Nhiều nhân viên không hào hứng với buổi tiệc cuối năm do công ty tổ chức. (Ảnh: Duy Hiệu) |
Tan ca lúc 17h30, Thanh Nga (26 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cùng vài đồng nghiệp ở lại phòng họp, cất gọn bàn ghế để chuẩn bị tập múa. Đây là tiết mục cấp trên yêu cầu trong đêm tiệc tất niên của công ty.
"Rất tốn thời gian. Đây là khoảng thời gian OT (làm việc quá giờ) không có lương", Thanh Nga nói với Zing.
Thời điểm cuối năm, nhiều doanh nghiệp tổ chức tiệc tất niên để tổng kết, tăng tinh thần gắn bó của nhân sự với công ty.
Tuy nhiên, không phải nhân viên nào cũng hào hứng với những bữa ăn như vậy.
Lối mòn
Đây là năm thứ 3 Thanh Nga làm việc tại công ty, cũng là buổi tiệc tất niên thứ 3 cô phải tham gia với nhiệm vụ múa, hát. Kịch bản chương trình nhàm chán, nhân viên thiếu gắn kết khiến cô không còn hào hứng với sự kiện hàng trăm người này.
"Sau màn phát biểu dài khoảng 30 phút, lãnh đạo cao cấp lần lượt ra về, để lại tập thể nhân viên bắt đầu ăn uống và giải tán sau hơn một tiếng", Nga miêu tả.
Không chỉ vậy, cô cùng nhóm đồng nghiệp trong bộ phận đều phải chuẩn bị tiết mục văn nghệ. Dành công sức luyện tập, đầu tư thuê trang phục múa, song các màn biểu diễn của họ không được ai chú ý. Phần lớn nhân viên tranh thủ dùng bữa rồi ra về nhanh chóng
"Có năm, dãy bàn đầu của bữa tiệc trống không. Chỉ có chúng tôi và nhóm điều chỉnh âm thanh xem với nhau", không lạ với điều này, tuy vậy, ai cũng thất vọng và hụt hẫng. Họ là những người dùng tiệc và ra về cuối cùng.
Chuyện này không chỉ diễn ra tại công ty nơi Thanh Nga làm việc.
Anh Tú (26 tuổi, quận 3, TP.HCM) cũng luôn cố gắng để thoái thác việc tham dự tiệc tất niên của công ty. Anh từng bị bộ phận HR nhắc nhở vì thái độ thiếu nhiệt tình.
Tú làm việc tại một doanh nghiệp truyền thông với nhiều nhân sự trẻ. Anh kỳ vọng các buổi tiệc của công ty sẽ thú vị, nhưng qua nhiều năm, chúng vẫn diễn ra với một kịch bản gượng gạo, nhàm chán.
Hơn 100 nhân viên được mời đến một nhà hàng khá sang trọng, nghe sếp phát biểu khoảng 30-45 phút. Sau đó là màn trao thưởng kéo dài rồi mới đến phần nhập tiệc.
"Các bài nói giống những buổi chào cờ sáng thứ hai đầu tuần ở trường trung học", Tú kể.
Cuối năm 2021, công ty anh tổ chức tiệc tất niên kết hợp team building tại Đà Nẵng. Nhiều người hy vọng đây sẽ bước đột phá mới, khiến nhân viên gắn kết và hào hứng hơn.
"Tuy nhiên, mọi thứ vẫn không thay đổi. Kịch bản chương trình vẫn như cũ, thậm chí chúng tôi còn phải chờ đợi lâu hơn cho đủ số lượng nhân sự", anh lắc đầu nói.
"Khoảnh khắc duy nhất mà tất cả chúng tôi hướng lên sân khấu là khi MC quay số trúng thưởng. Ngoài lúc đó, mọi người đều tập trung ăn uống tại bàn mình, sau đó ra về", anh nói thêm.
Kỳ vọng có đổi mới
Nói về nguyện vọng của mình, Anh Tú hy vọng ban tổ chức sẽ sáng tạo hơn khi lên ý tưởng cho một buổi tiệc. Anh từng gợi ý HR hãy cho phép từng phòng ban đưa ra ý tưởng về tiệc tất niên như mong muốn, sau đó lựa chọn một phương án phù hợp với tính khả thi và chi phí.
"Tôi nghĩ những concept như tiệc bể bơi, đêm nhạc rock, tiệc hóa trang… đều rất thú vị, dễ triển khai. Điều này còn kích thích sự sáng tạo, hào hứng của nhiều nhân viên", anh nói.
Còn đối với Thanh Nga, cô cho rằng mục đích ban đầu của tiệc tất niên chính là sự gắn kết.
Theo đó, công ty có thể lựa chọn địa điểm tổ chức nhỏ và ấm cúng hơn.
Nữ nhân viên văn phòng gợi ý rằng công ty có thể tổ chức những trò trên bàn tiệc (drinking game) để mọi người có cơ hội hiểu và chia sẻ với nhau nhiều hơn.
"Sau mỗi lần chơi trò 'sự thật hay thách thức' (truth or dare) với hội bạn, tôi đều thấy cả nhóm trở nên thân thiết hơn. Tôi nghĩ rằng công ty nên áp dụng trò chơi này trong phạm vi từng bàn tiệc để kết nối các thành viên", Nga tâm sự.
Hơn nữa, Nga cũng mong muốn được giao lưu nhiều hơn với lãnh đạo. Hàng ngày, do yêu cầu công việc, khoảng cách giữa sếp và nhân viên tương đối lớn.
Thay vì ra về sớm, các quản lý có thể ở lại để nhập tiệc với nhân sự.
"Tôi sẽ cảm thấy gắn kết hơn nếu thấy sếp ngồi cùng bàn, cạn chén và trò chuyện với các nhân viên, nhưng tốt nhất chủ đề không nên xoay quanh công việc", Nga nói.
Bài toán khó
Hiểu được những gì nhân viên các phòng ban mong muốn ở tiệc tất niên, tuy nhiên, việc đáp ứng được những yêu cầu đó là rất khó - đó là nhận định của Kim Hiền (26 tuổi, quận Phú Nhuận), nhân viên HR tại một công ty thời trang ở TP.HCM.
Chia sẻ với Zing, cô cho biết việc khó khăn nhất là các kế hoạch đều cần thông qua ý kiến ban lãnh đạo. Các cấp trên đều đã quen với việc tổ chức một buổi tiệc cuối năm theo các kịch bản có sẵn. Họ đánh giá đây là lựa chọn hợp lý, không có rủi ro và phát sinh nhiều chi phí.
"Tôi cũng từng đề nghị việc tổ chức một buổi tiệc cuối năm mới lạ, hấp dẫn, bắt trend hơn. Tuy nhiên, đề xuất của tôi bị từ chối vì cho rằng phù phiếm, không cần thiết", Uyên tâm sự.
Để cải thiện tối đa trải nghiệm của nhân sự công ty khi tham gia tiệc tất niên, Uyên và các đồng nghiệp cùng phòng ban phải tính toán kỹ lưỡng hơn về tiến độ chương trình, các hoạt động diễn ra, không gian tổ chức, thậm chí cả về chi tiết món ăn.
"Năm nay, công ty tôi thắt chặt ngân sách cho tiệc tùng. Tôi đoán tiệc cuối năm sẽ khó tổ chức hoành tráng như mọi năm. Tôi và các HR khác đều phải động viên, kêu gọi nhân viên cố gắng tham gia, mặc dù biết không nhiều người hào hứng", Uyên tâm sự.
Phụ trách mảng văn hóa nội bộ tại một công ty công nghệ, Kiều Trang (24 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội), cho biết mình cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình lên kế hoạch tổ chức tiệc cuối năm.
Nhân sự công ty cô thuộc nhiều thế hệ, bao gồm cả Milennials và Gen Z. Vì vậy, việc xây dựng một buổi tiệc đáp ứng nhu cầu của tất cả thành viên là điều không đơn giản.
"Về địa điểm, nhóm nhân sự gen Y mong muốn đến các nhà hàng sang trọng, ngồi ăn chia bàn. Trong khi đó, gen Z lại thoải mái trong không gian vui chơi như quán bar, pub hơn", Trang cho biết.
Về trang phục, cô dễ dàng gợi ý nhóm nhân sự trẻ mặc đồ dự tiệc phá cách, thậm chí hóa trang theo chủ đề, nhưng nhóm quản lý sẽ thoải mái hơn với trang phục văn phòng, lịch sự, chỉn chu.
Khâu tổ chức chương trình cũng khiến Kiều Trang trăn trở. Cô băn khoăn giữa việc để buổi tiệc diễn ra tự nhiên và xây dựng kịch bản chi tiết. Việc xây dựng kịch bản cụ thể sẽ giúp đội ngũ tổ chức kiểm soát tốt sự kiện. Tuy nhiên, Trang đã nhận được phản ánh của nhiều nhân sự về vấn đề này.
"Mọi người đều muốn tự do kết nối và giao lưu. Tuy vậy, tiệc cuối năm diễn ra một cách ngẫu hứng sẽ có nhiều khoảng thời gian trống. Những khoảng trống này có thể khiến một số người cảm thấy rụt rè và e ngại", Kiều Trang chia sẻ.
Với ngân sách 100 triệu đồng cho 56 người, Trang dự định lập kế hoạch tổ chức theo chủ đề, gồm điện ảnh, văn hóa các miền, prom night (tiệc cuối cấp 3).
Tiệc cũng bao gồm phần bình chọn và trao giải cho nhân sự nổi bật nhất bữa tiệc, khoảnh khắc ấn tượng của cá nhân/tập thể trong năm, trào lưu đáng nhớ tại văn phòng.
Cô cũng xin ý kiến cấp trên về việc cho phép nhân viên tan làm sớm 1-2 tiếng. Như vậy, mọi người sẽ có thời gian chuẩn bị và không cảm thấy mệt mỏi khi góp mặt trong tiệc cuối năm của công ty.
"Nhưng tôi cũng phải xét tới tình hình của mỗi nhân sự. Có anh, chị không thể ở lại tới cuối vì vướng gia đình, con nhỏ, hoặc nhiều phòng ban vẫn phải chạy deadline cuối năm. Cuối cùng, khó nhất vẫn là thuyết phục các sếp ở lại tới cuối với nhân viên", cô kết luận.
Bình luận