Nhiều ngân hàng vừa giảm lãi suất cho vay 1-2% đối với khoản vay hiện hữu. Điều này kéo mặt bằng lãi suất cho vay về mức phổ biến từ 7%/năm đến hơn 10%/năm.
Tuy nhiên, dù lãi suất cho vay đã giảm nhưng hiện mức chênh lệch với lãi suất huy động vẫn khá cao. Nếu lãi suất huy động bình quân chỉ 3-5%/năm thì nhiều khoản vay vẫn treo lãi suất 7 - 7,5%/năm, có khoản 9-10%/năm.
Các ngân hàng bắt đầu điều chỉnh lãi suất sau khi Hiệp hội Ngân hàng yêu cầu 16 ngân hàng thương mại lớn phải giảm lãi suất cho vay ngay trong tháng 7 với các khoản dư nợ hiện hữu, tức là các khoản nợ mà doanh nghiệp đang vay ngân hàng, nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp giữa mùa COVID-19.
Ngay sau đó, hàng loạt các ngân hàng đã giảm với mức từ 1 - 2%.
Một trong những ngân hàng có mức giảm cao là Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) với lãi suất ưu đãi giảm đến 2% cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Căn cứ vào thực trạng, mức độ ảnh hưởng cụ thể, doanh nghiệp sẽ được giảm lãi suất vay ngắn hạn, trung và dài hạn đến 2%/năm, cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm phí. Với các doanh nghiệp xây dựng đang vật lộn với giá nguyên vật liệu tăng cao, Bản Việt có gói tín dụng hỗ trợ với hạn mức 800 tỷ đồng lãi suất vay chỉ từ 7,5%/năm, giảm phí bảo lãnh đến 55%; các loại phí dịch vụ khác giảm từ 10-20%.
Ngân hàng BIDV cũng giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo đó, từ ngày 15/7/2021 đến 31/12/2021, BIDV giảm lãi suất cho vay với dư nợ hiện hữu bình quân 1%/năm, một số nhóm khách hàng khó khăn với mức giảm tối đa là 2%/năm so với lãi suất hiện hành. Đối tượng được giảm lãi vay là các khách hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 (lĩnh vực lưu trú, dịch vụ nhà hàng, resort, khách sạn, vận tải….).
Ngân hàng TPBank giảm từ 0,5-1,2% lãi suất cho các khách hàng doanh nghiệp. Tổng dư nợ được nhận hỗ trợ lãi suất của nhóm khách hàng này ước tính vào khoảng 18.188 tỷ đồng. Ngoài ra, gần 26.300 tỷ đồng dư nợ của các khách hàng cá nhân cũng nhận được xét giảm lãi suất 1%.
Đa số các ngân hàng đều chủ yếu giảm lãi suất từ 0,5-1%. Ở nhóm này có thể kể đến các ngân hàng như: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với mức giảm cao nhất là 1%/năm dành cho các doanh nghiệp vay thuộc 9 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng đại dịch. Với khách hàng cá nhân, mức giảm cao nhất là 1%/năm cho vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, 0,5%/năm với khách hàng vay vốn phục vụ đời sống.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng sẽ điều chỉnh giảm lãi suất cho đối với dư nợ hiện hữu của nhiều đối tượng khách hàng cụ thể, lãi suất cho vay bình quân giảm toàn danh mục từ nay đến tháng 12/2021 là 1% tổng danh mục cho vay VNĐ của nhà băng này.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) công bố giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu với mức tối đa 0,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1%/năm cho khoản vay trung dài hạn.
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng, nếu phải giảm 1 điểm % lãi suất trên tổng dư nợ hiện hữu của nền kinh tế, tức khoảng 9,6 triệu tỉ đồng, lợi nhuận của ngành ngân hàng có thể giảm khoảng 96.000 tỷ đồng, tương đương với 1/2 lợi nhuận của toàn ngành năm 2020.
Hiện lãi suất huy động khó giảm thêm do không còn dư địa và nỗi lo tiền nhàn rỗi sẽ chảy mạnh sang các kênh đầu tư khác, các ngân hàng cũng phải rất cân nhắc trước quyết định giảm lãi vay.
Bình luận