• Zalo

Nghịch lý ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp vẫn khó vay: Chuyên gia phân tích nguyên nhân

Tài chínhThứ Tư, 05/07/2023 08:54:00 +07:00Google News
(VTC News) -

NHNN khẳng định ngân hàng còn nhiều dư địa để cho vay vốn, nhưng trên thực tế, phần lớn doanh nghiệp rất khó tiếp cận, phần còn lại thì không mặn mà vay.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ 4/7, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú thông tin, ngay từ đầu năm xác định tỷ lệ tăng trưởng tín dụng từ 14 đến 15%. Thống kê cho thấy, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay mới đạt hơn 4%. "Như vậy còn rất nhiều dư địa để các ngân hàng thực hiện cho vay", ông Tú khẳng định.

Lý giải về nguyên nhân tăng trưởng tín dụng chậm, theo ông Tú, do tình hình nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng đang thấp. Khi cầu đầu tư và cầu tiêu dùng thấp thì cầu tín dụng không thể cao được. Bên cạnh đó, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn như tồn kho nhiều, ít đơn hàng, khó khăn trong xuất khẩu. Ngoài ra, thị trường bất động sản cũng chưa thực sự sôi động, nhiều dự án chưa thể triển khai.

Với doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện cũng đang rất khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng. Trước đây, năng lực, khả năng tài chính cũng như nhiều tiêu chí khác để đáp ứng vay vốn đã rất khó thì hiện nay càng khó khăn hơn. 

Ông Đào Minh Tú cũng nêu thực tế hiện nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh được điều kiện trả nợ. Nguyên tắc của ngân hàng là muốn vay phải chứng minh được khả năng trả nợ. Ngược lại, cũng có những doanh nghiệp mời chào vay nhưng lại không có nhu cầu vay (nhu cầu sản xuất, đầu tư, tiêu dùng đang thấp).

"Đây là những nguyên nhân khiến tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ở mức thấp trong 6 tháng đầu năm", ông Tú nhấn mạnh.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/7.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/7.

Trong khi đó, TS Nguyễn Minh Phong cũng phân tích với VTC News 3 nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp khó vay vốn ngân hàng dù dư địa cho vay của ngân hàng lớn.

Thứ nhất, thời gian gần đây ngân hàng đã giảm lãi suất nhưng thực tế mới chỉ giảm hai lãi suất điều kiện, tức là lãi suất điều hành và lãi suất huy động, còn lãi suất cho vay giảm chưa đáng kể. Lãi suất cho vay thực tế vẫn còn cao cho nên động lực vay của các doanh nghiệp chưa có, nhu cầu vay rất hạn chế, trừ trường hợp đặc biệt.

Thứ hai, điều kiện vay cũng chưa điều chỉnh nhiều dù ngân hàng đã cơ cấu lại nợ, bổ sung các khoản vay tín chấp, nhưng về cơ bản các điều kiện vay vẫn như thế vì bản thân các ngân hàng cũng phải lo xa khi dự báo nợ xấu đang có nguy cơ tăng lên, ngân hàng không muốn giải ngân ồ ạt.

Thứ ba, bản thân các doanh nghiệp có nhu cầu vay cũng chưa thực sự cao và cần thiết vì các hợp đồng không có nhiều, nhất là các doanh nghiệp gia công, trong khi đó thị trường bất động sản, chứng khoán chưa nóng.

"Doanh nghiệp kêu khó tiếp cận vốn vay, nhưng phía NHNN nhận định rất đúng về khả năng hấp thụ vốn rất thấp, nhu cầu dừng vốn chưa lớn vì các doanh nghiệp xuất khẩu đơn hàng giảm rất mạnh, từ 50 - 70%, nhất là các ngành về gia dầy, dệt may, đồ gỗ", TS Nguyễn Minh Phong nhận định.

Vì sao lãi suất cho vay vẫn cao?

Trả lời VTC News câu hỏi vì sao lãi suất huy động đã liên tục giảm nhưng lãi suất cho vay vẫn chậm giảm và neo cao, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, trên thực tế cả lãi suất huy động và cho vay của ngân hàng đã giảm khoảng 1,4 - 2,6% so với đầu năm. Tuy mức giảm này chưa như mong đợi của người dân, doanh nghiệp nhưng thực tế để giảm lãi suất thì các ngân hàng cũng phải căn cứ vào lãi suất huy động, chi phí vốn, tình hình nợ xấu, khả năng trích lập dự phòng. Ngân hàng cần phải cấn trừ cả đầu vào, đầu ra, những chi phí khác để đánh giá chênh lệch.

“Tất nhiên doanh nghiệp muốn giảm lãi suất cho vay nhưng chính sách phải có đỗ trễ nhất định để cân đối giữa lãi suất huy động đến lãi suất cho vay. Ngân hàng ký hợp đồng huy động vốn với khách là có kỳ hạn nên lãi suất cho vay không thể nói giảm là giảm ngay được. Hơn nữa, lãi suất huy động cũng không thể giảm quá nhanh và quá sâu, bởi nếu thế thì người dân sẽ chọn kênh đầu tư hoặc cách giữ tiền khác. Do đó, lãi suất cho vay cũng phải cân đối theo”, TS Cấn Văn Lực nói.

Theo TS Lực, hệ thống ngân hàng không thiếu tiền để cho vay, nhất là quý III và quý IV/2023, nhưng phải cân đối nhiều vấn đề. Hiện nay các ngân hàng đã giảm cả lãi suất huy động và cho vay tùy thuộc từng doanh nghiệp, lĩnh vực, dự án và mức độ rủi ro.

“Trong tài chính, nếu rủi ro cao thì lãi suất sẽ cao hơn. Và mức vay trung, dài hạn thường lãi suất cao hơn so với ngắn hạn”, ông Lực nói.

Các doanh nghiệp vẫn than rất khó tiếp cận vốn ngân hàng. (Ảnh minh họa)

Các doanh nghiệp vẫn than rất khó tiếp cận vốn ngân hàng. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, chia sẻ trên talkshow Phố Tài chính, ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Phân tích, Maybank Investment Bank, nhận định, một nguyên nhân khiến lãi suất cho vay "bị kẹt" là do nguồn vốn huy động lãi suất cao ở giai đoạn 3 - 4 tháng trước vẫn còn ảnh hưởng đến chi phí vốn của ngân hàng. 

Theo quan điểm của chúng tôi, chúng ta sẽ mất khoảng 3 - 4 tháng để có thể nhìn thấy tác động của việc cắt giảm lãi suất điều hành lan qua lãi suất cho vay. Để lãi suất cho vay trở lại mức bình thường, khỏe mạnh cho nền kinh tế thì phải giảm đâu đó khoảng 1,5% so với mức hiện tại. Như vậy, lãi suất điều hành của Việt Nam vẫn có thể giảm ít nhất là 0,5% nữa trong thời gian tới”, ông Thành chia sẻ. 

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, từ đầu năm đến nay NHNN đã 4 lần hạ lãi suất từ 0,5 đến 2% cho những mức lãi suất điều hành của mình.

"Đến hết tháng 6 vừa qua thì lãi suất huy động giảm từ 0,7 đến 0,8%, lãi suất cho vay bình quân đã giảm từ 1 đến 2%", ông Tú nêu rõ.

Theo ông Đào Minh Tú, lãi suất cho vay theo nghiệp vụ thị trường mở hiện nay chỉ có 4%; cho vay OMO hoặc cho vay để bù đắp thiếu hụt trong thanh toán tạm thời của các ngân hàng thương mại - cho vay qua đêm chỉ có 5%. Cũng theo ông Tú, cho vay thông qua thị trường liên ngân hàng - qua đêm chỉ có 0,4% đến 1%, rất thấp; cho vay một tuần từ 0,8 đến 1,5%; một tháng từ 3 đến 3,2%…

"Mức cho vay giữa các ngân hàng với nhau qua thị trường liên ngân hàng cũng rất thấp. Nhìn chung lãi suất đang giảm tích cực kể cả lãi suất điều hành cũng như lãi suất cho vay", ông Tú nhấn mạnh.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn