Khi thị trường chứng khoán bùng nổ, hàng loạt cổ phiếu tăng giá với tốc độ phi mã. Trong đó, ngân hàng được xem hàng “hàng nóng” và được đánh giá là “cổ phiếu vua”. Vì vậy, hàng loạt đại gia đổ xô vào ngân hàng. Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng không phải ngoại lệ.
Mua đắt
Giống nhiều đại gia khác như Đặng Thành Tâm, Sabeco đã rót hàng trăm tỷ đồng vào ngân hàng và một số công ty tài chính. Trong đó, Sabeco rót nhiều vốn nhất vào ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB).
Với việc chi ra 216,6 tỷ đồng, Sabeco nắm giữ 3,1% vốn tại OCB. Và Sabeco không hề mua rẻ cổ phiếu OCB. Khi đầu tư vào ngân hàng Phương Đông, Sabeco phải mua vào cổ phiếu OCB với giá bình quân khoảng 22.700 đồng/CP. Mệnh giá cổ phiếu là 10.000 đồng.
Là đơn vị lớn hơn nên ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank) có sức hấp dẫn hơn. Vì vậy, Sabeco sẵn sàng rộng tay hơn để trở thành cổ đông tại Đông Á. Sabeco đã chi 136,3 tỷ đồng để sở hữu gần 5 triệu cổ phiếu Đông Á. Bình quân, mỗi cổ phiếu Đông Á mà Sabeco mua vào có giá 28.800 đồng.
Rẻ nhất trong danh mục “hàng nóng” của Sabeco phải kể đến cổ phiếu EIB của ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Dù vậy, Sabeco vẫn phải mua EIB trên mệnh giá với giá bình quân 11.140 đồng/CP.
Ngoài ra, tại thời điểm cuối năm 2013, Sabeco được ghi nhận còn đầu tư vào nhiều công ty tài chính khác như Tập đoàn Bảo Việt (26 tỷ đồng), Bảo hiểm dầu khí (51,5 tỷ đồng), công ty chứng khoán Đại Việt (45 tỷ đồng).
Danh mục còn được kéo dài thêm với hàng trăm tỷ đồng được chi ra. Sabeco đầu tư 100 tỷ đồng vào trái phiếu BIDV và 150 tỷ đồng tại Agribank. Tới cuối quý 2/2016, khoản đầu tư trái phiếu 150 tỷ đồng vào BIDV đã không còn.
Ngoài ra, Sabeco rót thêm 125 tỷ đồng cho Vietfund, 53,6 tỷ đồng cho quỹ đầu tư chứng khoán Sài Gòn A2. Tuy nhiên, tới cuối năm 2014, hai khoản đầu tư tại Vietfund và quỹ đầu tư chứng khoán Sài Gòn A2 không còn được ghi nhận.
Bán rẻ
Thực hiện yêu cầu phải thoái vốn ngoài ngành ở những doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ, Sabeco đã bán thành công nhiều cổ phiếu ngành tài chính. Tuy nhiên, ông lớn ngành đồ uống vẫn mặc kẹt với cổ phiếu ngân hàng – “hàng nóng” một thời dù đã rao bán với giá rẻ.
Cuối năm 2016, Sabeco chào bán toàn bộ cổ phần của mình tại Eximbank với giá thỏa thuận. Đợt chào bán này đã không thành công khi Eximbank gặp quá nhiều lùm xùm. Cho tới nay, Eximbank vẫn chưa thoát được khỏi khó khăn.
Vì Eximbank dính nhiều sai phạm nên cổ phiếu EIB bị đưa vào diện cảnh báo. Với giá đóng cửa 10.400 đồng/CP trong phiên 12/9 của EIB, Sabeco khó có thể thoái vốn khỏi Eximbank với giá mua ban đầu.
Trong đợt chào bán EIB, Sabeco không để lộ giá thì trong đợt chào bán cổ phiếu OCB, Sabeco chấp nhận bán giá siêu rẻ. Trong hồ sơ đăng ký chào bán toàn bộ cổ phần tại OCB, Sabeco đưa ra mức giá thấp hơn mệnh giá, chỉ 9.200 đồng/CP.
Nếu bán hết hơn 10,49 triệu cổ phiếu này, Sabeco dự tính chỉ thu về tối thiểu 96,53 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với giá gốc. Trong khi đó, Sabeco đã phải chi ra gần 217 tỷ đồng để mua số cổ phiếu này.
Tuy nhiên, dù chấp nhận lỗ vốn nhưng Sabeco vẫn không thể thoái vốn khỏi OCB thành công. 9.200 đồng/CP là mức giá lỗ nặng của Sabeco nhưng so với thị giá của OCB, 9.200 vẫn rất đắt. Hiện tại, trên thị trường OTC giá giao dịch OCB dao động từ 4.000 đồng/CP tới 5.100 đồng/CP.
Nếu bán theo thị giá hiện tại của OCB, Sabeco chỉ thu về gần 54 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với số vốn đầu tư gần 217 tỷ đồng bỏ ra ban đầu.
Trong khi đó, thoái vốn khỏi DongA Bank cũng trở thành nhiệm vụ bất khả thi với Sabeco khi gần đây ngân hàng này liên tục dính phốt. DongABank đang bị đặt trong diện “kiểm soát đặc biệt”. Hoạt động kinh doanh của ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, hiện tại, Sabeco phải “treo” hàng trăm tỷ đồng để trích lập dự phòng cho những khoản đầu tư kém hiệu quả này. Trích lập tại OCB và DongA Bank lần lượt là 159 tỷ đồng, 111 tỷ đồng. Eximbank không trích lập dự phòng ở Eximbank.
Bình luận