• Zalo

Nghi vấn phi hành gia trên ISS khoan thủng tàu vũ trụ để sớm được về Trái đất

Khoa học - Công nghệ Thứ Năm, 06/09/2018 14:04:00 +07:00Google News

Lỗ hổng được phát hiện trên Trạm vũ trụ Quốc tế ISS bị nghi ngờ do một phi hành gia cố tình tạo sự cố để sớm được về Trái đất.

Hôm 29/8, các nhân viên điều khiển bay trên mặt đất ở Houston (Mỹ) và Matxcơva (Nga) phát hiện các cảm biến ghi nhận áp suất không khí bên trong trạm vũ trụ ISS đang giảm dần. Các phi hành gia sau đó xác nhận lỗ thủng với đường kính 2 mm ở phần trên của tàu vũ trụ Soyuz MS-09 đang gắn với module Rassvet của Nga là nguyên nhân gây ra sự cố. 

Các nhà khoa học ban đầu cho rằng đó có thể là hậu quả từ một vụ va chạm giữa trạm ISS với một thiên thạch siêu nhỏ nào đó. Tuy nhiên, các chuyên gia tới từ cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos sau khi kiểm tra đã khẩng định đây chính xác là lỗ khoan chứ không phải vết thủng ngẫu nhiên. 

DmL_1ziXcAQ4uC6

 Lỗ hổng có đường kính 2 mm ở phần trên của tàu vũ trụ Soyuz MS-09. (Ảnh: NASA)

Người đứng đầu Roscosmos, ông Dmitry Rogozin cho biết không loại trừ khả năng đây là một âm mưu phá hoại của một phi hành gia nào đó có vấn đề về tâm lý hoặc mong sớm được trở về Trái đất. 

"Đây có thể là do lỗi sản xuất hoặc là một hành động cố ý. Chúng tôi đang kiểm tra lại phiên bản mặt đất. Nhưng không loại trừ khả năng một ai đó đã can thiệp có chủ đích trong không gian", ông này nói. 

"Chúng tôi đều là con người và bất cứ ai cũng muốn về nhà, nhưng phương pháp này là hành động phá hoại", cựu phi hành gia người Nga Maxim Surayev chia sẻ, đề cập tới khả năng một đồng nghiệp có thể đã dùng khoan để tạo lỗ thủng. 

Theo Telegraph, nếu lỗ hổng không được phát hiện, các phi hành gia có thể sẽ cạn kiệt khí oxy trong vòng 18 ngày. Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga cho biết đã lập một ủy ban để làm rõ vụ việc, tìm ra thủ phạm nếu giả thiết đưa ra là chính xác.

"Đây là vấn đề danh dự của Energiya, công ty chế tạo tàu vũ trụ Soyuz", ông Rogozin nhấn mạnh. 

Video: NASA phóng thành công tàu vũ trụ tiếp cận Mặt trời ở khoảng cách chưa từng có

Phân tích vụ viêc, Alexander Zheleznyakov, một kỹ sư không gian Nga cho rằng khả năng sử dụng khoan ở vị trí xuất hiện lỗ thủng trong môi trường không trọng lực là gần như bằng 0. Ông nhấn mạnh các phi hành gia không có lý do để làm vậy vì lỗ hổng nằm ở phần sẽ bị tách khỏi tàu Soyuz và không được sử dụng trong quá trình đưa người trở lại Trái đất. 

Trong khi đó, một nguồn tin trong ngành công nghiệp không gian nói với Tass rằng Soyuz MS-09 có thể đã bị hư hại trong quá trình thử nghiệm tại Baikonur ở Kazakhstan. 

"Một người nào đó đã phát hiện nhưng bưng bít sự cố bằng cách bịt lỗ hổng. Tuy nhiên, vật dụng dùng để bịt vết thủng này đã bị rơi ra khi Soyuz kết nối với ISS", nguồn tin này cho hay. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn