• Zalo

Nghe tin sếp nằm viện, vợ liền xách quần áo vào chăm, mặc tôi bế con ở nhà

Gia đìnhThứ Ba, 23/07/2024 14:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Vợ tôi nhét quần áo vào túi du lịch để vào bệnh viện chăm sếp, nói đó là việc của trợ lý vì vợ con sếp ở xa; trong khi đó, con tôi đang kỳ cai sữa, rất quấy khóc.

Vợ tôi hiện làm trợ lý giám đốc cho một công ty về công nghệ thông tin. Cô ấy rất giỏi, lại là người nhiệt huyết với công việc nên luôn được đồng nghiệp và các sếp đánh giá cao. Hàng ngày, vợ đi khỏi nhà từ sáng sớm đến đêm mới về, để con cái và việc nhà cửa cho tôi lo hết.

Tôi trước đây làm việc tại một công ty kinh doanh thiết bị y tế. Năm ngoái, do tình hình kinh tế khó khăn, công ty giải thể, tôi trở thành kẻ thất nghiệp. Tôi chưa tìm được công việc mới thì vợ tôi hết thời gian nghỉ thai sản. Vợ đề nghị tôi nghỉ ở nhà trông con, để cô ấy đi làm, cho đến khi con cứng cáp hoặc khi tôi tìm được công việc thực sự ưng ý.

Nói thật là tôi không muốn, vì đàn ông mà không được ra ngoài giao du, chỏ ở nhà trông con, cơm nước thì rất chán. Nhưng con bé quá, mà công việc của vợ tôi rất tốt, mang lại thu nhập cao nên cần được ưu tiên. Nếu như không để cô ấy yên tâm đi làm thì rất có thể cả hai vợ chồng tôi đều mất việc trong thời điểm khó khăn này.

Tôi chấp nhận ở nhà trông con để vợ đi làm. (Ảnh minh họa: AI)

Tôi chấp nhận ở nhà trông con để vợ đi làm. (Ảnh minh họa: AI)

Vậy là từ đó, sáng ra vợ tôi son phấn, váy áo xinh đẹp phóng xe đi làm, còn tôi ở nhà vừa bế con vừa lo thu dọn, cơm nước phục vụ gia đình. Hàng xóm thấy tôi không còn sơ mi, quần âu là lượt như mọi khi mà ăn mặc lôi thôi lếch thếch, bế con nheo nhóc... thì ban đầu cũng trêu, nhưng sau quen dần. Thỉnh thoảng, họ còn chạy sang bế em bé giúp để tôi tranh thủ dọn dẹp nhà cửa.

Công việc nội trợ toàn thời gian rất nặng nhọc, tôi rất mong có người chia sẻ, nhưng ngặt nỗi công việc của vợ quá bận. Cô ấy thường xuyên về nhà muộn, có khi 22h mới có mặt. Cơm canh tôi phần vợ nhiều hôm nguội ngắt. Không ít lần tôi bày mâm đợi cả tiếng, vợ mới nhắn là phải đi tiếp  đối tác, tôi đành thui thủi ăn một mình.

Một điều khiến tôi lo lắng là sếp của cô ấy hiện không sống cùng gia đình. Vợ và các con ông đã định cư ở nước ngoài, một mình ông ở trong căn biệt thự rất to gần trung tâm thành phố. Vợ tôi tuy không xinh như hotgirl nhưng "gái một con trông mòn con mắt", còn sếp thì sống xa vợ, hai người tiếp xúc rất nhiều, tôi không thể không suy nghĩ dù luôn phải cố gạt đi, tự nhắc mình phải tin tưởng vợ.

Thỉnh thoảng vào cuối tuần, sếp gọi vợ tôi đi làm tăng ca, hoặc nhờ qua nhà giúp bày biện tiệc để đón khách do không có người phụ giúp. Những lúc đó tôi tỏ vẻ khó chịu ra mặt, nhưng vợ tôi chẳng mảy may quan tâm vì cho rằng trợ lý giám đốc làm những việc đó là bình thường.

Nếu mọi chuyện chỉ tới mức đó thì tôi cũng gắng chịu đựng, để dần dần khuyên nhủ vợ. Tuy nhiên mới đây, một chuyện xảy ra khiến tôi cảm thấy như giọt nước tràn ly.

Đêm đó, khi cả nhà chuẩn bị đi ngủ thì vợ tôi nhận được cuộc điện thoại của sếp báo ông bị sốt xuất huyết nặng, phải nằm viện. Vậy là sau cuộc điện thoại, vợ tôi lôi ra chiếc túi du lịch, nhét vài món đồ đạc cá nhân vào và thông báo sẽ vắng nhà ít bữa để chăm sóc sếp trong bệnh viện. Lý do cô ấy đưa ra là ông chỉ có một mình, cần người hỗ trợ những lúc này. 

Tất nhiên tôi không thể đồng ý. Con tôi đang trong giai đoạn cai sữa, rất hay quấy khóc, tôi cũng cần vợ giúp một tay. Nhưng cô ấy gạt phắt yêu cầu của tôi, cho rằng trẻ con cai sữa càng cần tách mẹ. Cô ấy đi bệnh viện coi như là một công đôi việc, vừa chăm sếp vừa giúp con cai sữa nhanh hơn. 

Lúc này thì tôi cảm thấy mọi việc đã quá sức chịu đựng của mình. Tôi nói bảo vợ nếu vẫn xách đồ đi thì đừng quay về nhà nữa. Vợ tôi ném lại một câu trước khi bỏ đi: "Đây là việc em cần phải làm. Anh chỉ được phép yêu cầu em những điều vô lý thế nếu như anh là người kiếm ra tiền".

Câu nói như mũi tên bắn thẳng vào lòng tự trọng của tôi. Quả thật một năm nay tôi không kiếm ra đồng nào nhưng cũng là vì tôi hy sinh để chăm sóc gia đình nhỏ này. Đổi lại, tôi chẳng những không nhận được sự tôn trọng của cô ấy mà còn bị mang tiếng bất tài, vô dụng. 

Chuyện đã kéo dài đến ngày thứ 3, vợ tôi không mảy may liên lạc về. Tôi cũng muốn im lặng, nhưng con nhớ mẹ không ngừng khóc lóc, quấy sốt khiến tôi vô cùng mệt mỏi. Nhiều lúc tôi nghĩ hay mình xuống nước để vợ về nhà với con cho đỡ đau lòng, nhưng nghĩ lại những điều cô ấy nói, quả thực tôi không muốn cầm điện thoại gọi cho vợ. 

Nếu cứ kéo dài thế này, liệu có đến mức vợ chồng tôi phải li dị không? Nếu chia tay thì con tôi có oán hận bố vì là người khiến mẹ nó không quay về gia đình? Những câu hỏi đó cứ lùng bùng trong đầu tôi suốt mấy ngày nay không có lời giải đáp. Rất mong độc giả cho tôi lời khuyên để giải quyết tình cảnh này.   

Độc giả có ý kiến chia sẻ, tư vấn, xin gửi vào box bình luận bên dưới.   

Nếu bạn có những khúc mắc trong cuộc sống, xin đừng ngần ngại gửi cho chúng tôi để nhận được sự sẻ chia chân thành và lời khuyên nghiêm túc của độc giả. Ý kiến xin gửi đến [email protected].

 NGÔ DŨNG
Bình luận
vtcnews.vn