1. Mở trang tìm kiếm Google, gõ vào tựa đề "bóng đá nữ Việt Nam" và tìm trong danh mục Hình ảnh, bạn thấy điều gì?
Hình ảnh những cô gái vàng ăn mừng chiến thắng cùng quốc kỳ Việt Nam, rất quen thuộc. Bao lâu nay, vinh quang bóng đá nước nhà ở đấu trường khu vực luôn thuộc về bóng đá nữ, với số huy chương vàng SEA Games và số danh hiệu vô địch Đông Nam Á mà bóng đá nam có mơ cũng không được. Với đội tuyển nữ Việt Nam, chiến thắng là một sứ mệnh.
Hình ảnh thứ hai ít gây ấn tượng hơn, song nó cũng là đặc trưng dễ nhận thấy nhất của bóng đá nữ: Những khán đài.
Các cô gái vàng thi đấu, ăn mừng, nâng cao danh hiệu vô địch giữa những khán đài cô quạnh. Nếu bạn nhìn thấy khán đài đông khán giả, chỉ có hai khả năng. Một là khán đài Thống Nhất năm 2014, khi tuyển nữ Việt Nam gặp Thái Lan trong trận tranh vé đi World Cup nữ. Đó là trận đấu đông người xem nhất trong lịch sử bóng đã nữ Việt Nam.
Khả năng thứ hai, là khán giả đến xem đông, song họ không phải là khán giả Việt Nam, và trận đấu không được tổ chức tại Việt Nam. Từ rất lâu, các cô gái vàng đã quen với sự cô đơn trên mảnh đất quê hương mình, quen như cách họ chinh phục từ vinh quang này đến vinh quang khác.
2. Trước thềm trận lượt về vòng 1/8 Champions League, bóng đá thế giới xôn xao khi biết toàn đội Paris Saint-Germain phải đến gặp nhóm ultras (cổ động viên nhiệt thành, quá khích) để kêu gọi sự cổ động mạnh mẽ trên sân Parc des Princes. Thiago Silva - đội trưởng của PSG, cũng phải đứng lên phát động chiến dịch đoàn kết và cổ vũ cho trận lượt về.
Thực tế, chuyện cầu thủ, HLV đứng lên kêu gọi người hâm mộ, cổ động viên đến sân "chiến đấu" cùng đội bóng không phải chuyện hiếm trong thế giới bóng đá. Song hãy nhìn trên phương diện khác. Nhiều đội bóng trên thế giới vận động sự ủng hộ của cổ động viên trong tình huống cấp bách, nguy nan nhất. Vận động cổ động viên, cũng là vận động chính mình, để tiếp thêm tinh thần, trách nhiệm cho các cầu thủ trong những trận đấu sinh tử.
Nhưng vận động khán giả ở Việt Nam lại diễn ra theo chiều hướng khác. Các đội bóng mong muốn người xem đến sân không phải cho một sự kiện đặc biệt, trong một trận đấu khó khăn đặc biệt. Chúng ta vận động đơn thuần vì... ít người xem quá, trận nào cũng vậy.
Kiên nhẫn như HLV Hoàng Anh Tuấn cũng phải nói sau trận: "Còn một người tới xem, chúng tôi cũng sẽ chiến đấu hết sức, nhưng mong khán giả đến sân xem nhiều hơn". Giải đấu năm đó, U19 Việt Nam của những Quang Hải, Tiến Dũng, Trọng Đại, Đức Chinh chơi trên sân Hàng Đẫy vắng vẻ, cô liêu, chỉ một tháng trước khi bất ngờ làm nên lịch sử với vé đi U20 World Cup.
Thành công của U23 Việt Nam mang đến hiệu ứng khán giả khủng khiếp cho bóng đá trẻ. Từ chỗ ít tên tuổi và bị chỉ trích không ít với thất bại tại SEA Games 29, cả đội vụt sáng thành người hùng, tham dự mừng công liên miên và có được lực lượng đông đảo cổ động viên mới. Cầu thủ đổi đời, V-League cũng hưởng lợi lớn khi khán giả đến đông hơn trong những trận đấu tiền mùa giải.
Còn bóng đá nữ thì sao?
Kiều Trinh, Tuyết Dung, Huỳnh Như,... cũng lập được chiến công lớn (tất nhiên chưa vang tầm châu lục), cũng được mệnh danh là "người hùng dân tộc", nhưng đến bao giờ, bóng đá nữ mới mơ có được lượng khán giả bằng một phần năm so với bóng đá nam?
Rất khó. Bóng đá là môn thể thao giải trí, và người ta chỉ nhọc công theo dõi một trận đấu mang lại chất lượng giải trí cao. Ở khoản này, bóng đá nữ hiển nhiên không thể bằng bóng đá nam ở cả tốc độ, kỹ thuật, tranh chấp,... bởi đặc trưng thể trạng của nam và nữ là rất khác nhau. Dẫu vậy, rất nhiều cổ động viên đã theo dõi đội tuyển nữ ở các kỳ SEA Games qua màn ảnh nhỏ, vui mừng với chiến tích của thầy trò HLV Mai Đức Chung, gọi họ là những cô gái vàng, hả hê khi họ vượt qua người Thái, thậm chí còn kêu gọi bỏ bóng đá nam để đầu tư cho bóng đá nữ,...
Nhưng bỏ công đến sân để xem họ thi đấu thì không! Giải vô địch quốc gia nữ, hay những trận đấu của đội tuyển nữ có rất ít người xem. Đội tuyển nam, hay U23 Việt Nam được chơi trên sân Mỹ Đình, Hàng Đẫy, Thống Nhất,... còn tuyển nữ phải thi đấu các giải trên... sân tập của VFF với sức chứa nhỏ bé hơn rất nhiều.
Đây không phải sự phân biệt, mà là bài toán kinh doanh đơn giản. Bóng đá nữ không có khán giả đến sân, nhà tài trợ nào chấp nhận bỏ tiền vào đầu tư? Không có tiền đầu tư, bao giờ các cô gái vàng mới có dịp đổi đời để tham gia những chuyến tập huấn chất lượng và yên tâm cống hiến cho bóng đá?
Người ta gọi tuyển từ là những... người hùng trà đá, người hùng nước mía, bởi cách họ ăn mừng sau mỗi chiến công thực sự bình dị. Người ta xót xa khi sau mỗi giải đấu, cầu thủ nữ lại trở về cuộc sống khó khăn thường nhật. Cảm xúc cho bóng đá nữ là thật, rất thật, nhưng để đến sân, bỏ ra những đồng tiền vé (nhiều trận đấu còn mở cửa miễn phí) để thắp những ngọn lửa đầu tiên cho giấc mơ đổi đời của bóng đã nữ thì không.
Bao năm qua, nhiều thế hệ cầu thủ già đi, nhưng câu chuyện về khán giả không hề thay đổi. Vẫn những chiến công, và sự thờ ơ, lạnh nhạt đến nao lòng.
3. Điều đáng quý nhất ở bóng đá nữ, là dù vất vả, khó khăn, các cầu thủ vẫn nỗ lực tập luyện để mang lại vinh quang cho Tổ quốc. Một tháng trước giải đấu mang tính quyết định, những đóa hồng của thể thao Việt Nam vẫn miệt mài trên sân tập của VFF.
Nằm ở bảng đấu cực khó trước thềm vòng chung kết Asian Cup, song tuyển nữ không có dấu hiệu nản chí, dù như HLV Mai Đức Chung thừa nhận: "Bóng đá nữ phải chịu nhiều thiệt thòi. Các cầu thủ nam vất vả như thế nào thì cầu thủ nữ vất vả gấp đôi. Họ cũng là những cô gái, muốn ăn mặc đẹp để được mọi người ngắm nhìn, nhưng trong bóng đá thì phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ.".
Xin kết lại bài viết với lời chia sẻ của HLV Mai Đức Chung trên VOV về bóng đá nữ Việt Nam như sau: "Nhân ngày 8/3, tôi muốn gửi lời chúc đến các học trò nữ. Chúc các em luôn tươi trẻ, vui vẻ và tập luyện thi đấu hết mình trong các giải sắp tới".
Mong rằng không chỉ ngày 8/3, mà trong tất cả những ngày còn lại trong năm, bóng đá nữ sẽ nhận được sự quan tâm và yêu thương hơn nữa từ người hâm mộ. Những đóa hồng của bóng đá Việt Nam, họ xứng đáng được nhận nhiều hơn thế!
Bình luận