Thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên vào ngày 3/9/2017 là thử nghiệm hạt nhân có sức mạnh lớn nhất tính đến nay của nước này, ước tính sức nổ lên tới 160 kiloton, theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Vụ nổ ban đầu đã tạo ra một trận động đất mạnh 6,3 độ richter và một loạt dư chấn, bên cạnh đó được cho là đã khiến một phần hiện trường sụp đổ.
Cơ quan khí tượng Hàn Quốc cho biết, một trận động đất nhỏ 2,8 độ richter được ghi lại ngày 2/1/2019 rất nông, chỉ ở khoảng 12 km dưới mặt đất, với vị trí tại địa điểm cách bãi thử hạt nhân Punggye-ri 11 km về phía Đông. Punggye-ri là cơ sở hạt nhân duy nhất thuộc loại này được biết đến ở Triều Tiên.
Triều Tiên đã tuyên bố đóng cửa bãi thử hạt nhân này vào tháng 5/2018. Bình Nhưỡng khi đó mời các cơ quan truyền thông quốc tế đến một buổi lễ đóng cửa Punggye-ri, tại đây người Triều Tiên phá hủy cổng vào của ít nhất 3 đường hầm sử dụng cho thử nghiệm hạt nhân, các tòa nhà quan sát và một số công trình khác. Dù vậy, theo CNN, không có chuyên gia vũ khí độc lập nào tại sự kiện và vẫn chưa rõ vụ nổ có khiến các đường hầm không còn sử dụng được hay không, hay chỉ tạo ra hư hại hạn chế nhất định.
Một nhà địa chấn tại KMA cho biết hoạt động ghi lại được vào ngày 2/1 gần như chắc chắn là một rung chấn tự nhiên thay vì một vụ nổ do phát hiện sóng địa chấn chứ không phải sóng âm. Bởi vì không có rãnh lỗi nào chạy qua Triều Tiên và trận động đất được ghi lại quá gần Punggye-ri, nhà địa chấn nói có thể giả định trận động đất là do ảnh hưởng từ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6.
Trận động đất diễn ra một ngày sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa trong bài phát biểu đầu năm mới, trong đó ông nhắc lại Triều Tiên sẽ không tạo ra, sử dụng hay phổ biến vũ khí hạt nhân.
Video: Triều Tiên phá hủy bãi thử hạt nhân theo cam kết
Bình luận