Mạng xã hội 2 hôm nay xôn xao chuyện một cô gái 27 tuổi quyết định “về hưu” khi tất cả tài sản cô có chỉ là cuốn sổ bảo hiểm xã hội mới đóng 1 năm, một chiếc xe đạp, một tấm thảm yoga, một chiếc iPad, điện thoại và tài khoản tiết kiệm hơn 100 triệu đồng.
Trong xã hội hiện đại mà hầu hết mọi người phải làm việc với cường độ cao, ngày càng nhiều người ao ước và lên kế hoạch về hưu sớm. Vì thế thật dễ hiểu khi không ít cư dân mạng cảm thấy khâm phục và ghen tị với cô gái dám “buông bỏ”, chọn cuộc sống “không có áp lực tiền bạc, không bon chen, chỉ đơn giản tận hưởng và làm những điều mình thích" như cô miêu tả.
Nhưng tôi không khỏi băn khoăn, dù sống chậm, sống tối giản, hạn chế tối đa việc tiêu dùng, nhưng cô gái chắc vẫn cần tiền để duy trì các chi phí cơ bản. Tiền ấy lấy từ đâu? Với lãi suất ngân hàng hiện nay, sổ tiết kiệm 100 triệu đồng chỉ đem lại lợi tức khoảng 5 triệu đồng/năm nếu gửi dài hạn. Trong khi đó, xe đạp cũng có lúc cần sửa, các thiết bị trong nhà cũng cần chạy bằng điện…

Nghỉ hưu sớm là mong ước của nhiều người trong xã hội hiện đại nhiều áp lực. (Ảnh: Mfdaily)
Theo chia sẻ của cô gái về hưu ở tuổi 27, vào các buổi chiều sau khi ngủ dậy, cô có thể làm đồ handmade bên cạnh việc đọc sách, luyện chữ, trồng cây… Tôi đoán rằng có thể cô ấy có chút thu nhập từ những món đồ handmade này nhưng chắc chắn rất ít ỏi.
Đương nhiên, sống theo cách nào là lựa chọn của mỗi người, miễn sao mình thấy hạnh phúc và không làm phiền người khác. Tuy nhiên, với thu nhập dưới 1 triệu đồng/tháng như vậy, làm sao có thể không phiền, thậm chí trở thành gánh nặng cho người khác khi đau ốm hay gặp sự cố, vốn có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong cuộc sống vô thường này suốt mấy chục năm đằng đẵng về sau?
Có thể những người về hưu quá sớm khi chưa tích lũy đủ tiền cho tương lai ấy có chỗ dựa khác, tài sản của bố mẹ chẳng hạn. Và việc dựa vào đó cũng là lựa chọn cá nhân cần được tôn trọng. Tuy nhiên, tôi nghĩ truyền thông không nên khuyến khích, cổ vũ điều này. Xã hội phát triển là nhờ mỗi người đều đóng góp phần mình khi lao động, cống hiến. Cho dù không cống hiến, hãy đảm bảo tự mình lo được cho mình, và như vậy thì không thể sống kiểu chẳng nghĩ đến ngày mai.
Nếu muốn về hưu sớm, bạn phải làm việc chăm chỉ, nỗ lực hơn, hiệu suất phải cao hơn mức bình thường. Nếu hiệu suất, thu nhập đều bình thường mà mới lao động vài năm đã nghỉ hưu, theo tôi đó không phải buông bỏ mà là thiếu trách nhiệm với bản thân và xã hội.
Bạn có đồng tình với quan điểm này? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.
Bình luận (15)
Tôi không đồng tình với phân tích của tác giả : Nông cạn, phiến diện, thiếu từng trải ....
Cá nhân mình làm việc liên tục 17 năm rồi, BHXH cũng được 15 năm, cũng thèm cảm giác nghỉ ngơi rong ruổi, nhưng khi nghĩ về con mình và ba mẹ mình tự dưng thấy mình cần phải làm việc, cần ổn định, cần tích góp nhiều hơn, lo cho gia đình mình và còn có thể giúp cho xã hội bớt đi 1 người nhàn rỗi. Bữa đọc xong cũng thấy là lạ, mà vì là quan điểm cá nhân nên mình cũng không mấy để tâm. Điều mình đồng tình với bài viết này là tâm lý lo sợ nhỡ con mình đọc ngay bài của bạn gái này và có ý nghĩ học theo thì mình tiêu thiệt. Mình thấy mạng xã hội càng hiện đại thì mặt trái của nó cũng ghê ghớm hơn, chúng ta thấy những cô cậu đăng ảnh dạo chơi sang chảnh mà không thấy đăng ảnh làm việc, khi đó mình lại suy nghĩ có phải sau những bức ảnh này họ lao động vất vả cực nhọc cũng không kém mình, chỉ có điều họ không dám thừa nhận giá trị của lao động mà lại đang cố gắng theo trào lưu " sang chảnh" một căn bệnh truyền nhiễm đang rất đáng sợ.
Bài viết rất hay, tôi đồng tình với quan điểm của bạn.
Nếu khỏe mạnh không bệnh tật thì là chuyện cá nhân. Còn nếu bệnh tật mà ko có tiền tích lũy thì đó là gánh nặng cho gia đình và xã hội. 100 triệu ở thời hiện tại thực ra chả là gì cả :(
Mình tình cờ biết vài chục đứa qua bà chị ruột, đa số thất nghiệp và/hoặc thất tình. Họ quen nhau qua hội nhóm tu thiền, yoga, ăn chay...nói chuyện bề ngoài lịch sự và sống khép kín, chỉ giao du trong hội nhóm. Đặc điểm quan trọng là hay ăn nhờ ở đậu, tiêu xài siêu chắt bóp, còn tình ái thì thấy mấy trường hợp khá buông thả.
Tuỳ mỗi người thôi, nhưng với mình còn sống là còn lao động...! Lao động là vinh quang.
tôi thì ngày mai có chết hôm nay vẫn phải lao động : kiếm tiền là nguồn vui, vận động tiêu hao năng lượng, như vậy xã hội mới tồn tại. sinh lão bệnh tử chứ ai cũng ngồi chơi k sx ra của cải k tiêu dùng thành 1 xã hội k chuyển động à?