Kinh doanh quốc tế dần đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế và mang lại nhiều cơ hội việc làm dành cho sinh viên. Do đó, ngành học này nhận về nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ.
Ngành Kinh doanh quốc tế thi khối nào?
Ngành Kinh doanh quốc tế gồm toàn bộ hoạt động trao đổi, giao dịch thương mại như chuyển giao hàng hóa, dịch vụ, tài nguyên, con người, ý tưởng và công nghệ giữa các quốc gia. Đúng như tên gọi, ngành kinh doanh quốc tế mang tính chất toàn cầu và hội nhập rất cao.
Tùy từng trường đại học sẽ có khối thi xét tuyển riêng dành cho ngành Kinh doanh quốc tế để phù hợp với tiêu chí tuyển sinh của trường.
Dưới đây là một số tổ hợp môn phổ biến đang được nhiều trường sử dụng để xét tuyển ngành học này, thí sinh có thể tham khảo thêm để đưa ra cho mình sự lựa chọn phù hợp nhất với năng lực bản thân.
- A00: Toán, Vật lý, Hóa học
- A01: Toán, Vật lý, tiếng Anh
- C00: Văn, Lịch sử, Địa lý
- D01: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh
- D07: Toán, Hóa học, tiếng Anh
- D90: Toán, Khoa học Tự nhiên, tiếng Anh
Cơ hội việc làm ngành Kinh doanh quốc tế
Sinh viên sau khi ra trường có thể làm việc tại nhiều vị trí khác nhau như chuyên viên xuất nhập khẩu, chuyên viên hoạch định tài chính quốc tế, chuyên viên kinh doanh quốc tế, chuyên gia marketing quốc tế, chuyên gia tư vấn đầu tư quốc tế.
Theo bài viết trên website trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM, nhu cầu nguồn nhân lực của nhóm ngành Kinh tế - Marketing - Xuất - Nhập khẩu - Logistics trong tương lai là khoảng 25.000 việc làm/năm. Trong đó, Kinh doanh quốc tế là một trong những ngành tiềm năng về nhu cầu việc làm cao trong nhóm ngành này.
Đảm nhận vị trí nhân viên giao dịch ngoại hối của một ngân hàng tại Hà Nội, chị Nguyễn Thị Minh Hiền - từng tốt nghiệp ngành Kinh doanh quốc tế, trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tiết lộ, mức lương dành cho sinh viên mới ra trường tốt nghiệp ngành này khá cao.
"Thông thường, sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế có thể làm việc tại nhiều công ty cũng như ứng tuyển vào các vị trí công việc khác nhau. Em chọn làm việc trong ngân hàng với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đây chỉ là mức lương của người mới làm, nếu có nhiều năm kinh nghiệm cộng thêm vị trí cao thì việc có mức lương trên dưới 50 triệu đồng/tháng là điều dễ dàng", Hiền nói.
Ngoài ra, với người có trình độ cao nếu chọn làm việc trong các công ty xuất nhập khẩu logistics hay các tập đoàn đa quốc gia, công ty cổ phần thương mại... thì có thể nhận được mức lương từ 30 - 150 triệu đồng/tháng.
Nếu đam mê ngành Kinh doanh quốc tế, thí sinh có thể tìm hiểu thông tin tuyển sinh của một số trường đại học như: trường Đại học Ngoại thương, trường Đại học Thương mại, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), rường Đại học Kinh tế TP.HCM.
Bình luận