• Zalo

Ngân hàng xuống giá

Kinh tếThứ Sáu, 16/10/2015 06:46:00 +07:00Google News

Mặc dù những khó khăn nhất của ngành ngân hàng đã qua đi nhưng nhiều ngân hàng vẫn xuống giá thê thảm.

(VTC News) – Mặc dù những khó khăn nhất của ngành ngân hàng đã qua đi nhưng nhiều ngân hàng vẫn xuống giá.

Cổ phiếu dưới mệnh giá

Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã thông báo bán đấu giá cổ phần tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). DATC khiến không ít người bất ngờ khi công bố mức giá khởi điểm quá thấp. Có vẻ như một số ngân hàng vẫn xuống giá.

Theo đó, DATC sẽ bán đấu giá 26.660 cổ phần OCB với giá khởi điểm 4.900 đồng/cp (tương ứng 130,6 triệu đồng cho toàn bộ 26.660 cổ phần).

Ngoài ra, DATC cũng sẽ bán đấu giá 24.662 cổ phần SCB với giá khởi điểm 4.100 đồng/cp (tương ứng 101,1 triệu đồng cho toàn bộ 24.662 cổ phần).

Cả 2 ngân hàng này đều xuống giá khi hiệu quả kinh doanh chưa thực sự tốt. Theo báo cáo tài chính quý 2/2015 của OCB, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này chỉ đạt 40,4 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 98,6 tỷ đồng cùng kỳ năm 2014.

Cổ phiếu SCB bị bán dưới mệnh giá
Cổ phiếu SCB bị bán dưới mệnh giá 
Nguyên nhân của sự sụt giảm này là OCB tăng hơn gấp đôi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Nếu quý 2/2014, OCB chỉ dành 104,3 tỷ đồng cho dự phòng thì con số này trong quý 2/2015 tăng vọt lên 230,8 tỷ đồng.

Nhưng dù giữ nguyên chi phí dự phòng rủi ro tín dụng thì khoản lãi chưa đến 150 tỷ đồng vẫn là con số rất thấp so với vốn điều lệ 3,547 tỷ đồng của ngân hàng. Trong năm nay, OCB muốn tăng vốn điều lệ lên 4.500 tỷ đồng. Nhưng với động thái DATC bán ra cổ phiếu OCB ở mức giá chỉ 5.000 đồng/CP thì OCB không dễ gì phát hành cổ phiếu đúng mệnh giá.

Các chỉ tiêu kinh doanh tại SCB còn thê thảm hơn. Lợi nhuận sau thuế năm 2014, 2013 và 2012 của ngân hàng này lần lượt là 90,2 tỷ đồng, 42,6 tỷ đồng và 63,8 tỷ đồng. Đây là những con số rất khiêm tốn khi chỉ tính theo quý thì những năm trước đó, lợi nhuận đã đạt hàng trăm tỷ đồng.

Con số lợi nhuận này càng khiêm tốn hơn khi đặt trong mối tương quan với vốn điều lệ. Vốn điều lệ của SCB đã tăng từ 12.294 tỷ đồng lên 14.294 tỷ đồng vào cuối tháng 4/2015. SCB là ngân hàng thương mại cổ phần trong nước có vốn điều lệ lớn thứ 4, sau Vietinbank, BIDV và Vietcombank.

SCB và OCB không phải là những cổ phiếu ngân hàng hiếm hoi bị bán dưới mệnh giá. Hiện tại, trên thị trường OTC, nhiều cổ phiếu ngân hàng cùng chung cảnh ngộ với SCB và OCB.

Cụ thể, trong những phiên gần đây, giá giao dịch thành công của TCB (Techcombank) dao động từ 9.2000 đồng/CP tới 9.800 đồng/CP, của MSB (Maritime Bank) từ 3.500 đồng/CP tới 4.200 đồng/CP,...

Tài sản giảm 15.005 tỷ đồng

Một số ngân hàng xuống giá còn bởi tài sản giảm mạnh. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước công bố thống kê một số chỉ tiêu cơ bản về hệ thống các tổ chức tín dụng tháng 8/2015. Trong đó, tổng tài sản của các ngân hàng là một trong những chỉ tiêu được quan tâm nhiều.

Theo đó, tổng tài sản của toàn bộ hệ thống đến cuối tháng 8 đạt hơn 6,75 triệu tỷ đồng, tăng 87.373 tỷ đồng, xấp xỉ mức tăng 1,31% so với cuối tháng 7. So với báo cáo thống kê tháng 7, tài sản của khối ngân hàng thương mại nhà nước tăng 80.610 tỷ đồng, tương đương 2,63%.

Trước đó, Vietcombank gây sốc khi công bố tổng tài sản trong quý 1/2015 giảm tới 37.711,11 tỷ đồng, tương ứng 6,54% so với cuối năm 2014.

Tới cuối tháng 8, tổng tài sản tại Vietcombank cùng các ngân hàng thương mại nhà nước tăng nhẹ nhưng ở khối các ngân hàng thương mại cổ phần, chỉ tiêu tổng tài sản có vào thời điểm cuối tháng 8 lại bị sụt giảm 15.005 tỷ đồng.

Điều đáng nói, trong khi chỉ tiêu tổng tài sản giảm, vốn điều lệ của hệ thống các tổ chức tín dụng đã tăng trở lại tại thời điểm cuối tháng 8. Trong tháng 7, chỉ tiêu này bất ngờ giảm 3.350 tỷ đồng.

Mức tăng vốn điều lệ đạt gần 4.178 tỷ đồng. Nhưng mức tăng này chủ yếu đến từ nhóm các ngân hàng liên doanh, nước ngoài và các công ty tài chính, cho thuê. Ở các ngân hàng thương mại nhà nước cũng như cổ phần, sự thay đổi không đáng kể.

Vốn tự có của toàn hệ thống trong tháng 8 tăng chậm lại so với các tháng đầu năm. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, cuối tháng 8, vốn tự có của toàn hệ thống tăng thêm 264 tỷ đồng so với tháng trước, đạt 547.213 tỷ đồng. Như vậy, kể từ đầu năm, vốn tự có của hệ thống tín dụng  đã tăng 50.640 tỷ đồng (tăng tương đương 10,28%).

Thanh Hà
Bình luận
vtcnews.vn