Mùa thi THPT quốc gia 2019 đang đến gần, nhưng đến nay, hậu quả từ việc gian lận trong kỳ thi năm 2018 vẫn chưa được giải quyết triệt để. Những số điểm nâng khống để biến các thí sinh từ chỗ có mức điểm rất thấp trở thành thủ khoa một số trường đại học danh giá khiến dư luận bàng hoàng, bức xúc.
Đáng chú ý, theo danh sách mới được công bố, có rất nhiều phụ huynh liên quan đến gian lận thi cử là cán bộ, lãnh đạo sở, ban ngành địa phương.
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, vụ gian lận thu cử này quá lớn, có thể coi như một hiện tượng tham nhũng. Hậu quả không chỉ với những người liên quan, mà còn tác động đến nhiều vấn đề xã hội, làm mất uy tín ngành giáo dục, khiến hàng trăm học sinh xứng đáng bị mất đi cơ hội. Nói không quá, nhưng nó còn có thể khiến giáo dục Việt Nam mất uy tín với các nước trên thế giới.
Theo GS Phạm Tất Dong, cần nhanh chóng giải quyết triệt để những cá nhân, cơ quan sai phạm: “Dư luận đang hết sức bức xúc. Cách duy nhất là Bộ GD-ĐT cần xử lý nghiêm sai phạm. Đây cũng được coi là một mặt trận chống tham nhũng, chống những sai trái, tiêu cực ảnh hưởng lớn đến quốc gia, không thể có vùng cấm trong xử lý. Dù cán bộ nào, to đến đâu, nhưng nếu có liên quan đều cần điều tra, làm rõ, kỷ luật để không bỏ sót".
"Quyền lực là sức mạnh vô hình, tôi thấy có lãnh đạo khi có con được nâng điểm thì nói không biết tại sao con mình được nâng, hay không chỉ đạo ai đó lại nâng điểm cho con mình. Nhưng thực tế, đôi khi các “sếp” chỉ cần nói nhẹ rằng năm nay con tớ đi thi, thì cấp dưới đã phải tự hiểu rằng cần ưu tiên, chú ý cho cháu nào, con ai. Phụ huynh thừa biết lực học của con mình đến đâu”, ông Dong nói.
Dù cán bộ nào, to đến đâu, nhưng nếu có liên quan đều cần điều tra, làm rõ, kỷ luật để không bỏ sót.
GS Phạm Tất Dong
Đặc biệt, khi danh sách các phụ huynh có con được nâng điểm dần hé lộ, hàng loạt các lãnh đạo, quan chức địa phương được nhắc đến, nhưng đến nay, vẫn hoàn toàn chưa công bố danh tính cụ thể. GS Dong đặt câu hỏi: “Có gì ngại, khi nêu tên cán bộ sai phạm"?
GS Phạm Tất Dong cho rằng, xưa nay các kỳ thi đại học, sau đó đến thi THPT quốc gia vẫn được cho là tổ chức rất nghiêm ngặt, thí sinh vô tình hay cố ý mang điện thoại vào phòng thi, nếu bị phát hiện đều bị đuổi khỏi phòng thi. Chỉ cần phát hiện có tài liệu, dù chưa sử dụng cũng bị dừng thi môn đó. Như vậy không có lý do gì những sai phạm “tày trời” lại được giải quyết xuê xoa.
"Với những thí sinh sai phạm, các trường đại học đã buộc thôi học, tôi cho rằng điều này cần làm. Các em vẫn có cơ hội thi lại nếu như biết thay đổi. Bố mẹ các em làm sai càng phải chịu trách nhiệm, nếu là quan chức thì càng phải gương mẫu. Từ sự không công bằng đó mà ảnh hưởng đến toàn xã hội chứ không chỉ một vài người. Biết đâu đó bằng một cách nào đó, những thí sinh không xứng đáng, không có đủ năng lực này lại lên làm lãnh đạo”, GS Phạm Tất Dong lo ngại.
Để “hạ nhiệt” dư luận xã hội, vị GS cho rằng, trước hết, những người lãnh đạo ngành giáo dục, từ trung ương đến địa phương mà nhất là những tỉnh có gian lận điểm thi phải đứng ra xin lỗi nhân dân. Thậm chí, cán bộ có liên quan gian lận này có thể thẳng thắn xin từ chức.
Cùng chung quan điểm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, nếu quan chức địa phương nâng điểm cho con em thì lại càng phải xử lý nghiêm hơn nữa. Họ là những người biết luật, thực hành luật nhưng lại cố tình làm sai.
Do đó, Bộ GD-ĐT không chỉ cần công khai danh tính, chức vụ của phụ huynh mà còn cần xem xét xử lý hình sự tùy theo từng trường hợp cụ thể. Hơn hết, chỉ khi xử lý đến nơi đến chốn những sai phạm này, ngành giáo dục mới lấy lại được niềm tin và uy tín khi kỳ thi THPT quốc gia 2019 đang cận kề.
“Bộ GD-ĐT cũng đã có những biện pháp, nhưng theo tôi cần làm chặt hơn nữa. Bộ cần nhìn thẳng, xử lý những sai phạm và lấp đầy những lỗ hổng bộc lộ trong kỳ thi năm 2018. Khâu nào có vấn đề cần thay đổi, cán bộ nào sai phạm cần sa thải lập tức”, PGS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.
Bình luận