• Zalo

Ngân hàng đi bán cá, nuôi tôm

Kinh tếThứ Hai, 01/09/2014 01:27:00 +07:00Google News

Theo thông thường, những hộ nuôi tôm, cá vay vốn sản xuất, sau khi thu hoạch sẽ thu tiền trả cho ngân hàng, nhưng giờ ngân hàng lại phải đi bán cá - nuôi tôm.

Theo thông thường, những hộ nuôi tôm, cá vay vốn sản xuất, sau khi thu hoạch sẽ thu tiền trả cho ngân hàng. Ở thời điểm này, nhiều ngân hàng - chủ nợ phải đi “bán cá, nuôi tôm”…

Ông K. ở An Giang cho biết chi phí trung bình cho một ha ao nuôi cá tra trong thời gian 7-8 tháng cần khoảng 7 tỷ đồng. Trong đó, thức ăn chăn nuôi và thuốc thủy sản chiếm đến 80%, khoản này trước đây thường được mua chịu của các đại lý kèm lãi suất vài phần trăm mỗi tháng.

ngân hàng, nuôi tôm, cá, lãi suất, đáo hạn, trả nợ
Ảnh minh họa 
Ông M., một đại lý thuốc thủy sản cũng tại An Giang, cho biết trước đây, rất nhiều đại lý cho nông dân nuôi cá tra lấy thuốc dùng trước, trả tiền sau. Riêng ông, số tiền nông dân nợ đã lên đến gần 4 tỷ đồng nhưng ông mới chỉ thu được có hơn 1 tỷ đồng. Khi ông “dọa” sẽ kiện ra tòa thì một số nông dân đề nghị ông đến bắt cá để cấn nợ.

“Nghe người ta muốn trả nợ bằng cá đang nuôi, tôi không biết phải làm gì ngoài việc chấp nhận cho họ tiếp tục khất nợ mà chẳng biết khi nào mới lấy được tiền”, ông M. nói. Thời gian gần đây, nhiều đại lý bán thức ăn chăn nuôi cũng như thuốc không còn chịu bán thiếu nữa. Người nuôi buộc phải vay toàn bộ từ ngân hàng và trong nhiều trường hợp, họ phải xoay xở bằng cách “đi đêm”.

Nhưng khó khăn chưa hết vì không phải lúc nào muốn bán cá là có thể bán được. Cá đến thời điểm thu hoạch nhưng doanh nghiệp chế biến thủy sản chưa muốn mua, người nuôi phải tiếp tục cho ăn mỗi ngày. Rồi khi trọng lượng cá tăng lên đến khoảng 1,2 kg/con (vượt mức thích hợp để sản xuất phi lê là từ 0,8 đến 1 kg), doanh nghiệp quay lại ép giá vì cho rằng họ sẽ bị hao hụt khoản trọng lượng vượt hơn.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp, doanh nghiệp chịu mua cá, dù trọng lượng cá nặng hay nhẹ, kích cỡ lớn hay nhỏ. Có điều mua mà… chưa trả tiền! Người nuôi trong cái thế nếu tiếp tục nuôi thì sẽ tốn thêm chi phí và có khả năng thua lỗ nên chấp nhận bán thiếu. Và rồi nhiều khoản nợ chuyển thành nợ khó đòi, thậm chí có doanh nghiệp chưa trả nợ đã đóng cửa vì thua lỗ, không loại trừ có trường hợp mua chịu “cú cuối” để thu về một ít tiền rồi tháo chạy.

Không bán được cá, người nuôi chỉ còn cách là “gán” ao cá của mình cho ngân hàng. Ông Hồ Văn Vàng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Thủy sản Vĩnh Long, cho biết ngân hàng thì đâu thể đi nuôi cá, nhưng ẩn ý sau câu chuyện nông dân trả nợ bằng cá trong ao là một cách gây sức ép, với mong muốn ngân hàng tạo sức ép ngược lại doanh nghiệp giúp họ bán được cá đúng kích thước.

Chuyện nuôi tôm cũng gặp trắc trở không kém. Trong những năm qua, giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam từ 2-2,5 tỷ đô la Mỹ/năm nhưng hàng loạt hộ nuôi tôm thua lỗ. Cả một số người từng được ca ngợi là tấm gương làm giàu nhờ nuôi tôm cũng đã trở thành người nợ nần chồng chất chỉ sau vài vụ thất bại.

Mới đây, Chính phủ đã có Quyết định 540/QĐ-TTg về chính sách tín dụng đối với nuôi tôm và cá tra. Theo đó, người nuôi là hộ nông dân, hợp tác xã được khoanh nợ không thu lãi trong 36 tháng và được tiếp tục vay thêm để sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Nhiễm, Chủ nhiệm Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh ở Sóc Trăng, cho biết trước đây, khi cho nông dân vay, các ngân hàng thường yêu cầu thế chấp tài sản, nhưng nay, theo quyết định trên, ngân hàng đồng ý khoanh nợ, giãn nợ và cho vay thêm đối với những phương án sản xuất kinh doanh tốt.

Nhưng theo đánh giá của trưởng phòng tín dụng một ngân hàng có văn phòng ở TP.HCM, việc cho vay dựa trên phương án sản xuất, kinh doanh tốt mà không đòi hỏi tài sản thế chấp cũng giống hoạt động của một quỹ đầu tư mạo hiểm, vì thật ra, chẳng có gì đảm bảo 100% phương án sản xuất, kinh doanh đó sẽ đem lại hiệu quả, nhất là trong bối cảnh thời tiết có thể thay đổi bất thường, dịch bệnh trên tôm có thể bùng phát bất cứ lúc nào như thời gian qua.

Cũng theo ông này, hình thức cho vay này, hiểu theo cách nào đó là ngân hàng đang đi nuôi cá nuôi tôm, và đây là “canh bạc” với tỷ lệ thành công chỉ là 50/50. “Bởi một khi thời tiết biến đổi thất thường khiến dịch bệnh gia tăng, tôm chết hàng loạt và không thể thu hồi được vốn, người nuôi có thể đổ lỗi do thời tiết chứ không phải do quy trình nuôi. Lúc đó, ngân hàng sẽ rất khó…”, ông nói.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn
Bình luận
vtcnews.vn