Thống kê từ báo cáo tài chính của 25 ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, tính đến cuối năm 2019 tổng số tiền người dân và doanh nghiệp đang gửi tại các nhà băng này lên tới hơn 7 triệu tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2018.
Trong đó, nhóm ngân hàng TMCP quốc doanh (Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank) vẫn là những nhà băng có số tiền gửi của người dân cao nhất và vượt xa nhóm ngân hàng tư nhân.
Mỗi ngày gửi ngân hàng gần 350 tỷ đồng
Ước tính, tổng lượng tiền gửi tại 4 nhà băng này tương đương khoảng 50% toàn hệ thống. Trong đó, Agribank và BIDV là hai cái tên có lượng tiền gửi của khách hàng vượt 1 triệu tỷ đồng đến cuối năm 2019.
Tuy nhiên, trong các ngân hàng công bố báo cáo tài chính năm gần nhất, Vietcombank là ngân hàng ghi nhận số tiền người dân gửi thêm nhiều nhất với gần 126.500 tỷ tăng thêm. Tính bình quân, mỗi ngày người dân và doanh nghiệp trong nước lại mang gần 350 tỷ đồng đi gửi tại Vietcombank.
Đến cuối 2019, tổng tiền gửi của khách hàng tại nhà băng này đạt hơn 928.400 tỷ đồng (gần 40 tỷ USD), cao thứ 3 trong nhóm có tiền gửi nhiều nhất (sau BIDV và Agribank).
Cùng có mức tăng trên 100.000 tỷ là BIDV với hơn 124.500 tỷ đồng tăng thêm, tương đương mức tăng bình quân hơn 340 tỷ mỗi ngày.
Số dư tiền gửi đến cuối 2019 của ngân hàng cũng đã vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, tăng 13%.
Dù có mức tăng thấp nhất trong nhóm quốc doanh nhưng Vietinbank vẫn là ngân hàng được nhiều khách hàng lựa chọn gửi tiền hơn nhóm ngân hàng tư nhân với gần 67.000 tỷ tăng thêm năm qua.
Tổng số dư tiền gửi tại nhà băng này hiện đạt gần 892.800 tỷ, cao thứ tư hệ thống.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng tư nhân những năm gần đây có sự phân hóa rất mạnh về quy mô tài sản cũng như lượng tiền khách hàng gửi vào.
Người dân gửi tiền vào ngân hàng nào nhiều nhất?
Toàn hệ thống hiện ghi nhận 7 nhà băng tư nhân có lượng tiền gửi khách hàng trên 200.000 tỷ đồng gồm SCB, Sacombank, ACB, MBBank, SHB, Techcombank và VPBank. Đây cũng là những ngân hàng có quy mô lớn nhất nhóm hiện nay.
Trong đó, SCB dẫn đầu với trên 438.300 tỷ tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn, tăng 14%. Trong khi đó, 5/6 nhà băng còn lại cũng ghi nhận số dư tiền gửi của người dân và doanh nghiệp tăng 14-15% như Sacombank tăng trên 51.000 tỷ; ACB tăng 38.100 tỷ; hay SHB tăng 34.100 tỷ…
Riêng VPBank với số tiền gửi tăng thêm hơn 43.000 tỷ đồng, tương đương hơn 25% so với số dư hồi cuối năm 2018. Đến cuối 2019, tổng số dư tiền gửi của người dân tại ngân hàng này cũng là gần 214.000 tỷ (trên 9 tỷ USD).
Nhóm ngân hàng phía sau bao gồm Eximbank, LienVietPostBank, HDBank và VIB với quy mô tiền gửi trên 100.000 tỷ.
Đáng chú ý, VIB là ngân hàng có tỷ lệ tăng lượng tiền gửi của người dân cao nhất năm qua, lên tới 44%.
Cụ thể, năm 2018, số dư tiền gửi của khách hàng tại nhà băng này mới là gần 85.000 tỷ, nhưng với gần 37.500 tỷ tăng thêm một năm qua đã giúp chỉ tiêu tài chính này của VIB tăng mạnh lên mức tương đương Eximbank, HDBank và LienVietPostBank.
Bình quân, mỗi ngày người dân và doanh nghiệp trong nước lại mang hơn 100 tỷ đồng đi gửi vào nhà băng này. Trong khi con số bên phía Eximbank là 56 tỷ/ngày; LienVietPostBank là 33 tỷ/ngày, thậm chí tăng trưởng tiền gửi của HDBank còn âm hơn 2.000 tỷ.
Hầu hết ngân hàng còn lại đều duy trì đà tăng 2 chữ số với khoản tiền gửi của người dân, trong đó, MSB tăng 27%, TPBank tăng 21%; NCB và VietBank đều tăng trên 20%...
Hiện nay, các ngân hàng nhỏ chịu rất nhiều bất lợi trong cuộc đua huy động tiền gửi của người dân. Trong khi nhóm ngân hàng lớn chiếm ưu thế với hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch rộng, nhóm ngân hàng nhỏ phải dùng lãi suất làm ưu thế cạnh tranh.
Trên thị trường hiện nay, chênh lệch lãi suất giữa các nhóm ngân hàng rất lớn ở các kỳ hạn 6-12 tháng, lên tới trên 2%/năm.
Như trường hợp người dân gửi tiền tại nhóm ngân hàng quốc doanh (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) chỉ được lãi suất 6,8%/năm thì nhóm ngân hàng cỡ nhỏ như CBBank, NCB, Vietcapital bank đều niêm yết xấp xỉ 8%/năm.
Bình luận