Ngày 21/7/2017, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức hội thảo về vấn đề nghiện facebook, dấu hiệu nhận biết, cách điều trị cho chứng bệnh này.
Theo các bác sĩ, dấu hiệu nhận biết người nghiện Facebook chính là thời gian sử dụng Facebook ngày một tăng, địa điểm sử dụng thì ở mọi nơi, trong mọi thời điểm.
Khi có hình thức ngăn cấm, hay khắc phục việc sử dụng quá nhiều thì người có dấu hiệu nghiện trở nên bồn chồn hoặc gặp rắc rối về tâm lý và có những tác động mang tính tiêu cực đến đời sống hằng ngày.
TS.BS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần (bệnh viện Bạch Mai) cho biết, cách đây khoảng 3 tháng, một bệnh nhân là một cậu bé khoảng 14 tuổi, nhập viện trong tình trạng co giật phân ly. Qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy nguồn cơn co giật của cháu là bởi không được sử dụng Facebook.
Khi khám bệnh, TS Phương nhận thấy cháu bé có hiện tưởng bị ảo thanh, "cháu kể luôn có tiếng nói, lúc đàn ông, lúc đàn bà xuất hiện trong đầu. Tiếng nói này thường xuất hiện vào khoảng chạng vạng chiều tối, ý nói cháu phải chơi, phải vào Facebook đi ".
Theo gia đình, trước đây cháu sử dụng điện thoại tới 10 tiếng mỗi ngày. Gia đình đã thu lại chiếc điện thoại để ngăn cháu dùng mạng xã hội quá nhiều, nhưng không ngờ đây lại là nguồn cơn dẫn tới sự co giật phân ly ở cháu.
Ths BS Lê Thị Thu Hà chia sẻ về 1 trường hợp trầm cảm nhẹ do nghiện sử dụng facebook. Đó là một cậu sinh viên khoảng 20 tuổi đang học đại học. Cậu được gia đình đưa đi khám sau khi xuất hiện những triệu chứng trầm cảm bởi việc đình chỉ học.
Trong quá trình khám bệnh, Ths Hà nhận thấy cậu sinh viên này được sử dụng máy tính từ hồi cấp 2, cấp 3. Cho tới khi lên đại học thì được gia đình chu cấp cho máy tính xách tay, điện thoại di động, từ đó liên tục hằng ngày vào mạng, chơi game, lướt facebook... dần dần học hành chểnh mảnh rồi bị đình chỉ.
Sau khi chuẩn đoán cậu bị trầm cảm thứ phát do nghiện mạng xã hội, Ths Hà đã yêu cầu bản thân cậu thanh niên phải luôn làm việc, không được để thời gian nhàn rỗi. Buổi chiều có thể phụ gia đình làm nông, làm bếp, dần dần tình trạng này đã chấm dứt.
"Việc nghiện facebook khiến con người ta trở nên không quan tâm tới cuộc sống đời thật, gây ảnh hưởng rối loạn ăn uống, giấc ngủ... dẫn tới các triệu chứng của bệnh tâm thần. Cho tới nay vẫn chưa có thuốc đặc trị nghiện facebook, tốt nhất là nên sử dụng có kế hoạch, sắp xếp thời gian vui chơi, giải trí hợp lý và liên tục, để tránh thời gian rảnh để vào facebook", bác sĩ Hà khuyến cáo.
Video: Cách điều trị cơ bản cho chứng nghiện facebook
Còn theo TS Phương, nghiện facebook vẫn cần phải có sự quan tâm chặt chẽ từ gia đình và xã hội, nhất là đối với lứa tuổi học sinh, sinh viên. Nếu tình trạng này diễn ra lâu dài có thể dẫn tới những căn bệnh liên quan về tâm thân thần và dần dà có thể dẫn tới sử dụng ma túy hay chất kích thích.
Cách kiểm tra xem bạn có bị nghiện facebook hay không:
Hãy trả lời thang đo nghiện facebook Bergen với 6 câu hỏi được phát triển bởi các nhà nghiên cứu Na Uy dưới đây. Thang điểm từ 1 đến 5 ứng với các câu trả lời: Rất hiếm khi, hiếm khi, thỉnh thoảng, thường xuyên, rất thường xuyên.
Nếu điểm số thường xuyên hoặc rất thường xuyên ở 4/6 câu hỏi cho thấy bạn có thể đã BỊ NGHIỆN facebook.
1/ Bạn dành nhiều thời gian suy nghĩ về facebook hoặc lên kế hoạch sử dụng nó.
2/ Bạn cảm thấy một sự thúc giục sử dụng facebook càng ngày càng nhiều.
3/ Bạn sử dụng facebook để quên đi các vấn đề cá nhân.
4/ Bạn đã cố gắng để cắt giảm việc sử dụng facebook mà không thành công.
5/ Bạn trở nên bồn chồn hoặc gặp rắc rối nếu bị cấm sử dụng facebook.
6/ Bạn sử dụng facebook rất nhiều, đến nỗi mà nó đã có một tác động tiêu cực đến công việc/học tập của bạn.
>>> Đọc thêm: Giới trẻ Việt Nam đang trở thành 'nô lệ' của facebook thế nào?
Bình luận