• Zalo

Nghịch lý thế giới khủng hoảng thiếu điện, Việt Nam ế đầy

Đầu TưThứ Ba, 19/10/2021 10:13:39 +07:00Google News
(VTC News) -

Trong khi thế giới đang đau đầu với cuộc khủng hoảng thiếu điện thì nghịch lý lại xảy ra tại Việt Nam: hàng tỷ kWh điện (gồm cả năng lượng tái tạo) phải cắt giảm.

Một cuộc khủng hoảng thiếu năng lượng, trong đó có thiếu điện trầm trọng, đang bao trùm thế giới, đe dọa tới các chuỗi cung ứng vốn đã chịu căng thẳng trên toàn cầu, nguy cơ gây tê liệt nền kinh tế toàn cầu vốn đang chật vật phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Nhưng tại Việt Nam, hàng tỷ kWh điện năng lượng đang bị cắt giảm. Vậy, nên hiểu thế nào về nghịch lý này?

Khốn khổ vì thừa điện

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, 9 tháng đầu 2021, sản lượng toàn hệ thống đạt 192,55 tỷ kWh, tăng 3,6% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, tỷ lệ huy động từ thủy điện đạt 54,68 tỷ kWh (chiếm 28,4%), nhiệt điện than đạt 92,67 tỷ kWh (chiếm 48,1%), tua bin khí đạt 20,92 tỷ kWh (chiếm 10,9%), năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) đạt 22,68 tỷ kWh (chiếm 11,8%)…

Nghịch lý thế giới khủng hoảng thiếu điện, Việt Nam ế đầy - 1

Nhiều doanh nghiệp điện mặt trời lao đao vì phải tiết giảm, sa thải sản lượng điện.

Trong khi đó, tiêu thụ điện toàn quốc và miền Nam tiếp tục giảm thấp do nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Do đó, để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia khi tiêu thụ điện xuống thấp, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) và các trung tâm điều độ các miền phải huy động giảm phát các nguồn điện, bám sát nhu cầu tiêu thụ điện của toàn quốc và từng khu vực, đồng thời đáp ứng yêu cầu kỹ thuật để đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện.

Chia sẻ với VTC News mới đây, đại diện của gần 30 công ty đầu tư điện mặt trời tại tỉnh Kon Tum cho biết đang “ngồi trên đống lửa” do bị buộc phải tiết giảm, sa thải sản lượng điện khiến phương án tài chính bị vỡ, nguy cơ phá sản cận kề. Cụ thể, theo lãnh đạo Công ty TNHH PFT, để đầu tư 1 kW điện mặt trời, doanh nghiệp phải bỏ chi phí khoảng 15 triệu đồng. Như vậy, nếu đầu tư xây dựng một nhà máy điện mặt trời có công suất 1MW thì tổng mức đầu doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng 15 - 20 tỷ đồng.

“Hầu hết các doanh nghiệp, công ty khi đầu tư xây dựng nhà máy điện mặt trời đều phải vốn vay từ các tổ chức tín dụng, chiếm tỷ lệ từ 70-80% tổng mức đầu tư với lãi suất dao động từ 9,5-12%/năm tùy từng tổ chức tín dụng. Trước đó, từ tháng 2/2020, EVN đã thực hiện sa thải, tiết giảm đối với hệ thống điện mặt trời, doanh nghiệp đã rất khó khăn. Nay tiếp tục bắt buộc tiết giảm, sa thải sẽ đẩy các doanh nghiệp đến bờ vực phá sản”, đại diện doanh nghiệp nêu.

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, việc bắt buộc tiết giảm công suất này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu của nhà đầu tư vì áp lực trả nợ gốc và lãi vay dự án là rất lớn.

“Với mức huy động rất thấp là 40,68% công suất, các doanh nghiệp điện mặt trời sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh, không có nguồn để thanh toán nợ vay ngân hàng, chi trả chi phí vận hành hằng tháng cũng như trả lương cho công nhân, khiến nguy cơ phá sản doanh nghiệp cận kề”, các doanh nghiệp điện mặt trời cho hay.

Trước đó, tại buổi làm việc với các chuyên gia kinh tế, chuyên gia năng lượng, chuyên gia môi trường về tình hình vận hành hệ thống điện 2021 và giai đoạn 2021 – 2025, đại diện EVN cho biết trong năm 2021 dự kiến sẽ cắt giảm khoảng 1,7 tỷ kWh điện từ năng lượng tái tạo bao gồm cả điện gió và điện mặt trời để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện.

Theo ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc A0, chỉ trong 4 tháng đầu năm, A0 đã buộc cắt giảm gần 470 triệu kWh điện năng lượng tái tạo. Trong đó, cắt giảm 447,5 triệu kWh điện mặt trời trang trại, chiếm 13,3% khả năng phát của các nhà máy điện mặt trời và cắt giảm 19,7 triệu kWh điện gió, chiếm khoảng 4,8% khả năng phát của các nhà máy điện gió. 

“Dự kiến trong năm 2021 sẽ cắt giảm khoảng 1,68 tỷ kWh điện năng lượng tái tạo, trong đó, sẽ cắt giảm 1,25 tỷ kWh điện mặt trời trang trại, chiếm khoảng 9% khả năng phát của các nhà máy điện mặt trời và cắt giảm khoảng 430 triệu kWh điện gió, chiếm khoảng 7% khả năng phát của các nhà máy điện gió”, ông Ninh cho biết.

Ông Ninh cho biết có 2 nguyên nhân dẫn đến việc giảm phát năng lượng tái tạo cũng như các nguồn điện khác trong hệ thống điện quốc gia. Thứ nhất, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên phụ tải tăng trưởng rất thấp, thấp hơn so với kế hoạch. Ví dụ như trong 2020 phụ tải chỉ tăng trưởng trên 3%, còn những tháng đầu năm cũng dao động từ 5 - 7%, tức là thấp hơn nhiều so với tăng trưởng phụ tải trong quá khứ.

Nguyên nhân tiếp theo là do sự phát triển rất nhanh của năng lượng tái tạo. Theo đó, năm 2019 có gần 5.000MW điện mặt trời nối lưới, nhưng sang đến năm 2020 lại tiếp tục có thêm gần 5000MW điện mặt trời nối lưới và 7.000 - 8.000MW điện mặt trời áp mái. Nguồn điện tái tạo phát triển quá nhanh dẫn đến “thừa nguồn” tại một số thời điểm như giờ trưa khoảng từ 10h - 14h, nhất là vào các ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ do lúc này phụ tải xuống thấp nhưng bức xạ mặt trời lại tốt nhất trong ngày.

“Trường hợp hệ thống điện dư thừa công suất đang phát lên hệ thống so với phụ tải tiêu thụ là tình huống nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, an ninh của hệ thống điện vì có thể khiến tần số hệ thống điện tăng cao, thậm chí gây sự cố lan tràn trên toàn hệ thống điện quốc gia nếu không có ngay các mệnh lệnh điều độ chuẩn xác, được thực hiện kịp thời và các giải pháp khẩn cấp khác”, đại diện EVN đánh giá.

Vì vậy, để đảm bảo an ninh, an toàn trong vận hành hệ thống điện, A0 không thể huy động toàn bộ công suất khả dụng của nguồn điện, trong đó có cả các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời vào các giờ phụ tải thấp điểm vào buổi trưa, các ngày nghỉ cuối tuần hoặc các dịp lễ, tết.

Chia sẻ với VTC News, đại diện EVN cho biết, việc cắt giảm các loại hình phát điện (bao gồm cả năng lượng tái tạo) trong một số thời điểm là điều bắt buộc, để duy trì hệ thống điện vận hành an toàn và ổn định.

Tuy vậy, theo đại diện EVN, cùng với việc khôi phục lại hoạt động sản xuất sau giãn cách xã hội tại các địa phương, việc giảm phát điện từ các nguồn năng lượng tái tạo đã giảm dần.

“Tới đây, khi các hoạt động sản xuất trở lại bình thường, việc huy động nguồn điện sẽ tương ứng với mức tiêu thụ điện khôi phục trở lại”, đại diện EVN thông tin.

Thế giới đau đầu vì thiếu điện

Nhiều nước trên thế giới đang bị rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng nghiêm trọng. Trong đó nổi bật là tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng thiếu điện của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bùng phát từ tháng 9 và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt.

Ở miền Bắc Trung Quốc, tình trạng mất điện đột ngột khiến đèn giao thông ngừng hoạt động và gây ùn tắc nghiêm trọng. Thậm chí, nhiều thành phố phải tắt thang máy để tiết kiệm năng lượng.

Trong khi đó ở phía Nam, các nhà máy bị cắt điện liên tục. Các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng như dệt may và nhựa phải đối mặt với việc “khoán” dùng điện nghiêm ngặt nhất.

Các biện pháp thắt chặt sử dụng điện được Trung Quốc áp dụng nhằm cải thiện tình trạng thiếu điện vẫn thường xảy ra vào những mùa cao điểm. Tuy nhiên, trong gánh nặng thiếu than (than nhập khẩu và khai thác đều bị giảm do COVID-19), giá nhiên liệu cao và nhu cầu công nghiệp tăng mạnh thời kỳ tái mở cửa, việc thiếu điện đã trở thành một cuộc khủng hoảng. Nước này đã phải hạn chế việc sử dụng điện ở 17 trong khoảng 30 tỉnh thành trên cả nước từ tháng 9, khiến nhiều nhà máy phải ngừng sản xuất và làm gián đoạn các chuỗi cung ứng.

Nghịch lý thế giới khủng hoảng thiếu điện, Việt Nam ế đầy - 2

Một nhà máy nhiệt điện của Trung Quốc ở tỉnh An Huy. (Ảnh: VNN)

Khi “công xưởng của thế giới” đình trệ, nguồn cung một số mặt hàng toàn cầu cũng ngay lập tức bị ảnh hưởng. Chịu tác động đầu tiên là các hãng công nghệ như Apple hay Tesla. Toyota thông báo hoạt động sản xuất tại Trung Quốc cũng đã bị gián đoạn. Các chuyên gia dự báo nếu ảnh hưởng tác động đến các sản phẩm xuất khẩu nhiều hơn, ảnh hưởng từ chuỗi cung ứng tại Trung Quốc có thể lan rộng ra thế giới.

Tại châu Âu, cuộc khủng hoảng năng lượng cũng đang gây ra hàng loạt nguy cơ kinh tế cũng như địa chính trị.

Giá khí đốt tự nhiên những tháng gần đây ở châu Âu tăng vọt (600%) khi nhu cầu tăng – bắt nguồn từ việc các nền kinh tế tái mở cửa sau COVID-19. Bên cạnh đó, sau mùa đông dài lạnh cực đoan năm 2020, châu Âu không còn nhiều khí đốt dự trữ. Những diễn biến thời tiết, trục trặc tại các nhà máy sản xuất khí đốt toàn thế giới và giao dịch đầu cơ trên thị trường EU càng làm khủng hoảng thêm trầm trọng.

Việc chuyển đổi sang các dạng năng lượng tái tạo để giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu cũng không được kỳ vọng nhiều khi mà các dạng năng lượng này được cho là không ổn định và thiếu đầu tư.

Kết quả, các nước thúc giục những nhà cung cấp khí đốt như Nga, Na Uy tăng nguồn cung. Nhưng sự cạnh tranh gia tăng khi nhu cầu ở cả châu Á và châu Âu đều lớn.

Hiện, cuộc khủng hoảng này đang đe dọa tới các chuỗi cung ứng vốn đã chịu căng thẳng trên toàn cầu, khuấy động căng thẳng địa chính trị và các nhà phân tích lo ngại tình trạng thiếu hụt năng lượng và giá cao trên toàn thế giới sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phục hồi kinh tế của các nước.

Lê A - Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp