Thua một trận, đó là tai nạn. Thua hai trận, đó là bất ngờ. Còn nếu thua ba trận, đó là vấn đề. Và Manchester City đang gặp vấn đề lớn tại Ngoại Hạng Anh mùa này.
Đội bóng này vốn là một cỗ máy đã được Pep Guardiola xây dựng, đã thống trị Ngoại Hạng Anh trong mùa giải năm ngoái, thậm chí cả nửa đầu mùa giải năm nay. Họ xuất sắc đến độ được kỳ vọng về những sự bất bại. Thế nhưng, sự vận hành của cỗ máy này giờ đây đang gặp trục trặc, một số bánh răng đã không ăn khớp.
Hay thậm chí, có thể đã bị người ta “chèn” vào đó một “dị vật” để chúng không thể quay được nữa. Hàng thủ thảm họa, hay sự vắng mặt của Fernandinho là những điều đã được phân tích và chứng minh rất rõ. Vậy nhưng mọi sự ở Man City lúc này có thể không chỉ thuần túy ở nội tại của các nhân sự mà Pep đang sở hữu, mà rất có khả năng là những vị chiến lược gia tại Anh đã “đánh hơi” thấy cách có thể đánh bại, hoặc tệ nhất là không thua trước The Citizens.
Tiếng chuông cảnh tỉnh dành cho Man City thực tế đã đến trước cả khi họ thua ngược Crystal Palace, đấy chính là trận hòa 1-1 ở Cúp Liên đoàn. Hôm đó Man City chỉ có thể vượt qua đối thủ của mình nhờ loạt luân lưu. Bạn có cần nhắc lại đối thủ gây khó khăn đó không? Đấy chính là Leicester City. Cho nên, một trận có thể là bất ngờ, nhưng hai trận liên tục thì e rằng Man City đã bị Leicester City “nắm thóp”.
Ta thấy rất rõ qua sự thiếu ý tưởng của Pep Guardiola trong trận đấu gặp Leicester City ở lễ Boxing Day hôm 26/12 vừa qua. Thời điểm ở hiệp 2, hầu như mọi đường bóng mà Man City sử dụng để đe dọa khung thành của Kasper Schmeichel, đều chỉ tập trung đưa bóng cho Leroy Sane. Sau đó, tận dụng kỹ thuật và tốc độ của cầu thủ này để đưa bóng vào trong. Nhưng Leicester City rõ ràng đã chuẩn bị sẵn phương án ngăn chặn “ngòi nổ” nguy hiểm này.
Trước đó, họ cũng đã thành công với việc ngăn Man City tấn công trung lộ. Đó giống như một chiến lược quân sự, đầu tiên là ngăn điểm giữa, hòng đẩy đối thủ ra biên, và ở đó đã “mai phục” sẵn một người để chặn lại. Man City sở hữu bóng rất nhiều, nhưng chỉ có thể quanh quẩn bên ngoài vòng cấm.
Một điều tối quan trọng nữa, đó là điểm chung đặc biệt của hai bàn thắng gỡ hòa mà Leicester City và Crystal Palace thực hiện trước Manchester City. Chúng đều được thực hiện ở pha phản công… đầu tiên trước Man City. Kịch bản của pha bóng gỡ hòa này, kỳ lạ làm sao lại y đúc bàn mở tỉ số của Chelsea đã làm trong chiến thắng trước Man City. Đầu tiên, mở một đường chuyền dài lên trên cho tiền đạo nhận bóng ở bên hành lang cánh trái. Tiếp đó, tiền đạo chậm rãi đi bóng, đợi đồng đội chạy lên, đưa bóng vào giữa.
Sự giống nhau kỳ lạ ở cách hạ gục Man City của ba đối thủ này (Chelsea, Leicester City, Crystal Palace) đều là phản công. Họ để mặc cho Man City kiểm soát bóng, kiểm soát thế trận. Trong suốt nửa thời gian đầu, họ cứ co mình lại như một con nhím. Và rồi, khi Manchester City “say đòn” nhất, họ phất một đường chuyền dài cho tiền đạo. “Ám sát” thành công, họ lùi xuống và nhường cho Man City kiểm soát bóng trở lại.
Thống kê sau trận Leicester City và Man City chính là thống kê chuẩn mực của thứ bóng đá phòng ngự phản công: kiểm soát bóng 34% so với 66% của đối thủ, mà dứt điểm thì ngang ngửa, còn số cú sút trúng đích thì nhiều hơn. Thật sự, nước Anh quá “lạnh” cho những ai muốn bảo vệ chức vô địch.
Bình luận