• Zalo

Ngân sách hạn hẹp, sẽ khó tăng lương năm tới

Thời sự Thứ Ba, 03/11/2015 09:40:00 +07:00Google News

Chưa thể tăng lương do ngân sách hạn hẹp. Chủ nhiệm UBTC-NS của Quốc hội cho biết chưa thể tăng lương trong năm tới vì nhiều lí do.

(VTC News) - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết khả năng tăng lương trong năm tới sẽ khó do ngân sách hạn hẹp.

Báo cáo thẩm tra bổ sung về tình hình ngân sách vừa hoàn thành cho kịp phiên thảo luận tại hội trường về nội dung này chiều nay (3/11), Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đưa ra ba nguyên nhân "bất khả kháng" khiến cho việc tăng lương vào năm sau sẽ rất khó khăn.

Ngân sách hạn hẹp, sẽ khó tăng lương năm tới
Ngân sách hạn hẹp, sẽ khó tăng lương năm tới 

Thứ nhất, dự toán thu ngân sách đã được Chính phủ xây dựng tích cực, sát thực tế nên khó có thể dự toán ở mức cao hơn. 
Cụ thể, dự toán thu nội địa đã dự ước tăng 16,9% so ước thực hiện năm 2015, cao hơn dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế và trượt giá. Thu dầu thô đã tính giá bình quân 60 USD/thùng, cao hơn giá thời điểm hiện tại (48-50 USD/thùng).

Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 8,1%, đồng thời đã tính vào thu cân đối ngân sách Nhà nước cả 30.000 tỷ đồng thu từ tiền bán bớt phần vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp. Đây là khoản thu một lần để cân đối ngân sách Nhà nước cho năm 2016, vì vậy cân đối thu ngân sách từ năm 2017 sẽ rất khó khăn, cơ quan thẩm tra lưu ý.

Thứ hai, bố trí dự toán chi ngân sách nhà nước đã rất chặt chẽ. Bố trí chi trả nợ thấp so với yêu cầu (còn phải vay để đảo nợ 95.000 tỷ đồng).

Dự toán chi thường xuyên đã bố trí triệt để tiết kiệm, đã giảm 10% dự toán chi thường xuyên của các bộ, cơ quan Trung ương so với dự toán năm 2015, hạn chế tối đa chi cho bộ máy quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công, chi mua sắm phương tiện, trang thiết bị đắt tiền; giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo.

Chi đầu tư phát triển bố trí ở mức thấp so với nhu cầu nên khó cắt giảm; không thể vay để chi tăng lương vì không đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước và dẫn đến tăng bội chi và nợ công năm 2016 và các năm tiếp theo.

Thứ ba, chưa thể tăng lương thời điểm này vì thực tế cho thấy năng suất lao động của khu vực hành chính Nhà nước còn thấp, bộ máy hành chính Nhà nước cồng kềnh.

Trong khi đó, tinh giản biên chế chưa được thực hiện quyết liệt và hiệu quả, cải cách khu vực sự nghiệp công còn chậm, việc tăng lương (dù là với mức tăng rất thấp cho mỗi cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang) cũng dẫn tới tăng chi lớn cho ngân sách, làm giảm nguồn lực cho chi đầu tư phát triển, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, nhất là khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn (những đối tượng không hưởng lương Nhà nước).

Tuy nhiên, qua các diễn biến tại hội trường, rất nhiều đại biểu hối thúc phải tăng lương cho cán bộ công chức vì việc kìm giữ lương đã kéo dài 3 năm liên tục, thêm 1 năm nữa không điều chỉnh lương, đời sống cán bộ, công chức, viên chức rất khó khăn.

Ông Hiển cho biết, xét thấy đây là nội dung quan trọng, Chính phủ đã quan tâm và tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội. Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép báo cáo về khả năng bố trí tăng lương năm 2016 và lộ trình tăng lương từ năm 2017 trở về sau tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa 13 (dự kiến vào tháng 3/2016).

Góp ý về vấn đề chi tiêu ngân sách, Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho biết ông cũng cảm thấy Bộ Tài chính đang trong tình trạng rất khổ vì cứ phải “giật gấu vá vai”. Giờ cứ phải đặt ra câu hỏi: Cắt bớt ngân sách của ai? Tăng lương lấy đâu ra?

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, trước hết cần tích cực giải quyết nợ đọng thuế, hiện thông tin cho biết số thuế nợ đọng còn tới 76 nghìn tỷ đồng. Thứ hai là cần giảm chi. Cần cắt và hoãn một số khoản chi có thể cắt hoãn, thực hiện nghiêm việc giảm chi theo đề xuất của kiểm toán Nhà nước. 

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn