Bất kỳ quốc gia nào cũng có một ngân hàng nhà nước. Ở nước ta, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối; thực hiện chức năng của Ngân hàng trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước là một pháp nhân, có vốn pháp định thuộc sở hữu nhà nước; có trụ sở chính tại Thủ đô Hà Nội.
Chức năng của Ngân hàng Nhà nước
- Với tư cách là cơ quan của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
+ Quản lý nhà nước không chỉ bằng các biện pháp hành chính mà chủ yếu bằng các biện pháp kinh tế
+ Ngân hàng nhà nước đem về cho ngân sách nhà nước nguồn thu.
– Với tư cách là ngân hàng trung ương, Ngân hàng Nhà nước còn có các chức năng sau:
+ Là ngân hàng duy nhất phát hành tiền của Việt Nam
+ Là ngân hàng của tổ chức tín dụng thể hiện mở tài khoản nhận tiền gửi cho vay, thực hiện các giao dịch thanh toán cho các tổ chức tín dụng hoặc cho hệ thống kho bạc.
+ Làm đại lý cho kho bạc trong việc bán, trả gốc và lãi cho trái phiếu Chính Phủ.
+ Ổn định hệ thống tiền tệ, tài chính.
Cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước
Cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước được quy định tại Điều 3 Nghị định 16/2017/NĐ-CP, cụ thể như sau:
* Đơn vị hành chính giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng Ngân hàng Trung ương gồm:
- Vụ Chính sách tiền tệ.
- Vụ Quản lý ngoại hối.
- Vụ Thanh toán.
- Vụ Tín dụng các ngành kinh tế.
- Vụ Dự báo, thống kê.
- Vụ Hợp tác quốc tế.
- Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính.
- Vụ Kiểm toán nội bộ.
- Vụ Pháp chế.
- Vụ Tài chính - Kế toán.
- Vụ Tổ chức cán bộ.
- Vụ Thi đua - Khen thưởng.
- Vụ Truyền thông.
- Văn phòng.
- Cục Công nghệ thông tin.
- Cục Phát hành và kho quỹ.
- Cục Quản trị.
- Sở Giao dịch.
- Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.
- Các chi nhánh tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
* Đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước gồm:
- Viện Chiến lược ngân hàng.
- Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam.
- Thời báo Ngân hàng.
- Tạp chí Ngân hàng.
- Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng.
- Học viện Ngân hàng.
Lãnh đạo, điều hành Ngân hàng Nhà nước
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là thành viên của Chính phủ, là người đứng đầu và lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, trước Quốc hội về quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
- Tổ chức và chỉ đạo thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia theo thẩm quyền;
- Tổ chức và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước theo quy định Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Đại diện pháp nhân của Ngân hàng Nhà nước.
- Quyết định thành lập, chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, các ban, hội đồng tư vấn về các vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước;
- Quyết định thành lập, chấm dứt hoạt động theo thẩm quyền các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ ngân hàng, nghiên cứu, thông tin, lý luận khoa học ngân hàng, cung cấp dịch vụ liên quan đến hoạt động kho quỹ, dịch vụ công nghệ tin học ngân hàng và thanh toán, dịch vụ thông tin tín dụng.
Bình luận