Các thành viên của đảng Dân chủ trong Hạ viện Quốc hội Mỹ tuyên bố rằng họ có kế hoạch luận tội Tổng thống Donald Trump sau vụ bê bối được cho là có liên quan đến cuộc điện đàm của ông với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Trước khi nội dung chi tiết về cuộc trò chuyện này được tiết lộ, đảng Dân chủ đã vội vã cáo buộc ông Trump “phong tỏa sự hỗ trợ quân sự” để đưa ra điều kiện với ông Zelensky là phải tiến hành điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden - hạ nghĩ sĩ bang Texas và là thành viên Ủy ban đối ngoại, ông Michael McCaul, viết trên tờ The Wall Street Journal.
Trong khi đó, đoạn băng ghi âm được công bố với sự đồng ý của ông Zelensky cho thấy chẳng có “sự trao đổi” nào cả: ông Trump không hề đề cập đến hỗ trợ quân sự và cũng không nói rằng ông sẽ ngừng cấp các khoản tiền - bài báo nhấn mạnh.
“Các Tổng thống luôn nhận được sự đảm bảo rằng họ có thể nói chuyện một cách riêng tư với các nhà lãnh đạo thế giới khác” - tác giả lưu ý. Lấy ví dụ, ngay từ thời Tổng thống George Washington, ông đã từng bác bỏ yêu cầu của Hạ viện đòi công bố nội dung các cuộc đàm phán nước ngoài của ông, đồng thời khẳng định rằng điều này “sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm” - bởi ông hiểu rõ rằng bản chất của các cuộc đàm phán nước ngoài yêu cầu sự thận trọng, và thành công của chúng “thường phụ thuộc vào yếu tố bí mật” - bài báo cho biết.
Vậy mà, Tổng thống Trump vẫn cư xử “một cách hoàn toàn công khai” trong tình huống này, đồng thời đề nghị gửi kèm tất cả các tài liệu liên quan và thông tin khác cho Quốc hội - The Wall Street Journal viết. Tuy nhiên, ngay cả trước khi số tài liệu này được đệ trình, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi, đưa ra tuyên bố rằng Tổng thống Mỹ phạm “một tội danh đặc biệt nghiêm trọng và có hành vi xứng đáng chịu trừng phạt”.
Một “cuộc tấn công có chủ đích” nhằm vào Tổng thống như vậy có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc cho chính sách đối ngoại của Mỹ, cũng như “làm suy yếu niềm tin của các nhà lãnh đạo thế giới về việc họ có thể nói chuyện thoải mái và cởi mở với các Tổng thống Mỹ” - tác giả cảnh báo.
Kết quả là, cuộc khủng hoảng do đảng Dân chủ phát động hiện đã bao trùm toàn bộ Quốc hội – và hơn ai hết, ông Vladimir Putin là người hài lòng nhất - bài báo nhấn mạnh. Sự hỗ trợ mà Mỹ cung cấp cho Ukraine luôn nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng, tuy nhiên, Nga lại luôn nỗ lực tìm mọi cách để “làm suy yếu” nó và “chia rẽ” người Mỹ.
“Dù có chủ ý hay không thì đảng Dân chủ cũng đã hành động chính xác theo những gì mà nhà lãnh đạo Nga mong muốn. Mục tiêu của ông, cả trước cuộc bầu cử năm 2016 cũng như bây giờ, là làm cho người Mỹ chống lại nhau và làm suy yếu niềm tin vào tiền trình dân chủ của chúng ta” - tờ báo Mỹ viết.
Giờ đây, vì vụ bê bối mà đảng Dân chủ thổi phồng lên, cả thế giới, theo tác giả, sẽ tập trung “quanh quẩn với những trò hề giữa hai đảng ở Mỹ”.
Việc luận tội chính xác là những gì mà ông Putin đang muốn - tác giả cảnh báo.
Ngoài ông Michael McCaul, bài báo này còn có chữ ký của 18 nghị sĩ đảng Cộng hòa khác cũng cùng là thành viên của Ủy ban Đối ngoại. Tất cả đều bày tỏ hy vọng rằng Chủ tịch Nancy Pelosi sẽ không đẩy ủy ban này “tới cuộc đấu đá đã bước vào giai đoạn hòa hoãn giữa hai đảng”.
Các cuộc điều tra và bê bối xung quanh việc luận tội sẽ chỉ cản trở các thành viên Quốc hội “thực hiện giám sát hiệu quả chính sách đối ngoại” - bài báo khẳng định. Theo tác giả cùng các đồng nghiệp, các nghị sĩ hiện sẽ phải đối mặt với các nhiệm vụ khác còn quan trọng hơn nhiều: “Chúng tôi phải tập trung vào việc chống lại tầm ảnh hưởng của Putin trên toàn thế giới, chống lại sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử năm 2020 của Mỹ và giúp bảo vệ đối tác Ukraine” - ông McCaul kết luận.
Bình luận