Tính đến ngày 20/2, ít nhất 109 trường đại học công bố phương án tuyển sinh hệ chính quy năm 2024, trong đó có sử dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả học tập bậc THPT (xét học bạ) từ 3 - 6 học kỳ.
Đặc biệt, 2024 là năm đầu tiên khối trường quân đội tuyển sinh bằng học bạ (trừ Học viện Kỹ thuật Quân sự và Học viện Quân Y), với khoảng 10% chỉ tiêu. Thí sinh cần có điểm tổng kết mỗi năm từ 7 trở lên, riêng các môn trong tổ hợp xét tuyển tối thiểu đạt 7,5. Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng chưa công bố cách tuyển sinh và chỉ tiêu chi tiết từng trường.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Đại học Công nghệ TP.HCM, những năm gần đây thí sinh có xu hướng quan tâm đến phương thức xét tuyển học bạ, xét tuyển riêng. Vì thế hầu hết các trường đại học đều tăng chỉ tiêu cho các phương thức này hơn so với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Có thể thấy, phương thức xét học bạ dần trở nên phổ biến vì những ưu điểm như giúp thí sinh chủ động lựa chọn thời gian xét tuyển, giảm áp lực thi cử với kỳ thi tốt nghiệp, cơ hội chọn ngành nghề đa dạng, tiêu chí và điều kiện xét tuyển dựa trên kết quả học tập trong suốt quá trình chứ không bị phụ thuộc vào kỳ thi duy nhất.
TS Lưu Văn Huyền, Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đánh giá, phương thức xét tuyển học bạ tạo nhiều thuận lợi cho cả trường đại học và thí sinh.
Với công tác tuyển sinh của các trường, kết quả học bạ có tính pháp lý, là một trong những thước đo, giúp xác nhận năng lực học tập của thí sinh toàn diện (đa dạng về môn học, tổ hợp).
Số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển bằng phương thức này ngày một nhiều bởi xét học bạ thuận tiện, thí sinh có thời gian, cơ hội chuẩn bị kết quả trong suốt ba năm THPT, được tăng thêm cơ hội trúng tuyển đại học. "Thời gian thu nhận hồ sơ xét tuyển sớm, giúp các em ổn định tâm lý trước kỳ thi tốt nghiệp THPT", ông Huyền nói.
Bình luận