• Zalo

Nghi vấn cao tốc Cam Lộ - La Sơn 2 làn xe thiếu an toàn: Bộ GTVT nói gì?

Đầu TưThứ Hai, 19/02/2024 10:53:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đường cao tốc thiết kế 2 làn xe, không có dải phân cách cứng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Thời gian gần đây, liên tiếp những vụ tai nạn thảm khốc xảy ra trên đường cao tốc Cam Lộ- La Sơn. Nhiều tài xế lưu thông trên tuyến cao tốc này cho biết, họ đã chứng kiến nhiều pha bị xe đi ngược chiều lấn làn vượt, sợ đến "rớt tim". 

Liên quan vụ tai nạn thảm khốc hôm 18/2, khiến 3 người chết do tài xế vượt ẩu trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, các tài xế cho rằng một phần nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn trên tuyến cao tốc này còn do đường có địa hình đồi núi, nhiều khúc cua, không có dải phân cách cứng…

Trả lời VTC News về những ý kiến cho rằng đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) thiết kế 2 làn xe, không có dải phân cách cứng là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông ngày 18/2 làm 3 người chết, ông Uông Việt Dũng, người phát ngôn Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, bộ đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu các điểm đường có thiết kế như đoạn đường mới xảy ra vụ tai nạn kể trên để nghiên cứu phương án tổ chức, hạ tầng giao thông xem có vấn đề gì không. Nếu có sẽ tiến hành khắc phục.

"Liên quan đến vụ tai nạn, hiện nay dư luận trên các mạng xã hội cũng phân tích và đánh giá nhiều, thế nhưng để kết luận rõ ràng thì cần phải chờ kết luận từ cơ quan cảnh sát điều tra xem nguyên nhân cụ thể là gì. Còn tất cả thông tin trong tổ chức giao thông trên tuyến đường này đã được công bố, khuyến cáo rất rõ ràng từ trước rồì", ông Dũng nói.

Người phát ngôn Bộ GTVT nhấn mạnh, khi đầu tư xây dựng đường cao tốc, tất cả các phương án tổ chức giao thông đều được áp dụng, thực hiện theo quy định. Không chỉ mới đây, việc rà soát, nghiên cứu nâng cấp các tuyến đường cao tốc 2 làn xe đã được Thủ tướng chỉ đạo từ thời điểm năm ngoái (2023).

"Bộ GTVT cũng đã rà soát và lên kế hoạch để đầu tư hoàn thiện các tuyến cao tốc đó. Tuy nhiên, việc này vẫn phải phụ thuộc vào khả năng cân đối nguồn vốn", ông Uông Việt Dũng thông tin thêm.

Hiện trường vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. (Ảnh minh họa: Bùi Duy Tài)

Hiện trường vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. (Ảnh minh họa: Bùi Duy Tài)

Trước đó, ngày 6/11/2023, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nêu quan điểm đối với phân kỳ đầu tư với các dự án đường cao tốc 2 làn xe, 4 làn xe chưa có làn dừng khẩn cấp liên tục.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn 2021 - 2026, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông. Trong nhiệm kỳ này, Bộ đã dành trên 375 nghìn tỷ để triển khai xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng, chủ yếu là xây đường cao tốc. Tuy nhiên, việc xây dựng đó mới chỉ đạt hơn 70% nhu cầu. Việc đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc trong bối cảnh nguồn lực có hạn là rất khó.

Theo ông Thắng, nhiều nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đều phải thực hiện phân kỳ đầu tư đối với các tuyến đường cao tốc. Vì vậy, trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm các nước, Bộ đã nghiên cứu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để thực hiện phân kỳ đầu tư theo những nguyên tắc để đảm bảo đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh nguồn lực có hạn, nhưng cũng tạo tiền đề và sự thuận lợi trong giai đoạn sau khi có nguồn lực để nâng cấp.

Bộ trưởng GTVT nêu rõ, cần ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh đối với các đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, hiện nhiều đoạn tuyến đã đầu tư hoàn chỉnh như Hà Nội - Hải Phòng, Bến Lức - Long Thành, Phan Thiết - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu.

Nguyên tắc thứ hai là đối với các tuyến nhu cầu vận tải chưa cao thì thực hiện phân kỳ đầu tư. Chỉ phân kỳ đầu tư về bề rộng mặt cắt, còn các yếu tố kỹ thuật để nâng cấp đều phải đảm bảo. Cần thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch.

"Với những nguyên tắc trên, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tham mưu báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét bổ sung danh mục, nguồn vốn tăng thu ngân sách 2022 để mở rộng 2 tuyến đường chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, đề xuất hoàn thiện các đoạn tuyến cao tốc còn lại theo quy hoạch, ưu tiên các tuyến mới có 2 làn xe, có lưu lượng lớn để đảm bảo cả nước có hệ thống đường cao tốc đồng bộ, hiện đại", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Mới đây, sau vụ tai nạn thương tâm làm 3 người chết xảy ra trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) xảy ra ngày 18/2, trên các diễn đàn mạng xã hội, xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng việc tai nạn xảy ra phần lớn do ý thức của người điều khiển phương tiện, nhưng cũng có một phần không nhỏ của việc thiết kế cao tốc 2 làn không có dải phân cách cứng.

Nhiều ý kiến về đường cao tốc hai làn xe đang làm "nóng" mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình)

Nhiều ý kiến về đường cao tốc hai làn xe đang làm "nóng" mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình)

"Ở tuyến đường này, người ta mở những tuyến vượt theo đoạn nhưng nguy hiểm ở chỗ các đoạn vượt kết thúc đột ngột, tài xế rất dễ gặp nguy hiểm khi đoạn đường quay trở về 2 làn như bình thường", tài khoản Ben Nguyễn nhận định.

Mũi tên chỉ dẫn trên đường quá gần điểm thu hẹp, nếu ai đi không quen đường đều bất ngờ ở đoạn này. Nếu có thêm 2 hoặc 3 cái mũi tên chỉ dẫn trên đường ở các đoạn trước đó thì hợp lý hơn”, tài khoản Anh Tuấn viết.

Tài khoản Ngô Xuân Thắng nêu quan điểm: “Tài xế đi ẩu thì đúng rồi. Nhưng trên phương diện quản lý thì mỗi yếu tố bất lợi sẽ làm tăng nguy cơ tai nạn. Cao tốc Cam lộ - La sơn chỉ khác đường quốc lộ là cấm xe 2 bánh. Quy mô thì chưa phải đường cao tốc vì đang là giai đoạn phân kỳ đầu tư do nguồn lực nước ta còn hạn chế. Sắp tới hy vọng Chính phủ sẽ sớm cho mở rộng thành quy mô hoàn chỉnh cho đồng bộ”.

Thành Lâm
Bình luận
vtcnews.vn