với cơ quan quản lý, cần quản lý chặt các sản phẩm hóa chất diệt chuột, quản lý việc bán (cấm người bán rong bán các hóa chất diệt chuột hay các hóa chất độc hại, chỉ các cơ sở hoặc quầy có đăng ký mới được kinh doanh các hóa chất diệt chuột hoặc các hóa chất bảo vệ thực vật nói chung) và quản lý việc mua (trẻ em, người bị bệnh tâm thần không thể mua được, cần lưu lại danh tính và nhận dạng của người mua).
Bình luận