Tờ báo Nhật Bản Sekai Nippo dẫn nguồn tin cho rằng Triều Tiên có thể đang bí mật chế tạo tàu ngầm nguyên tử. Nếu là sự thật thì điều này là bước tiến lớn đối với hải quân Triều Tiên, lực lượng được cho là đang sở hữu hạm đội gồm từ 50 đến 60 tàu ngầm diesel-điện.
Nguồn tin của Sekai Nippo cũng cho rằng Triều Tiên nhận được sự giúp đỡ của các chuyên gia và kỹ thuật viên đến từ Nga và Trung Quốc. Những chuyên gia và kỹ thuật viên này được cho là đang có mặt tại Xưởng đóng tàu Nampo của Triều Tiên.
Tàu ngầm nguyên tử khó chế tạo hơn và đắt hơn nhiều so với tàu ngầm diesel-điện thông thường, song tàu ngầm nguyên tử lại có tốc độ cao hơn, mạnh hơn, linh hoạt hơn và có thời gian hoạt động dưới nước lâu hơn do chúng không cần phải nổi lên để tiếp nhiên liệu trong thời gian dài.
Thông thường, tàu ngầm nguyên tử được trang bị tên lửa đạn đạo, nhờ đó chúng có thể giúp tăng cường đáng kể năng lực tác chiến của một quốc gia. Các tên lửa đạn đạo được phóng từ tàu ngầm nguyên tử khó dự đoán hơn nhiều so với tên lửa được phóng từ các ống phóng cố định hoặc bệ phóng di động trên mặt đất hoặc mặt biển.
Các chuyên gia cho rằng đây là lý do Triều Tiên muốn chế tạo tàu ngầm hạt nhân, bên cạnh đó trong những năm gần đây Bình Nhưỡng đã đẩy mạnh chương trình phát triển tên lửa của mình và đạt được một số thành tựu đáng chú ý.
Trong biên chế của hải quân Mỹ, lực lượng tàu ngầm nguyên tử với tên lửa đạn đạo là một thành tố của Tam giác hạt nhân, cho phép Mỹ đáp trả khi bị tấn công hạt nhân bất ngờ bởi lẽ việc tìm kiếm và tiêu diệt toàn bộ tàu ngầm nguyên tử kiểu này trước khi chúng phóng tên lửa là điều bất khả thi.
Video: Triều Tiên công bố hình ảnh phóng tên lửa đạn đạo bay qua Nhật Bản
Từ năm 2014, Triều Tiên đã 6 lần thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Pukguksong-1. Một khi tên lửa này hoàn thiện và được trang bị cho tàu ngầm nguyên tử, tàu ngầm này có thể di chuyển ra vùng biển quốc tế và tên lửa được phóng từ tàu ngầm kể trên gần như không thể đánh chặn được. Tên lửa Pukguksong-1 được cho là có thể trang bị đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ.
Quân đội Mỹ đã theo dõi chặt chẽ hải quân Triều Tiên khi nhận thông tin cho rằng Triều Tiên chuẩn bị thử nghiệm tên lửa Pukguksong-1 vào tháng 8/2017, tuy nhiên điều này không xảy ra. Thông tin này đến từ Viện nghiên cứu 38 độ Bắc, thông qua việc phân tích hình ảnh vệ tinh, viện nghiên cứu này cho rằng Triều Tiên đã thiết lập khu thử nghiệm SLBM tại Nampo.
Mặc dù Triều Tiên hiện tại đang phải chịu cấm vận nặng nề, song Bình Nhưỡng vẫn không nhượng bộ. “Những động thái gia tăng của Mỹ và các đồng minh nhằm áp đặt lệnh trừng phạt và gây áp lực lên Triều Tiên sẽ chỉ làm tăng tốc độ của chúng ta trong con đường trở thành quốc gia hạt nhân”, KCNA tuyên bố ngày 18/9.
Bình luận