• Zalo

Nghi án là 'sân sau', Sở xây dựng Hà Nội lên tiếng

Kinh tếThứ Hai, 05/08/2013 07:13:00 +07:00Google News

(VTC News) – Chủ đầu tư dự án C1 Thành Công dính nghi án "sân sau" khi khởi công mà vẫn chưa thống nhất phương án đền bù với người dân.

(VTC News) – Chủ đầu tư dự án C1 Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) khởi công khi chưa thống nhất phương án đền bù với người dân, đã dấy lên những hoài nghi chủ đầu tư chính là “sân sau” của Sở Xây dựng.

Di dời nhanh, đền bù chậm

Khu nhà C1 Thành Công được Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) sử dụng nguồn vốn phúc lợi xây dựng từ năm  1974, với quy mô 5 tầng 90 căn hộ. Tuy nhiên, do công trình bị lún nứt từ 1m-2m nên không đủ điều kiện bàn giao cho Thành phố quản lý, đưa vào sử dụng vào 1976.

Sau đó Cienco 1 đã có giải pháp gia cố và sử dụng cho cán bộ công nhân viên. Chủ quyền đất vẫn thuộc về Cienco 1.

C1 Thành Công
Dự án C1 Thành Công đã thành bãi gửi xe. Ảnh: Châu Anh 
Đến năm 2008, Thành phố đã có quyết định tổ chức di dời các hộ dân C1 Thành Công để phá dở xây mới, vì công trình đặc biệt nguy hiểm, và chỉ định cho Công ty Đầu tư hạ tầng Phương Bắc thực hiện. Các hộ dân được bố trí tạm cư tại chung cư N06 Dịch Vọng.

Tháng 11/2009, Thành phố đã có Quyết định số 3953 chấp thuận cho Cienco 1 là đại diện liên doanh chủ đầu tư gồm Cienco1, CTCP Bất động sản Dầu khí, CTCP Hà Nội –ICT thực hiện phá dở và xây mới dự án C1 Thành Công.

Năm 2010 Sở Xây dựng đã chấp thuận cho chủ đầu tư khoan cọc nhồi, ngay sau đó chủ đầu tư đã tiến hành khoan cọc nhồi dự án nhưng cư dân C1 Thành Công đã đến ngăn cản thi công, do đó dự án đã phải tạm dừng.

Tháng 1/2012 Sở Xây dựng đã cấp phép xây dựng, chủ đầu tư lần nữa đã khoan cọc móng giai đoạn 2, tuy nhiên, cư dân C1 Thành Công vẫn tiếp tục kéo đến công trường dựng lều ngăn cản thi công, yêu cầu chủ đầu tư phải có phương án đền bù thích hợp.

Bác Nguyễn Văn Chinh - chủ hộ 322 C1- Thành Công (hiện đang tạm cư tại phòng 202- N06 Dịch Vọng) cho biết: “Chúng tôi đã chấp thuận di dời khỏi khu nhà C1 theo đúng chủ trương của Thành phố về tạm cư tại N06 Dịch Vọng từ nhiều năm nay. Lúc đó có cả các vị lãnh đạo thành phố xuống động viên tinh thần bà con”.

Thậm chí lãnh đạo Quận Ba Đình cũng hứa chỉ sau 1 tháng di dời, sẽ có đơn vị đến làm việc về phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư.

C1 Thành Công
Bên trong dự án. Ảnh: Châu Anh 
Tuy nhiên, đến nay chúng tôi không thấy có bất kỳ đơn vị nào xuống làm việc và giải đáp thắc mắc của người dân. Dự án cải tạo nhà C1 đang diễn ra rất lộn xộn, không đúng trình tự pháp luật và chưa đạt được đồng thuận của dân mà vẫn triển khai xây dựng khiến cho chúng tôi vô cùng bức xúc và phẫn nộ .


“Mặc dù Phó chủ tích Vũ Hồng Khanh đã có yêu cầu Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 có trách nhiệm liên hệ các cấp chính quyền để thành lập hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư và thực hiện công tác bồi thường cho người dân, nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa tiến hành”, bác Chinh bức xúc nói.

Cũng theo bác Chinh, hiện Chủ tịch phường đã có cuộc họp với Lãnh đạo Ủy ban nhân dân Quận Ba Đình ra quyết định thành lập hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng dựa trên quyết định 4170/QĐ - UBND ngày 17/8/2009 về phương án đền bù tái định cư.

Cụ thể, đối với các hộ đang sử dụng hợp pháp, phần diện tích căn hộ tái định cư tại nhà C1 Thành Công mới, các hộ dân chỉ được đền bù bằng 1,3 lần diện tích hợp pháp.

Với các hộ tại tầng 1 thì hệ số đền bù là 0,4 lần diện tích hợp pháp và được thuê 01 đơn vị diện tích kinh doanh dịch vụ tại tầng 1 của toà nhà. Tuy nhiên, người dân không đồng thuận với phương án này bởi họ cho rằng so với các khu nhà khác mức đền bù cao hơn rất nhiều.

Đại diện các hộ dân cho rằng “chúng tôi cần được thoả hiệp với chủ đầu tư, nếu chủ đầu tư giải quyết các nhu cầu chính đáng chúng tôi sẵn sàng hợp tác trên cơ sở tuân thủ đúng quy định của pháp luật.”

Chị Vũ Kim Thanh, một chủ hộ tại C1 cho hay: "Khi di dời về khu tạm cư N06 Dịch Vọng mỗi hộ dân được Ủy ban nhân dân phường Thành Công cấp 3 triệu đồng và được chủ đầu tư chi trả tiền thuê nhà tạm cư. Tuy nhiên, kể từ lúc đó, phía công ty không đưa ra phương án đền bù đối với từng hộ dân".

Ngoài ra, theo những hộ dân này, chủ đầu tư chưa được phép xây dựng đã tiến hành triển khai dự án. Trong khi, trước đó, Hà Nội ra quyết định dừng thi công các dự án cao tầng tại 4 quận nội đô thì Cienco 1 vẫn cho triển khai phần đà giăng móng công trình.

Sở xây dựng lên tiếng

Liên quan đến các thắc mắc của người dân, ông Nguyễn Quốc Tuấn –  Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc nhà C1 Thành Công chưa tiến hành được là do chưa đạt được sự thống nhất giữa chủ đầu tư và người dân trong phương án đền bù.

“Tôi được biết hiện nay đã có 98 hộ dân nhận bản bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhà C1. Như vậy, không phải chủ đầu tư không làm mà là các bên chưa thỏa thuận được với nhau để đạt được lợi ích chung cuối cùng”, ông Tuấn nói

Việc chủ đầu tư dù chưa đạt được sự đồng thuận của người dân nhưng vẫn làm, theo ông Tuấn là vì chủ đầu tư muốn hoàn thành công trình sớm, để bớt tiền lãi vay.

“Họ vừa làm và vừa tiến hành thỏa thuận với người dân”, ông Tuấn cho biết.

Về hệ số đền bù, ông Tuấn cho rằng phải được áp dụng trên cơ sở Nghị quyết 48 của thành phố, đối với các dự án cải tạo khu chung cư nhưng xã hội hóa.

“Nhiều Chủ đầu tư cố tình nâng hệ số cao lên để dân đồng ý, nhưng khi họ vào làm thì lại sức ép với thành phố để nâng cao tầng lên vì họ phải nâng cao lên thì họ mới bù đắp được. Nhưng nếu họ không tăng được số tầng lên thì là họ sai sót với người dân, lừa người dân, cái đấy mới là cái đáng lo ngại”, ông Tuấn lưu ý.

Về việc lựa chọn chủ đầu tư cho dự án, ông Tuấn khẳng định không có chuyện là “sân sau” của Sở Xây dựng.

“Cienco 1 là cơ quan chủ quản của tòa nhà này nên phải giao cho họ. Nhưng họ không đủ năng lực thực hiện thì họ phải liên doanh. Ông này làm đường chứ có làm nhà bao giờ đâu nên phải liên doanh”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Đồng thời, trước ý kiến của một số hộ dân đề nghị thay chủ đầu tư của dự án, ông Tuấn cho biết, nếu tất cả các hộ dân không đồng tình chủ đầu tư này, thì trong điều 4 của nghị quyết Hội đồng nhân dân thành phố mới nhất ra ngày 23/7 đã nêu rõ: “Các dự án thuộc 4 quận nội thành, không thực hiện được theo phương thức xã hội hóa, thành phố tổ chức thực hiện và xây các dự án triển khai nhà ở mới không thuộc nội thành để di chuyển các hộ dân”.

Tức là nếu các hộ dân không đồng ý chủ đầu tư này, thì làm đơn trình lên thành phố đề nghị thành phố dùng ngân sách thực hiện dự án này.

Khi đó nhà ai diện tích bao nhiêu sẽ về bấy nhiêu, không có chuyện hệ số. Toàn bộ diện tích thừa sẽ phục vụ tái định cư và các mục đích của nhà nước.

Châu Anh

Bình luận
vtcnews.vn