• Zalo

Nghịch lý ở Việt Nam: Lương tối thiểu tăng ‘thả phanh’, năng suất lao động vẫn chậm như ‘rùa bò’

Kinh tếThứ Năm, 14/09/2017 07:53:00 +07:00Google News

Báo cáo khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy, trong hơn 10 năm (2004 – 2015), lương tối thiểu của Việt Nam tăng gấp 2 lần, trong khi năng suất lao động không được cải thiện đáng kể, gần như vẫn dậm chân tại chỗ.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Văn phòng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa tổ chức hội thảo "Tiền lương và Năng suất Lao động ở Việt Nam” nhằm công bố kết quả nghiên cứu về các xu hướng gần đây của lương tối thiểu, lương trung bình và năng suất lao động, và các tác động của tăng lương tối thiểu tới hành vi của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Video: Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành: 'Ô tô giá rẻ khó thành hiện thực với người Việt'

Theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, Việt Nam đã chứng kiến mức tăng lương tối thiểu tương đối nhanh trong những năm qua. Lương tối thiểu tăng ở mức trung bình hằng năm đạt 2 con số trong giai đoạn 2007-2015, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người và chỉ số giá tiêu dùng.

Cũng trong giai đoạn này, tốc độ tăng lương tối thiểu cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Cụ thể, tỷ lệ lương tối thiểu trên năng suất lao động tăng nhanh, từ 25% năm 2007 đạt mức 50% năm 2015. Xu hướng này không giống như các quốc gia khác như Trung Quốc, Indonesia hay Thái Lan. Khoảng cách giữa tăng trưởng lương tối thiểu và tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam đã dãn rộng nhanh hơn so với các quốc gia khác.

vepr1

 Theo báo cáo khảo sát của nhóm nghiên cứu, lương tối thiểu ở Việt Nam tăng nhanh qua các năm nhưng năng suất lao động thì không được cải thiện đáng kể.

“Lương tối thiểu Việt Nam tăng nhanh hơn cả Trung Quốc. Lương tối thiểu tăng nhanh đã gây sức ép lên doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là lương tối thiểu tăng phải đi liền với tăng năng suất lao động, song năng suất lao động ở Việt Nam vẫn không được cải thiện”, TS Thành nói.

TS Nguyễn Đức Thành phân tích: “Lập luận lương tối thiểu tăng để thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người lao động là cách lập luận thô sơ. Xu thế chung hiện này là các doanh nghiệp có khuynh hướng cắt bỏ bớt lao động và nhiều doanh nghiệp không tuân thủ lương tối thiểu.

Còn doanh nghiệp chấp nhận tăng lương tối thiểu thì họ sẽ cắt giảm việc làm. Lương tối thiểu không có ý nghĩa bảo vệ người lao động mà trái lại còn tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp và người lao động”.

“Tăng lương tối thiểu ở Việt Nam mang nhiều yếu tố ý chí chính trị hơn là kinh tế. Không nên coi lương tối thiểu là công cụ bảo trợ thuần túy. Nên chuyển lương tối thiểu tính theo giờ thay vì theo tháng sẽ công bằng hơn.

Ngoài ra còn phải dựa trên nguyên tắc đặt ra lương tối thiểu phải đặt vào minh bạch, công khai, có cơ sở khoa học”, TS Thành nhìn nhận.

TS Nguyễn Tiến Dũng (VEPR) nêu thực trạng: “Hiện nay có hơn 60% lao động làm công ăn lương (khoảng 16 triệu người) đã không được bảo vệ bởi quy định tiền lương tối thiểu và bảo hiểm. Đối với lao động làm thuê hộ gia đình và cá thể, theo điều tra thì có gần 1/3 lao động nhận lương dưới mức lương tối thiểu. Điều này phản ánh lương tối thiểu được áp dụng cho các đối tượng thiếu sự đồng đều”.

Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), TS Futoshi Yamauchi - chuyên gia kinh tế cao cấp nhận xét: Lương tối thiểu tăng cao sẽ tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp với nhiều mức độ khác nhau. Doanh nghiệp có cường độ vốn cao thì đầu tư của họ giảm khi lương tối thiểu tăng. Nhìn chung, những tác động đến thị trường lao động cũng như hoạt động của doanh nghiệp đều theo xu hướng tiêu cực nhiều hơn.

Khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy, từ năm 2007 đến 2015, lương trung bình tại Việt Nam tăng 1,5 lần (mức tăng là 2 lần trong giai đoạn 2004-2015). Lương trung bình tăng nhanh đến năm 2010 nhưng chậm lại đáng kể trong giai đoạn 2010-2014, phần nào phản ánh sự suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Năm 2017, chi phí tối thiểu các doanh nghiệp tại Việt Nam phải gánh chịu, được tính bằng tổng lương tối thiểu và đóng góp vào các khoản bảo hiểm (bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp) gần chạm mức chi phí tại Thái Lan, và cao hơn mức chi phí tại Indonesia.

Báo cáo của nhóm nghiên cứu cũng cho thấy trong trường hợp những lợi ích từ các khoản đóng góp này không được nhìn nhận bởi người lao động, khoản đóng góp bảo hiểm khá lớn ở Việt Nam có thể tạo ra những “khoảng trống thuế” giữa chi phí lao động mà doanh nghiệp phải gánh chịu với khoản thu nhập thực tế của người lao động.

Cũng theo nghiên cứu của VEPR, trong giai đoạn 2004-2015, năng suất lao động của Việt Nam tăng đáng kể với mức tăng trung bình đạt 4,4%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng bình quân của lương (5,8%) vượt tốc độ tăng năng suất lao động. Theo tính toán từ bộ số liệu Điều tra doanh nghiệp, trong giai đoạn 2004-2009, lương trung bình tăng chậm hơn năng suất lao động. Tuy nhiên từ năm 2009, tốc độ tăng lương trung bình vượt tốc độ tăng năng suất lao động.

Mức chênh lệch giữa tăng trưởng năng suất lao động với lương tối thiểu và lương trung bình, nếu kéo dài, sẽ từ từ phá vỡ cân bằng trên nhiều khía cạnh của nền kinh tế, đặc biệt là cản trở tích lũy vốn con người, giảm động lực của nhà đầu tư, lợi nhuận của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Lưu Thủy
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn