• Zalo

Ngân hàng Nhà nước có thể mua lại Oceanbank và GPBank

Kinh tế Chủ Nhật, 01/03/2015 01:02:00 +07:00Google News

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sẽ mua lại 100% cổ phần của hai ngân hàng để tái cơ cấu là Oceanbank và GPBank.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sẽ mua lại 100% cổ phần của hai ngân hàng để tái cơ cấu là Oceanbank và GPBank.

Một lãnh đạo của NHNN cho TBKTSG Online biết như thế nhưng nói rằng việc tiến hành cần phải thêm một thời gian nữa.

GPBank là một trong 9 ngân hàng buộc phải tái cơ cấu đợt đầu tiên vào 2012, tuy vậy, đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư mới nào tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng này.

Ngân hàng Nhà nước có thể mua lại Oceanbank và GPBank
Ngân hàng Nhà nước có thể mua lại Oceanbank và GPBank 
Vào đầu năm 2014, một ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đã có ý định mua lại GPBank, tuy vậy với một số những điều kiện mà bên mua đưa ra, NHNN đã không đồng ý thông qua.


Với Oceanbank, ba người nguyên là lãnh đạo của ngân hàng này đang bị bắt giam với cáo buộc cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế và vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Đó là nguyên Chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm, nguyên Tổng giám đốc Nguyễn Minh Thu và nguyên Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Hoàn.

Việc mua lại hai ngân hàng nói trên của NHNN sẽ còn một thời gian nữa mới thực hiện được. Một trong các lý do chính vẫn là NHNN phải kiểm toán, định giá hai ngân hàng để xác định lại chính xác vốn chủ sở hữu.

Ngoài ra nhiều ngân hàng cũng sẽ được sáp nhập vào năm nay, như SaigonBank về với Vietcombank, Phương Nam Bank sáp nhập vào Sacombank, theo nhiều nguồn tin trong thời gian gần đây.

Hiện tại NHNN cũng kêu gọi một số ngân hàng lớn có vốn nhà nước chi phối tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng bằng cách mua lại cổ phần của các ngân hàng yếu.

Một số ngân hàng tầm trung cũng đang có kế hoạch sáp nhập.

Trước đó, trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời vào Tết Nguyên đán, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng cho biết khả năng sẽ có một số ngân hàng được xử lý như VNCB.

Thống đốc cũng nói thêm, việc này hoàn toàn phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Khi các cổ đông làm mất vốn của mình và thậm chí dùng vốn xã hội thì họ phải ra đi để Nhà nước tiếp quản lại nhằm giữ ổn định hệ thống cũng như đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân, doanh nghiệp.

Ông Bình cũng cho biết, dự kiến, năm 2015 sẽ xử lý từ 6 đến 8 ngân hàng.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn
Bình luận
vtcnews.vn