• Zalo

Ngân hàng gây sốc, rao bán cả khoản nợ chỉ vài trăm nghìn

Tài chínhThứ Tư, 22/09/2021 10:29:10 +07:00Google News

Không chỉ rao bán các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo, có ngân hàng rao bán cả những khoản vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm với giá trị rất nhỏ.

Ngân hàng rao bán khoản nợ chưa đến 500 nghìn đồng

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) vừa thông báo công khai chào bán các khoản nợ vay tiêu dùng phục vụ đời sống để thu hồi nợ. Đợt này, VietinBank bán 264 món vay của khách hàng cá nhân với tổng giá trị khoản nợ (bao gồm gốc, lãi, lãi phạt) là hơn 6,58 tỷ đồng.

Trong đó, khoản nợ có giá trị cao nhất gần 101 triệu đồng. Còn lại, đa phần các khoản nợ có giá trị phổ biến từ 5-20 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng có nhiều khoản vay rất nhỏ, chỉ dưới 1 triệu đồng, thậm chí có khoản vay chỉ 483.000 đồng được rao bán.

Những khoản nợ này được rao bán với giá khởi điểm bằng giá trị ghi sổ khoản nợ (bao gồm gốc, lãi, lãi phạt). Người mua sẽ phải thanh toán 1 lần 100% giá trị khoản nợ. Do là các khoản vay tiêu dùng phục vụ đời sống nên không có tài sản đảm bảo.

Giá khởi điểm không bao gồm các chi phí liên quan đến việc việc chuyển quyền sở hữu/sử dụng tài sản và các chi phí khác (nếu có) khi thực hiện mua khoản nợ, các chi phí này do người trúng đấu giá chịu. Việc mua, bán khoản nợ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.

Ngân hàng gây sốc, rao bán cả khoản nợ chỉ vài trăm nghìn - 1

Ngân hàng rao bán cả những khoản vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm với giá trị rất nhỏ.

Đây không phải là lần đầu tiên VietinBank thông báo bán các khoản nợ vay tiêu dùng của các khách hàng cá nhân.

Vào đầu tháng 8, VietinBank thông báo bán các khoản nợ vay tiêu dùng của 105 khách hàng cá nhân. Trong lần thông báo đầu tiên, VietinBank thông báo tổng giá trị ghi sổ là 2,847 tỷ đồng, các khoản nợ có giá trị từ 1,8-88 triệu đồng (bao gồm nợ gốc, nợ lãi, lãi phạt chậm trả). Nhưng hai ngày sau đó, nhà băng này thông báo bán đấu giá các khoản nợ trên với tổng trị giá được giảm xuống còn 2,587 tỷ đồng.

Trước đó, vào tháng 7, VietinBank thông báo bán khoản vay tiêu dùng của 36 cá nhân để thu hồi nợ với tổng giá trị hơn 614 triệu đồng. Trong đó, khoản vay lớn nhất có giá trị hơn 21,3 triệu đồng và nhỏ nhất là hơn 1,1 triệu đồng.

Trong tháng 5, VietinBank cũng từng rao bán 9 khoản nợ vay tiêu dùng của các cá nhân để thu hồi. Khoản vay có giá trị lớn nhất là 16 triệu đồng. Tổng giá trị nợ rao bán là hơn 75,5 triệu đồng.

Đại diện VietinBank cho hay, đây là bước thử nghiệm để kích hoạt thị trường mua bán nợ cho vay tiêu dùng. Bởi các ngân hàng thường rao bán những khoản nợ lớn và có tài sản thế chấp, trong khi các khoản nợ vay tiêu dùng chưa được ngân hàng nào chào bán công khai.

Theo đại diện Vietinbank, đây không phải là những khoản nợ khó bán. Việc rao bán các khoản nợ này là nghiệp vụ bình thường của Ngân hàng để thu hồi, xử lý nợ. 

Nợ vay tiêu dùng khó bán

Hoạt động rao bán nợ vẫn được các ngân hàng thực hiện thường xuyên trong suốt thời gian qua. Nhưng thông thường các ngân hàng chỉ rao bán nợ vay có tài sản đảm bảo.

Ngân hàng gây sốc, rao bán cả khoản nợ chỉ vài trăm nghìn - 2

Hoạt động rao bán nợ vẫn được các ngân hàng thực hiện thường xuyên.

Việc Vietinbank rao bán cùng lúc cả trăm khoản nợ vay tiêu dùng của các khách hàng cá nhân gây bất ngờ cho thị trường. Bởi trong bối cảnh các ngân hàng ồ ạt rao bán nợ xấu là các tài sản đảm bảo với giá khởi điểm thấp hơn nhiều so với giá trị khoản nợ thậm chí phải giảm giá nhiều lần nhưng thanh khoản vẫn rất èo uột thì việc rao bán các khoản nợ vay tiêu dùng không có tài sản đảm bảo, có mức giá khởi điểm lại ngang bằng với giá trị khoản nợ sẽ khó bán. Thông thường, nợ xấu không có tài sản đảm bảo khi bán ra thị trường sẽ khó giữ được giá trị cao như các khoản nợ có tài sản đảm bảo.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, hiện các ngân hàng không còn dịch vụ đòi nợ thuê nên chuyện đi bán nợ cho vay tiêu dùng không có tài sản đảm bảo là điều dễ hiểu. Nhưng việc rao bán các khoản nợ với mức giá cao, bằng với giá sổ sách thì sẽ khó có thể thực hiện được.

Ở một khía cạnh khác, các chuyên gia tài chính nhận định, việc rao bán các khoản nợ vay tiêu dùng là một nghiệp vụ trong quá trình xử lý nợ. Khi có nhu cầu thu hồi vốn cho hoạt động kinh doanh, các công ty tài chính, ngân hàng sẽ rao bán khoản nợ vay tiêu dùng. Song thị trường mua bán nợ ở phân khúc này còn khá mới mẻ.

Các ngân hàng không chỉ bán nợ xấu mà còn có thể bán các khoản nợ tốt. Nhằm giảm tỷ lệ dư nợ tại một phân khúc, các ngân hàng có thể bán các khoản nợ chưa thành nợ xấu.

Dù khoản nợ được rao bán không phải là nợ xấu nhưng theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, tỷ lệ nợ xấu vay tiêu dùng tại các ngân hàng đang có chiều hướng gia tăng, vay tiêu dùng mà không có thế chấp thì rủi ro càng tăng. Nợ xấu trong lĩnh vực vay tiêu dùng sẽ gia tăng nếu không cân đối khoản bù đắp rủi ro mà tiếp tục mở rộng đối tượng cho vay, số lượng cho vay quá lớn.

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, nếu nợ xấu tiêu dùng tăng cao, khi ngân hàng rao bán chắc chắn không ai dám mua ngoài những tổ chức có vốn lớn, dài hạn chuyên về xử lý nợ.

Thời gian qua, phân khúc cho vay tiêu dùng được các ngân hàng thương mại, công ty tài chính đẩy mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cấp thiết cho người dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Nhưng đi kèm với phát triển là rủi ro nợ xấu.

Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đến cuối tháng 3/2021, dư nợ cho vay phục vụ đời sống đạt 1,867 triệu tỷ đồng, tăng 1,2% so với cuối năm ngoái.

Còn theo một thống kê mới đây của Ngân hàng HSBS tại 4 ngân hàng lớn (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank), tỷ lệ cho vay hộ gia đình đã tăng lên 46% tổng dư nợ năm 2020. Riêng nợ tiêu dùng đã tăng từ mức 41% thu nhập (trên mỗi lao động) trong năm 2013 lên mức hơn 100% vào năm 2020. 

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp