Một tháng gặp gia đình hơn 1 ngày
8h30 sáng, khoác trên mình bộ trang phục phòng dịch, chị Phạm Thị Nhữ - Phó Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) ghi chép, rà soát dữ liệu của bệnh nhân tại khu vực cách ly tập trung, phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Với một điều dưỡng như chị Nhữ hay bất kỳ y, bác sĩ nào tại khu cách ly tập trung của thành phố Hải Phòng, công việc hàng ngày bắt đầu bằng việc trực tiếp chăm sóc, theo dõi sức khỏe những người từ Hàn Quốc trở về Việt Nam.
Chị Nhữ nhẩm tính, trong 1 tháng bắt tay vào chiến dịch phòng chống dịch bệnh, chị chỉ ở bên cạnh gia đình hơn 1 ngày. Đó là khoảng thời gian đợt cách ly tập trung đối với người Trung Quốc kết thúc.
Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, hơn 1 ngày sau, những người khoác áo blouse trắng như chị lại “xắn tay áo” bắt tay vào cuộc chiến mới với 46 người cách ly đợt 5, gồm phần lớn người đi từ các vùng có dịch của Hàn Quốc.
Cuộc sống của chị Nhữ và đồng nghiệp lại tiếp tục là những ngày ăn, ngủ cùng người cách ly theo dõi Covid-19. Mọi liên lạc, chia sẻ với người thân đều qua các cuộc điện thoại vội vàng.
Sau lớp khẩu trang che kín, đôi mắt chị Nhữ đỏ hoe khi nhắc tới cuộc điện thoại cách đây không lâu với con trai út đang học lớp 5.
“26/2 là sinh nhật con trai, tôi đang thực thi nhiệm vụ tại khu cách ly nên không thổi nến cùng con. Con gọi điện cho tôi bảo, con chỉ mong ngày con sinh ra đời là lúc 21h, con được nhìn thấy mẹ.
Nhưng tôi không làm được việc ấy. Khi tôi gọi điện cho con, con chỉ khóc và cảm ơn. Đó là điều thiệt thòi của con nhưng tôi biết, các con sẽ vượt qua và luôn ủng hộ công việc mà mẹ cùng đồng nghiệp đang làm…”, chị Nhữ nghẹn ngào nhắc lại.
Nếu như sinh nhật con chị không có mặt thì những ngày lễ lớn như ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 và ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, chị Nhữ cũng cùng đồng nghiệp trải qua những kỷ niệm không hoa, không quà, chỉ có những lời chúc tốt đẹp, lời động viên của người thân, gia đình và bệnh nhân.
“Ngày Quốc tế Phụ nữ, tôi muốn gửi lời kính chúc tới các bà, các mẹ, những người phụ nữ một ngày hạnh phúc, vui vẻ. Với nhân viên y tế chúng tôi, đặc biệt những bạn nữ đang thực thi nhiệm vụ chăm sóc người cách ly, chúng tôi cũng có niềm vui khi làm việc cùng nhau.
Tôi mong rằng, cộng đồng sẽ gửi những lời chúc tốt đẹp để động viên, tiếp lửa cho những người làm ngành y cống hiến hơn nữa, sẵn sàng hơn nữa, tiếp tục bước đi trên con đường đẩy lùi dịch bệnh Covid-19”, chị Nhữ nói.
Trước khi trở lại với bàn giấy, trở lại với các bệnh nhân cách ly, chị Nhữ cười bảo, những người làm ngành y khi chọn khoác lên mình áo blouse trắng, họ không sợ dịch bệnh, họ chỉ mong muốn mọi người cũng giữ cho mình sự kiên định. Vì đẩy lùi dịch bệnh không chỉ riêng ngành y tế mà cần sự chung tay của cả cộng đồng.
Ngày kỷ niệm không hoa, không quà
Cũng giống như chị Nhữ, sau tấm biển “khu vực cách ly” và hàng barie chắc chắn tại khoa Bệnh nhiệt đới, Cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, điều dưỡng viên Nguyễn Thị Thanh Tâm - Phụ trách nhóm điều dưỡng phục vụ ở khu cách ly khoa Bệnh nhiệt đới trực tiếp đo nhiệt độ cho người được cách ly.
Chị nhẹ nhàng hỏi thăm 2 mẹ con người Việt đang cách ly để nắm bắt tâm lý, tình hình sức khỏe của họ. Các bác sĩ, điều dưỡng viên gọi người cách ly là "khách hàng".
Gần 1 tháng bước chân vào khu vực cách ly, chị Tâm cũng chỉ có hơn 1 ngày trở về với người thân. Mọi gánh nặng gia đình chị từ việc chăm sóc các con đang tuổi ăn học đến bố mẹ già có bệnh mãn tính đều chuyển sang người chồng đang là kỹ sư ngành đường sông cáng đáng.
“Những chuyến công tác không quan trọng chồng tôi phải từ chối để ở nhà quán xuyến việc gia đình thay vợ.
Khối lượng công việc ở khu cách ly rất nhiều nhưng chúng tôi luôn cố gắng đáp ứng “khách hàng” để họ thỏa mãn. Đây là hình ảnh của thành phố Hải Phòng, của đất nước và là trách nhiệm chung trong công tác phòng chống dịch bệnh mà đòi hỏi chúng tôi phải hoàn thành nhiệm vụ”, điều dưỡng Tâm chia sẻ.
Chị Tâm cười khi nhắc lại những lời đùa vui của bạn bè trong mỗi cuộc điện thoại ngắn ngủi hỏi thăm. Từ ngày vào chiến dịch phòng chống dịch bệnh Covid-19 tới nay, bạn bè chị gần như không liên lạc được. Điện thoại của chị lúc nào cũng "nóng"…
Nóng bởi các cuộc gọi trao đổi giữa các phòng ban nhằm khớp số liệu cũng như cập nhật thông tin người cách ly.
Những người khoác lên mình trang phục phòng dịch ấy họ có thể làm việc tới 12h đêm, thậm chí 1-2h sáng. Trừ lúc ăn cơm và đi ngủ, gần như 24/24h, các bác sĩ, điều dưỡng tại khu cách ly đều đeo khẩu trang và mặc áo phòng dịch. Ai cũng có trách nhiệm với công việc nhưng quan trọng hơn, họ phối hợp nhịp nhàng.
“Chúng tôi rất vui vì có những người đồng nghiệp luôn sống hòa hợp, họ không sợ dịch bệnh. Ở đây, các bạn ấy là những người thực sự dũng cảm.
Mong muốn lớn nhất của tôi là các chị em đều khỏe mạnh, tiếp tục kiên cường đến ngày cuối, phút cuối, cho đến khi dịch bệnh hoàn toàn được đẩy lùi”, chị Tâm nói.
Trong ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, chị Tâm cùng đồng nghiệp nữ vẫn mải miết với công việc mà không nghĩ tới ngày lễ tôn vinh phái nữ. Hơn nữa, trong thời gian phòng chống dịch bệnh cần hạn chế tụ tập nên các bác sĩ, điều dưỡng ở khu cách ly chỉ mong nhận được lời chúc mừng của mọi người qua điện thoại để động viên họ trong công tác đẩy lùi dịch bệnh.
“Trong thời gian này, dù có ngày kỷ niệm lớn thì chúng tôi vẫn ưu tiên công việc đầu tiên”, chị Tâm cười.
Ngoài chị Nhữ, chị Tâm, hơn 1 tháng nay, tại khu vực cách ly Cơ sở 2 Bệnh viện Việt Tiệp có hơn 50 nữ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế khác ngày đêm túc trực tại bệnh viện để tiếp đón, chăm sóc, hỗ trợ người cách ly. Đồng nghĩa với việc, họ phải xa gia đình từng ấy ngày.
Dù ngày 8/3, không hoa, không quà, nhưng có lẽ món quà lớn nhất, có ý nghĩa nhất mà các nữ y bác sĩ, điều dưỡng nơi đây nhận được sẽ là lòng biết ơn từ tận đáy lòng của những người đang cách ly nơi đây và thân nhân của họ, cũng như cộng đồng xã hội ghi nhận về sự đóng góp, hy sinh thầm lặng của các chị trong cuộc chiến chống Covid-19 này.
Video: Ngọt ngào quà tặng 8/3 trong mùa dịch Covid-19
Bình luận