Ngân hàng TMCP Quốc Dân - NCB (mã NVB) vừa thông báo kế hoạch chào bán 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng mỗi cổ phiếu.
Ngày 18/1 là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền mua và ngày giao dịch không hưởng quyền là 17/1. Đăng ký đặt mua và nộp tiền mua cổ phiếu từ 7 - 28/2 hoặc theo thông báo khác của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán sau khi ngân hàng làm thủ tục chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền mua cổ phần.
Với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, nếu phát hành thành công toàn bộ số cổ phiếu chào bán, NCB sẽ thu về 1.500 tỷ đồng. Vốn điều lệ của NVB cũng tăng lên 5.600 tỷ đồng.
Theo NCB, số tiền thu về sau đợt chào bán chủ yếu được đầu tư thay đổi hình ảnh nhận diện thương hiệu, phát triển các dự án digital banking, tăng năng lực tài chính cho Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác tài sản NCB (AMC).
Trên thị trường, cổ phiếu NVB chốt phiên giao dịch cuối tuần ở mức 39.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 74% so với giá chào bán cho cổ đông hiện hữu. Trong năm 2021, cổ phiếu NCB tăng 182%, tương đương mỗi cổ phiếu thêm 20.600 đồng.
Tương tự, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, mã ABB) cũng đang triển khai tăng vốn giai đoạn 2 ngay sau khi hoàn tất đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu theo chương trình ESOP.
Hiện ABBank đã hoàn thành tăng vốn giai đoạn đoạn 1. Vốn điều lệ của ABBank tăng từ 5.713 tỷ đồng lên gần 6.970 tỷ đồng. Trong giai đoạn 1, toàn bộ hơn 114,26 triệu cổ phiếu, tương đương 20% vốn điều lệ trước tăng vốn, đã được ABBank chào bán thành công. ABBank cũng đồng thời phát hành thành công gần 11,43 triệu cổ phiếu cho cán bộ nhân viên.
Theo ABBank, sau khi hoàn thành tăng vốn giai đoạn 2, vốn điều lệ ABBank dự kiến sẽ đạt gần 10.000 tỷ đồng. Nguồn vốn tăng lên sẽ được ABBank sử dụng để bổ sung quy mô vốn hoạt động, phục vụ cho nhu cầu mở rộng kinh doanh theo kế hoạch chiến lược 5 năm 2021-2025 và triển khai thực hiện các sáng kiến chiến lược, trong đó có việc đầu tư phát triển công nghệ số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (mã SHB) cũng vừa nâng vốn lên hơn 26.674 tỷ đồng, nhờ chào bán thành công hơn 539 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 100% tổng số cổ phiếu đăng ký chào bán.
Trước đó SHB hoàn thành phát hành cổ phiếu trả cổ tức 2020 và đến nay tiếp tục hoàn thành chào bán hơn 539 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, chiếm tỷ lệ 100% tổng số cổ phiếu đăng ký chào bán. Như vậy, SHB đã thực hiện phát hành thành công hơn 741 triệu cổ phiếu như đại hội cổ đông đã đề ra.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã SSB) mới đây cũng chính thức hoàn thành tăng vốn điều lệ lên gần 14.785 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 9/2021, SeABank đã tăng thêm hơn 1,337 tỷ đồng vốn điều lệ thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) đã được thông qua tại đại hội cổ đông thường niên SeABank năm 2021.
Việc tăng vốn điều lệ là một dấu mốc quan trọng trong kế hoạch và định hướng phát triển của ngân hàng nhằm nâng cao tiềm lực tài chính và củng cố an toàn vốn. Từ đó, tạo tiền đề để SeABank đầu tư toàn diện về nhiểu mặt như cơ sở vật chất, hệ thống, công nghệ, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Đồng thời giúp ABBank đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của khách hàng trên toàn quốc.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank, mã HDB) cũng thông báo phát hành 20 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
HDB cho biết việc phát hành cổ phiếu ESOP nhằm ghi nhận sự đóng góp của cán bộ nhân viên trong quá trình hoạt động kinh doanh, đem lại doanh thu và lợi nhuận vượt so với kế hoạch của ngân hàng, đồng thời tiếp tục khuyến khích để tại động lực cho cán bộ nhân viên trong thời gian tới.
Hồi giữa năm 2021, nhiều ông lớn ngân hàng cũng liên tục thông tin về việc tăng vốn điều lệ. Ngân hàng Vietinbank sau nhiều năm không thay đổi vốn điều lệ, đã chính thức được tăng vốn từ hơn 37.234 tỷ đồng lên trên 48.000 tỷ đồng qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận 3 năm 2017, 2018, 2019 với tỷ lệ hơn 29%.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank, MBB) cũng được chấp thuận tăng vốn điều lệ lần 1 thêm tối đa hơn 9.795 tỷ đồng qua việc chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 35% bằng cổ phiếu. Vốn điều lệ của MBB sẽ tăng lên hơn 37.700 tỷ đồng sau phát hành.
Một số ngân hàng khác như Phương Đông (OCB), Ngân hàng ACB.. cũng tăng vốn điều lệ thêm hàng nghìn tỷ đồng.
Theo một số chuyên gia, việc các ngân hàng tăng vốn cần nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, trả nợ lương, thuê mặt bằng… của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tap. Bên cạnh đó, việc tăng vốn của các ngân hàng là nhu cầu tất yếu nhằm đáp ứng quy định Basel II (bộ các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của ủy ban Basel về giám sát ngân hàng).
Bình luận